BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ba lần lấy vợ

04 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 1691)
Ba lần lấy vợ
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Thằng Lập (Nguyễn Quang Lập) biết sơ sài về thằng Uy (Trần Chấn Uy) mà viết về thằng Uy quá hay, trong khi đó mình rành thằng Uy sáu câu, viết chẳng ra làm sao. Bắt chước khẩu văn của thằng Lập, lần này mình lại viết về nó chơi.



 Mấy bợm nhậu bọn mình ngồi nhậu trong cái sân rộng mênh mông của quán 86 cạnh đường Trần Phú, Nha Trang, nhậu được một lúc thằng Sáu Khanh tác giả của hai câu thơ con cóc rất được ưa chuộng: Mây bay lên núi mây bay tuốt/ Nước chảy qua cầu nước chảy luôn cầm ly bia đứng dậy tuyên bố:

- Con bò có một cái u/ Những thằng một vợ còn ngu hơn bò.

Đọc xong Sáu Khanh nhìn cả bọn cười hỉ hả rồi cầm ly bia uống cạn, mấy thằng bọn mình tức lắm cũng đành chịu, vì thằng này hai vợ. Thằng Uy ở bàn nhậu cuối sân không hiểu sao nghe được, cầm ly bia đi sang vỗ vai Sáu Khanh:

- Ngồi xuống, em không được hỗn! – Liền đó nó đọc luôn – Lạc đà có hai cái u/ Những thằng hai vợ ngu hơn lạc đà.

Sáu Khanh trợn mắt:

- Mày!…

Mình vẫy Sáu Khanh:

- Mày bái nó làm sư phụ đi, thằng này ( trỏ thằng Uy) ba vợ đấy!

Sáu Khanh nhìn thằng Uy như nhìn người ngoài hành tinh, sau đó vái thằng Uy ba vái:

- Em lạy anh Hai!

Chuyện thằng Uy ba vợ nhiều người biết, nhưng vì sao ba vợ chắc chỉ có mình biết. Con vợ đầu của nó rất xinh, học Cao đẳng sư phạm Nha Trang, ra trường được bố xin cho vào Thương nghiệp, làm ở Công ty Nông sản thực phẩm tỉnh, ngày bán thịt cho thiên hạ, đêm bán thịt cho chồng. Hồi ấy kiếm được vợ mậu dịch viên là số một, thằng Uy biết vậy nên cam phận làm thầy giáo và thay vợ chợ búa cơm nước đảm đương việc nhà. Khổ nỗi tính thằng này ham chơi nên đã rất cố gắng mà vẫn bị vợ la, lương thầy giáo ba cọc ba đồng, để có tiền uống cà phê hàng ngày nó mới nghĩ ra chiêu trộm tiền vợ. Gì chứ khoản này thì thằng Uy số một, heo nhựa hay heo đất gì nó cũng chỉ cần một cái díp nhổ lông nách là gắp ra hết. Gặp tờ mười ngàn, hai mươi ngàn Uy bỏ lại, chỉ lấy những tờ năm mươi ngàn (là những tờ tiền có mệnh giá cao nhất hồi ấy).

Con bé đầu của hai vợ chồng nó (tức cái con làm Ngân hàng bây giờ) bốn tuổi thấy vậy bắt chước làm theo lúc mẹ ở nhà khiến mẹ nó sinh nghi kiểm tra, thì hỡi ôi con heo gần như rỗng ruột. Điên tiết nó mới tế cho thằng chồng một trận, nhưng nói với thằng này cứ như nước đổ đầu vịt, không lập công chuộc tội thì chớ lại bày thêm những điều bực mình khác. Mỗi lần làm bếp tay đầy mắm muối nó cứ nhè khăn mặt của vợ mà lau, con vợ ngạc nhiên thấy khăn mình vừa giặt xà bông sạch sẽ sao đã lại bẩn rồi, hỏi chồng, ngu gì thằng Uy nhận. Nó mới kiên trì “thập diện mai phục” bắt quả tang.

Một đêm thằng Uy đi nhậu về khuya, con vợ tức mình cài chặt cửa quyết không cho chồng vào nhà. Thằng Uy gọi một lần không được, hai lần không được, nó mới lùi lại ba bước rồi vung chân phóng một cước, cánh cửa vỡ tan, tan luôn cả cái tổ ấm mà bấy lâu hai đứa vừa xây vừa phá. Vợ chồng dẫn nhau ra tòa, tòa xử cho con vợ được quyền nuôi con, thằng Uy trở lại thanh niên độc thân như ngày nào. Một bữa nó lên thăm con. Hai đứa con gái thấy bố đến thì hớn hở chui ở chuồng gà nhà ông ngoại ra đón, đứa nào đầu cũng đầy cứt gà. Con chị:

- Mẹ kiếp, ba!

Con em hai tuổi ngọng líu ngọng lô, cũng:

- Chù má, ba!

Thằng Uy nghe hoảng hồn, vội bế thẳng hai đứa về nhà mình. Hôm sau con vợ dẫn hai thằng Thi hành án đến, thằng Uy vác dao ra nói với hai thằng thi hành án:

- Chẳng có luật đéo nào cấm bố nuôi con cả, thằng nào vào bắt con tao, tao chém!

Hai thằng thi hành án bỏ đi, thằng Uy giành quyền nuôi con từ đó. Ý thức được việc mình đã làm sứt mẻ cuộc đời những đứa con, thằng Uy cố gắng bù trì, nhưng bù trì sao nổi. Dù hai đứa được nó dạy dỗ cưng chiều như con cái nhà đại gia thì trong tình cảm chúng vẫn luôn thấy thiếu một cái gì đó. Thiếu cái gì chỉ thằng Uy hiểu, và đấy chính là chỗ ra đời những câu thơ gan ruột của nó: “Đêm ngủ con sờ vú cha/ Giấc khuyết vầng trăng mẹ/ Tổ ấm cho con cha tay vụng/ Gió đời thổi nát thành mây…” (Giấc ngủ khuyết vầng trăng). Ba câu đầu tình thực, đọc cảm động. Nhưng câu thứ tư nghe sến thế nào ấy, mình không thích. Một buổi chiều thằng Uy bận việc nhờ mình đi đón con hộ. Mình đi đón con bé. Trời chuyển mưa, dưới đất gió cuồn cuộn cuốn lá, trên cao vần vũ mây bay, lác đác những hạt nước vỡ từ trời rơi xuống. Hai bác cháu phóng xe chạy như điên trên đường. Mình vừa chạy xe vừa lẩm nhẩm: Gió đời thổi nát thành mây… mới thấy cái thằng này tài.

Năm con bé lớn của nó mười ba tuổi có kinh lần đầu, bố lơ ngơ như bò đội nón không biết để dặn con kiêng cữ. Con bé cứ thế tắm rửa dầm nước, bị rong kinh, da tím tái, người lạnh ngắt, thằng Uy hoảng hồn gọi bác sĩ Phan Cao Toại tới cấp cứu mới thoát được. Sau bận ấy thằng Uy nghĩ cực thân nên quyết định lấy vợ, nhưng lấy ai ? Tình cũ không rủ cũng đến, con vợ hai của nó vốn là bạn thời sinh viên, ly dị chồng, có một con trai, làm Kế toán trưởng của một công ty thủy lợi. Về quyết định lấy vợ lần hai, thằng Uy giải thích với mình:

- Tôi nghĩ rồi, lấy đứa có con về làm vợ nó thông cảm, thương con mình. Mình cười:

- Mấy đời bánh đúc có xương…

Cưới xong, hai đứa kéo nhau lên Đà Lạt chơi “tuần trăng mửa mật”, tiền con vợ bao. Được một hôm, hôm sau con vợ hỏi thằng chồng, anh có tiền cho em mượn ba trăm. Thằng Uy có đúng ba trăm dấu dưới đáy va ly tính để đi nhậu với đám Phạm Quốc Ca, Bảo Cự… nghe vợ hỏi, lắc đầu. Con vợ không nói gì. Buổi chiều thằng Uy đi dạo phố về thấy ba trăm bạc của mình bày trên nóc va ly. Lúc ấy nếu trong phòng có cái rổ thì nó đã lấy rổ úp lên mặt cho đỡ xấu hổ, nhưng khách sạn không có rổ nên thay vì úp mặt nó bèn úp tiền vào túi rồi vội vã quay ra phố đến với đám Phạm Quốc Ca, mãn cuộc trở về thì con vợ đã ngủ (hay giả vờ ngủ) thì không biết. Thằng Uy nằm suy nghĩ, thấy nhục nên quyết chí làm ra tiền. Và quả là nó làm ra tiền thật, đi làm phim cho Công ty yến sào (nó lúc này đã chuyển sang đài Truyền hình Khánh Hòa) được 10 triệu đồng, hí hửng đem về nộp vợ. Con vợ rút phắt 5 triệu ra đưa cho thằng em trai của mình, nói một câu gọn lỏn:

- Cho mày!

Thằng em thản nhiên đút tiền vào túi, vì đây không phải lần đầu nó được chị cho tiền. Chị nó kỳ lắm, giống như Quan Vân Trường, thân tại Tào doanh tâm tại Thục Hán, mấy lần lấy chồng rồi mà lúc nào cũng chằm bẵm nhà mình. Mỗi bận đi gội đầu, nó gọi đàn bà con gái cả phố đi cùng để bao. Thằng Uy lắc đầu ngao ngán.

Một lần thằng Uy giặt quần áo vừa phơi xong, quay vào thấy máy giặt đang quay vù vù, nó ngạc nhiên mở nắp máy ra xem. Trong chiếc máy giặt Panasonic 7 kg là chiếc một quần con của vợ đang như cái mề gà lộn lên lộn xuống trong nồi nước luộc. Quá ngạc nhiên nó mới kêu vợ lại nói làm như thế là lãng phí, là không tiết kiệm vv…

Con vợ nghe xong hỏi gọn lỏn:

- Thế ai trả tiền điện, anh à ?

Thằng Uy ngậm tăm. Lúc này nó mới thấy thấm cái câu của bà Yến, mẹ Nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng bạn làm cùng đài với nó nói hôm nó đến đưa thiệp cưới, ăn được của nó (tức của vợ) một đồng, mày phải róc xương ra mà trả! Và quả đúng vậy, khi con vợ tháo chạy vào Sài Gòn để lại cho nó một khoản nợ lên tới 120 triệu đồng (cỡ tỷ hai bây giờ) nó phải è cổ ra trả mấy năm mới hết.

Từ bỏ ý định lấy những em đã qua lửa làm vợ, lần thứ ba nó quyết tâm tìm một gái tân. Việc này đối với thằng Uy không khó, vì “thằng này rất tài, tán em nào em ấy chỉ có chết hoặc bị thương”. Nghe người ta đồn con gái Huế làm vợ tốt, nó đánh đường ra Huế tìm được một cô, đủ cả công dung ngôn hạnh. Một lần ngồi nhậu với hai chị em người yêu ở trên bến Bạch Đằng, Đà Nẵng. Khi trên đĩa chỉ còn lại hai con tôm, con to như cẳng tay, con bé như chiếc đũa, cô vợ tương lai của nó liền gắp ngay con to cho vào bát thằng em. Đợi thằng em chào anh chị ra về rồi Thằng Uy mới thăm dò con bồ:

- Em có vẻ quý em nhỉ ?

- Em nói thật, bây giờ nếu em em nó bảo cần một miếng thịt của em, em cũng sẵn sàng cắt cho nó.

Đã gặp một Quan Vân Trường rồi, bây giờ lại gặp một Quan Vân Trường nữa, thằng Uy nghe mà ngao ngán. Và thế là người yêu lập tức trở thành người yêu cũ, đến hết đời cô gái Huế công dung ngôn hạnh nọ cũng không hiểu vì sao.

Người ta bảo tu ba đời mới lấy được vợ Huế, thằng Uy tu gần đủ ba đời nhưng toàn tu hú nên đành nhổ neo quay về Nha Trang. “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”, hướng nhà thì thằng Uy chịu vì mảnh đất nó mua tọa đông hướng tây rồi, nhưng còn việc lấy vợ thì nó chủ động được. Con vợ ba của nó đúng gái tân, nhà nghèo, chịu thương chịu khó và hiền, đặc biệt hiền. Câu châm ngôn ưa thích của nàng là: “Mọi thứ hương rồi sẽ tàn phai, chỉ có hương thơm đức hạnh là luôn tỏa ngát”. Nó dụ khị thế nào mà mẹ thằng Uy vốn rất khó tính, chẳng con nào ở được với bà cả thế mà bây giờ hễ ai nói xấu con dâu bà là bà chửi. Còn hai đứa con thằng Uy thì khỏi phải nói, một cô Dung, hai cô Dung. Mỗi lần chứng kiến nó cho thằng con ăn là một lần mình phát bực, thằng con nặng như cối đá chẳng chịu ăn khiến mẹ phải xoay quanh như đèn cù. Mình bảo, người roi voi búa, cứ cho roi vào đít là phải ăn ngay thôi mà. Nó bảo:

- Bác cứ đùa.

Ấy thế mà cái con vợ lạt mềm buộc chặt này lại là người thằng Uy sợ nhất, Một lần thằng Uy sang trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang đón con bồ. Ma xui quỷ khiến thế nào hôm ấy con vợ cũng sang trường, thoáng thấy bóng vợ từ xa, thằng Uy vội vã rời con bồ. Vợ nó hỏi:

- Anh đi đâu vậy ?

Thằng Uy luống cuống:

- Tôi đi cầu một cái.

Rồi dù không buồn ị nó cũng vào nhà cầu ngồi, mà nhà cầu tập thể của sinh viên sư phạm thì có sạch sẽ gì đâu. Đúng một tiếng đồng hồ sau thằng Uy trở ra, nhìn trước nhìn sau không thấy bóng vợ đâu mới lại lò dò tới tìm con bồ tâm sự. Biết chuyện mình bảo:

- Nhục.

Nó nhăn răng cười.

  TP Hồ Chí Minh, 01-5-2012

Ngô Xuân Hội

Theo Quê Choa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn