Vòng khăn tang mà thanh niên, sinh viên miền Nam Việt Nam mang trên đầu vào ngày 27/4/1975 trên đường phố Paris 3 ngày trước khi Sài Gòn thất thủ, đau xót thay, đã trở thành lời tiên tri ai oán trong suốt 37 năm qua.
Tôi viết khi đất Văn Giang khóc, người nông dân quê tôi khóc và tôi cũng khóc! “Đất vỡ toang như trái tim đang vỡ… Từng mảnh tim ứa máu rải khắp quê hương này… Và người ta đang lấy máu Đất để sơn phết những gương mặt Quỷ đang nhảy múa cuồng điên trong cơn khát tiền tài danh vọng” (Thuỳ Linh).
Tất cả những tang tóc, đau thương của dân Việt, dù chỉ gói gọn trong vài câu thơ, đều có thể chứng minh bằng rất nhiều thông tin và hình ảnh cụ thể.
Đầu chít vòng tang trắng
Họ thầm lặng đi trên đường phố Paris
Ba ngày trước khi Sài Gòn thất thủ…
Nào ngờ đâu
Họ trở thành những người tiên tri lịch sử:
37 năm rồi dân tộc vẫn thương đau!
Huynh đệ tương tàn
Mấy mươi năm cuộc chiến hai màu
Rồi cả nước bỗng rực màu cờ đỏ
Chia rẽ, hận thù trùm lên phố ngõ
Từ 30 Tháng Tư Một Chín Bảy Lăm!
Hàng trăm ngàn người bị đày đoạ giam cầm
Rừng núi Cổng Trời trắng màu tang tóc! [1]
Cả triệu người ra đi trong hiểm nguy chết chóc
Màu tóc tang trắng đáy biển sâu… [2]
Rồi những dòng dân oan tủi nhục nối nhau
Suốt mấy thập niên oán hờn chồng chất
Máu đổ giữa đồng xanh, máu trên mặt đất
Bọn cướp ngày giết cả trẻ thơ!
Một lũ quan toà trán bóng mặt trơ
Dung túng công an, côn đồ đánh dân đến chết!
Khắp muôn nơi bầy sâu quan đục khoét
Đất nước điêu linh, cạn kiệt cơ đồ!…
“Tát cạn nước Đông Hải không đủ rửa tanh nhơ,
Chặt hết trúc Nam Sơn không đủ ghi tội ác”! [3]
37 năm
Bao cuộc đời xơ xác
Định mệnh nào đây cho kiếp nhân sinh?
Vòng trắng khăn tang đeo đuổi suốt bên mình!
Viết cho ngày 30 tháng Tư năm 2012
Lê Diễn Đức – RFA Blog
—————————————
[1]: Trại giam Cổng Trời tại Hà Giang có thể so sánh với bất cứ trại giam khắc nghiệt nào trên thế giới là một trong những nơi giam quân dân cán chính của Việt Nam Cộng Hoà trong số hàng trăm ngàn bị đưa đi cải tạo sau 30/4/1975.
[2]: Không ai biết chắc chắn có bao nhiêu người đã quyết định bỏ đất nước ra đi sau 1975 và con số nạn nhân chính xác. Tuy nhiên, tổng hợp nhiều nguồn tin thì số người đã cố gắng chạy trốn được xem cao nhất là 1,5 triệu. Ước tính cho những cái chết khác nhau từ 50 ngàn người đến 200 ngàn người (theo Bộ Di trú Úc). Nguyên nhân chính của những cái chết là do chết đuối, bị cướp biển tấn công, bị giết hoặc bán làm nô lệ và mại dâm. Nhiều người trong số người tị nạn được định cư tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Hoa Kỳ nhận 823 ngàn người, Anh quốc nhận 19 ngàn, Pháp nhận 96 ngàn, Australia và Canada mỗi nước nhận 137 ngàn (theo www.historylearningsite.co.uk)
[3]: Trích từ “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi.
Gửi ý kiến của bạn