BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76755)
(Xem: 63133)
(Xem: 40531)
(Xem: 32156)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhân ngày 30 tháng 4 nhắc lại chuyện cũ về thi sĩ Vũ Hoàng Chương

27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 2750)
Nhân ngày 30 tháng 4 nhắc lại chuyện cũ về thi sĩ Vũ Hoàng Chương
52Vote
40Vote
30Vote
22Vote
10Vote
3.54
Nàng trả con về nơi xóm cũ

Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi
Rồi từ hôm ấy ôm con chủ
Trong cánh tay êm luống ngậm ngùi

Nàng nhớ con nằm trong tổ lạnh
Không chăn, không nệm ấm, không màn
Biết đâu trong những giờ hiu quạnh
Nó gọi tên nàng giọng đã khan

Rồi từ đêm ấy những đêm sau
Hồi hộp nàng ra tựa cửa lầu
Ngó xuống ven trời đầy bóng nặng
Tìm nghe trong gió tiếng con đâu

Gió vẫn vô tình lơ lửng bay
Những tàu cau yếu sẽ lung lay
Xạc xào động cánh… nàng mơ tưởng
Như tiếng lòng con vẳng tới đây

Nàng nhớ con u sầu rũ rượi
Gục đầu thổn thức trên bàn tay
Bạn ơi, nguồn gốc sầu kia bởi
Số mạng hay do xã hội này

Đây là một trong những bài thơ gối đầu giường của tôi, khi còn là học sinh trung học. Ở Miền Nam lúc bấy giờ, những bài thơ hay, được phổ biến của các thi sĩ thời tiền chiến rất được giới học sinh chúng tôi yêu chuộng. Thậm chí có những bài thơ còn được đưa vào chương trình học ở nhà trường, bất kể là thi sĩ sáng tác bài thơ ấy đang phục vụ cho chế độ chính trị nào, dù là Miền Nam hay là Miền Bắc.

Bài thơ Vú Em ở trên của nhà thơ Tố Hữu, đối với tôi lúc nào cũng vẫn là một bài thơ hay. Tác giả đã sáng tác bài thơ này trước khi đến với đảng CSVN, tả lại tình cảnh một người mẹ trẻ nghèo phải đi ở vú cho người khác, lấy sữa của nàng cho con chủ bú và ấp ủ con chủ trong vòng tay ấm áp của mình. Trong lúc ấy, con của nàng nơi xóm nghèo “tổ nhỏ”, khóc đến khản tiếng vì đói lạnh và thèm thuồng một vòng tay ấp yêu của mẹ. Càng nhớ càng thương con bao nhiêu, càng đau đớn bấy nhiêu, nhưng biết làm sao hơn, thôi thì chỉ biết tấm tức khóc thầm, xót xa cho thân phận hẩm hiu của mình. Cuối cùng tác giả kết luận, vì đâu mà có cảnh éo le như vậy, phải chăng đó là số phận hay là do cái xã hội bất công này? Đây là một kết luận nhân bản và đấy ắp tình người. Xa hơn, qua bài thơ, tác giả muốn nhắn nhủ với những ai đã từng là nạn nhân của đói nghèo và cam phận, của áp bức và bất công hãy tự thoát ra làm chủ cuộc sống, làm chủ đời mình, đừng vịn vào số phận để rồi cam chịu.

Nhắc lại bài thơ trên như nhắc lại dĩ vãng một thời mà đối với tôi chỉ còn là vang bóng, nó đã gợi cho tôi sống lại cái thuở thanh bình ngắn ngủi, vào những năm 56, 57, 58 ở miền Trung với nhiều luyến tiếc.

Cái thuở thanh bình xa xôi ấy, được sống trong môi trường hiền hòa chân thật, ấm no thịnh trị, được nuôi dưỡng trong tình thương của cha mẹ anh em, của bà con chòm xóm, của lũy tre làng, của giòng sông xanh hiền hòa trong mát.

Với một môi trường như vậy, lẽ dĩ nhiên con người cũng ảnh hưởng theo mà rất dễ chạnh lòng trước bất cứ một hiện tượng bất công nào, cho dù hiện tượng ấy chỉ được diễn đạt trong thi ca.

Thế nhưng càng về sau, theo tuổi lớn, sống trong chiến tranh loạn lạc của quê nhà, với bom đạn xới cày, với ngút ngàn thù hận, tôi bước vào đời bằng chiếc áo trận của người lính Thủy Quân Lục Chiến, miệt mài nơi tuyến đầu lửa đỏ với quyết tâm bảo vệ quê hương, bảo vệ phần đất tự do còn lại. Nhưng than ơi, sau đó…!!! Nhất là với những năm tháng “được” nằm trong trại “học tập cải tạo” sau năm 1975.

Thấm thía và chiêm nghiệm được sự chân thật và dối trá, tình đời và lòng người, hai mặt của một đồng tiền, xa hơn là cái con người của quần chúng và con người của cá nhân trong đó có cái con người cá nhân đối với con người cá nhân hay con người cá nhân đối với con người của quần chúng cũng như con người của tham vọng và con người của quyền lực, mà con người của tham vọng và con người của quyền lực, thì sao mà ghê gớm quá.

Từ cảm nhận trên, tôi thường chủ quan đánh giá hay nhìn bất cứ một đối tượng nào đều thiên về bản chất hơn là hiện tượng. Cũng vậy, cái nhìn đối với nhà thơ Tố Hữu, thần tượng thi ca một thời của tôi, đùng một cái, xụp đổ tơi bời.

Qua cái nhìn thiên về bản chất ấy, bằng những nhân chứng sống, bằng những tài liệu đáng tin cậy được phổ biến, tôi biết đó là một ông quan văn nghệ đầy tham vọng và nham hiểm, nó hoàn toàn trái ngược với một số bài thơ “hiện tượng” đầy ắp tình người mà ông đã sáng tác trước khi ông sáng tác bài thơ “Từ Ấy”. Cũng “Từ Ấy” cái ác hầu như chiếm tỷ lệ cao ở trong ông, cũng “Từ Ấy” ông sợ bằng con đường vương đạo sẽ không có chỗ cho ông tiến thân hoặc nếu có thì cũng chỉ có từ rất chậm đến chậm mà thôi, nên chi ông không ngần ngại chọn con đường bá đạo kể cả tạo ra những “hoạn lộ” cho những thi hữu cùng thời với ông để đường tiến thân của ông được suông sẻ mà vươn lên.

Thương dân thương nước thương nhà

Thương con thương cháu thương cha ông mình Thương chi ông Sit-ta-lin Để cho Từ Ấy hằn in vết chàm Bầm Ơi! có thấu chăng Bầm Mặc ai khổ nhục vinh thân là mình Chiến trường đổ Máu ba quân Trung ương Hoa nở tưng bừng Bầm ơi

Chân dung của nhà thơ Tố Hữu mà tôi đã cố gói ghém trong tám câu lục bát này không ngoài tham vọng là để cho bất cứ một người yêu thơ nào khi đọc lên là sẽ bắt được ngay ý của tôi.

Đối với những người VN quan tâm đến thi ca, cho dù là thi ca cận đại hay là thi ca tiền chiến mà không biết đến thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận v.v.. thì cũng chẳng khác nào những người quan tâm đến nhạc tiền chiến mà không biết đến những nhạc sĩ Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Đặng Thế Phong v.v..

Riêng khi nói đến nhà thơ Tố Hữu, hơn năm mươi bốn năm nay những người yêu thơ ở trong nước cũng như ở hải ngoại, không ai là không nhắc đến hai câu lục bát “nổi tiếng” trong bài thơ “Đời Đời Nhớ Ông” mà nhà thơ đã sáng tác vào năm 1953 khi nghe tin Stalin bị chết.

Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười

Tố Hữu là một nhà thơ có tài, sáng tác rất khoẻ, ông mất đi đã để lại cho đời nhiều bài thơ nổi tiếng, có giá trị văn học, thậm chí có nhiều bài thơ của ông trong thời chiến tranh đã và đang được đưa vào dạy ở học đường XHCN, như bài “Bầm Ơi” sau đây là một điển hình:

Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm
Bầm ơi, có rét không Bầm
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non
Mạ non Bầm cấy mấy đon
Ruột gan Bầm lại thương con mấy lần
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương Bầm bấy nhiêu
Bầm ơi, sớm sớm, chiều chiều
Thương con Bầm chớ lo nhiều Bầm nghe
Con đi trăm suối nghìn khe
Đâu bằng muôn nỗi tái tê đời Bầm
Con đi chiến đấu mười năm
Đâu bằng khổ nhọc đời Bầm mấy mươi


Và còn biết bao nhiêu bài thơ hay khác mà trong một xuất thần ông đã để trào ra đầu ngọn bút, có sức truyền cảm lạ thường, khiến cho người thưởng thức rung động với niềm cảm thông như tâm sự chính mình.

Đó là những đứa con “tinh thần” cũng mang nặng đẻ đau của một “bà mẹ” đúng nghĩa, đó là những vần thơ được ông vắt ra từ lý lẻ của con tim, bằng những gì chân thật nhất. Lẽ dĩ nhiên nó là những đứa con được ông thừa nhận trong niềm kiêu hãnh. Nhưng, cũng như hai mặt của một đồng tiền, ở mặt này là giá trị của tấm huy chương óng ả nạm vàng và mặt còn lại là vết thẹo của đớn hèn, tủi hổ. Tố Hữu cũng có những đứa con hoang, những đứa con vô thừa nhận mà ông lỡ đã làm giấy khai sinh, những đứa con mà trong một lúc bồng bột ông đã cấu thành.

Ông biết lắm chứ, những đứa con này thì ông muốn khai tử, muốn vứt quách cho rồi. Trong thâm tâm, đối với ông đó là những đứa con mang nhiều bệnh tật, hớm hỉnh và dị đời. Đúng vậy, hai câu lục bát:

Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười

Là một trong những “hoang tử” đó. Tuy không được đưa vào học đường, tuy ít được chính ông nhắc đến, nhưng nó đã dính liền với ông như bóng với hình, kể từ lúc “khai sinh” ra nó cho đến bây giờ, dù ông đã mất.

Nó như vết xăm, xăm lên người, không thể nào tẩy xoá. Nó tréo cẳng ngỗng, nó trớ trêu làm sao ấy… nó chẳng khác nào như một người VN nói mình là người yêu nước, yêu dân tộc, yêu đồng bào, với gần mấy mươi năm lưu lạc xứ người, bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước… nỗi nhớ nước thương nhà luôn canh cánh bên lòng, thế mà khi về lại, vừa nhìn thấy ngọn núi quê hương, vừa nhìn thấy dòng sông đất nước đã vội vàng đặt cho những cái tên của “ông tây bà đầm” tận đẩu tận đâu ấy.

Với cách hành xử của một con người như vậy lẽ nào bảo đó là người VN truyền thống, là người VN đúng nghĩa? Theo tôi nếu là một người VN chân chính, đúng nghĩa khi rơi vào trường hợp này sẽ không hành xử như vậy, còn nếu làm như vậy mà bảo đó là hành động của người yêu nước chân chính thì quả là mỉa mai…!!!

Trở lại chuyện dài Tố Hữu, số là sau 1975 khi Sài Gòn bị đổi tên thành thành phố HCM, Tố Hữu lúc bấy giờ là quan văn nghệ từ trung ương ngoài Bắc vào Nam có ghé đến nhà Thanh Nghị, một quan Văn Hoá vừa từ trong bưng ra, có một ngôi biệt thự xinh xắn do chiếm được ở góc đường Thống Nhất và Hai Bà Trưng. Ông này cũng như tôi thuở “vụng dại”, xem Tố Hữu là thần tượng của mình.

Để làm hài lòng thần tượng và là xếp lớn, Thanh Nghị liền tụ tập một số những nhà thơ lão thành tiền chiến tên tuổi, tổ chức một đêm “họp văn nghệ”, nói là để đánh giá sơ khởi thi ca cả hai miền như là tiền đề cho sự thống nhất văn học sau này. Nhưng mục đích chính là để “hóa giải”, để “thẩm định” lại, cho đúng đắn hai câu thơ của Tố Hữu đã thường xuyên bị “bia miệng” dân gian ví von, xách mé và châm chọc.

Theo như tác giả Vân Xưa trong bài “Thơ Tố Hữu” đăng trên Quê Mẹ số 63/64 có kể rằng:

Thanh Nghị trình bày ý kiến của mình trước và cho rằng ví von, châm biếm vì ác ý hơn là vì nghệ thuật đúng đắn. Hai câu lục bát này thật ra không thể chê vào đâu được. Nó vừa khẩu chiếm vừa xuất thần mà khẩu chiếm và xuất thần là những tiêu chuẩn cao nhất, định giá trị thi ca VN. Nó đồng thời thể hiện truyền thống thi ca bình dân nước ta, qua hai vần lục bát thật thoát sáo, vừa giữ vẹn hồn tính một ca dao vừa đưa loại thi ca giọng quê lên ngang giọng bác học.

Với vỏn vẹn có 14 chữ, trong đó từ “thương” bẩy lần láy lại và còn 7 chữ kia “cha, mẹ, chồng, mình, ông, một & mười” đều là những từ không có mấy thi tính. Thế mà Tố Hữu đã ghép lại và khi ta ngâm lên thì thấy rõ ràng thần tính từ 14 chữ (đúng ra là 8 từ) ấy cuồn cuộn thoát ra, thâm nhập hồn người thưởng ngoạn, khiến hồn tính con người rung động như tơ đồng trên phím, khi nhạc sĩ vuốt vào giây, thật là hết ý.

Thanh Nghị vốn khéo ăn khéo nói, lại thao thao bất tuyệt nên cử tọa bị lôi cuốn theo mà “đồng thanh tương ứng” nhận cách ông thẩm định hai câu thơ của Tố Hữu là xác đáng. Thế rồi có ai đó yêu cầu các thi sĩ có mặt ở “hiện trường” xác minh thẩm định trên, dựa theo những câu thơ đắc ý của chính mình. Lấy những vần ít bác học mà so, Xuân Diệu đem hai câu mình đắc ý trong bài Buồn Trăng,

Ngẩng đầu ngóng mãi chưa xong nhớ
Hoa bưởi thơm rồi, đêm đã khuya

Mà cho rằng, không thể truyền cảm sâu sắc hơn hai câu thơ của Tố Hữu được. Huy Cận thì đọc hai câu thơ trong bài Áo Trắng mà mình cho là tâm đắc,

Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non

Để phải nhận rằng, hai câu thơ của Tố Hữu gây xúc động mạnh hơn, dồn dập hơn trong khu vực tình cảm mỗi bên, khi muốn dùng thi ca để tác động tâm hồn yêu thơ. Chế Lan Viên không muốn nhắc đến lũ “Ma Hời” một thời vật vờ than khóc của mình mà đưa hai câu cuối trong bài “Mùa Xuân Chín” của thi tài thiên bẩm Hàn Mặc Tử, được sáng tác lúc còn là học sinh trung học ở Quy Nhơn mà ông cho là tuyệt bút,

Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang

Để so với hai câu của Tố Hữu, họ Chế cho rằng hai bên đều là thơ hay ở mức độ cao, cách phổ diễn niềm đau trước cuộc tình bỗng dứt, một bên vì dang dở, một bên vì tử biệt sinh ly. Nhưng phải chịu là hai câu của Tố Hữu gần hồn tính bình dân, hai câu của Hàn Mặc Tử không sao sánh kịp.

Các nhà thơ khác không ai dám “cầm đèn chạy trước ô tô”, mà dây vào qua cách dùng thơ của mình để mổ xẻ và so sánh như các bậc thi bá “lẫy lừng” được. Có thể là vì biết thân biết phận, vì tự trọng hoặc sợ họa vào thân không chừng, hay cũng có thể là cả ba. Nhưng nói chung, đa số đều im lặng, mà im lặng có nghĩa là tán đồng những thẩm định đã nêu, theo đánh giá chủ quan trong hoàn cảnh tế nhị lúc bấy giờ.

Hoài Thanh, tác giả “Thi Nhân VN” mà Hà Sĩ Phu sau này có vẽ chân dung của ông như sau:

“Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời sau lại vị người ngồi trên”
Nét này vẽ bác Lan Viên
Bác Hữu, bác Cận hay riêng bác Hoài
Chân dung các bác ngời ngời
Chém cha cái nửa phần đời phía sau
Cuộc đời hai nửa vì đâu
Nửa say quỷ kế nửa đau nhân tình

Xuân Sách thì lâu rồi, đã nhất quyết là không bõ qua, chẳng những thế, chân dung của nhà phê bình văn học này còn được ông chiếu cố hết mình.

Cũng nên nhớ rằng hai câu: “Vị nghệ thuật nửa cuộc đời, nửa đời sau lại vị người ngồi trên” là thơ truyền khẩu dân gian theo kiểu Bút Tre.

Ông Xuân Sách và ông Hà Sĩ Phu đã ứng dụng vào để làm rõ thêm chân dung của tác giả Thi Nhân VN.

“Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời sau lại vị người ngồi trên”
Thi nhân còn có chút duyên
Lại vò cho nát, lại lèn cho đau
Bình thơ đến thuở bạc đầu
Vẫn chưa thể tất nổi đau nhân tình
Giật mình, mình lại thương mình
Tàn canh, tỉnh rượu, bóng hình cũng tan!

Vì sao? Tiện đây người viết cũng xin đôi chút dài dòng về nhà phê bình văn học này. Thời tiền chiến, Hoài Thanh là nhà phê bình văn học có tiếng trước khi gặp “cách mạng”, vào những năm 1935,1936 Thiếu Sơn cùng với ông và một số anh em văn học đã khởi xướng cuộc tranh luận trên văn đàn VN “Nghệ Thuật Vị Nghệ Thuật hay Nghệ Thuật Vị Nhân Sinh”.

Ông là người đứng đầu phe “nghệ thuật vị nghệ thuật” với chủ trương văn chương là văn chương còn phe bên kia “nghệ thuật vị nhân sinh” với chủ trương là, nền văn học của một thời đại nào cũng chỉ là cái phản ánh của cuộc đấu tranh giai cấp, mỗi chế độ kinh tế tất có một nền văn học tương đương và nền văn học nào thì bên vực cho chế độ kinh tế ấy mà người đứng đầu là Nguyễn Khoa Văn bạn thân của Tố Hữu, bí danh Hải Triều, một cán bộ tuyên huấn xứ ủy Trung Kỳ, ông này cũng là cha đẻ của Nguyễn Khoa Điềm làm bộ trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin dưới thời Phan Văn Khải là thủ tướng. Cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm, cho mãi đến gần tháng 8 năm 1945 thế sự xoay vần, con cờ đã lộ, Hoài Thanh thức thời vội bõ ngay quan điểm cũ của mình mà “nhập vai” hòa đồng với đường lối văn hóa văn nghệ “đúng đắn” của đảng, đó là nền văn hóa văn nghệ “nghệ thuật vị nhân sinh” dựa trên ba điểm chính: Dân Tộc, Khoa Học và Đại Chúng do ông Trường Chinh khởi xướng. Cũng từ đó Hoài Thanh trở thành “người gác cổng văn học” vừa trung thành vừa mẫn cán của nền văn học hiện thực XHCN.

Lẽ dĩ nhiên, không chính thức có làm thơ, nên không có thơ, được quyền khỏi so sánh và mổ xẻ. “Hú hồn”, tuy vậy, ai cũng hướng về ông như muốn ông cùng nhập cuộc. Với mái tóc muối nhiều hơn tiêu cái chắc là Hoài thanh dại gì mà dây vào, hơn nữa ăn được cái giải gì mà vào “cuộc chơi” chỉ có thua này. Thế là chưa ai kịp lên tiếng mời ông thì ông đã vội mời Vũ Hoàng Chương thẩm định.



Nhà thơ họ Vũ vốn người không mấy cân quắc, lại ăn nói ôn tồn nhỏ nhẹ, nãy giờ chìm lỉm dưới làn kinh truyện tuôn từ các bậc thi bá đắc thời, không ai nhìn thấy ông.

Hoài Thanh gọi đến Vũ Hoàng chương cốt để né tránh thật nên đề nghị là phải có một nhà thơ của miền Nam góp ý. Nhưng chắc hẳn lòng dạ không muốn chờ đợi từ nhà thơ họ Vũ phát ra một “ánh sáng” hay một “tia chớp” bất ngờ nào.

Vũ Hoàng Chương biết thế nên cứ từ tạ, nhưng rồi Thanh Nghị “mớm mồi” ép thêm vào mà trong bụng tin rằng con người Vũ Hoàng Chương hiền hòa, ắt không sợ xảy ra cảnh “Hán Sở tranh hùng” hay “Bác anh hùng tôi cũng anh hùng” như ông Hồ đối đáp một mình với đức Trần Hưng Đạo.

Ai đã biết Vũ Hoàng Chương, ắt phải biết cái đanh thép bên trong tấm thân nhỏ bé ọp ẹp của ông. Đôi ba lần từ tạ không được, đành nhảy vào nhập trận “hò kéo pháo”, nhưng trước khi vào cuộc họ Vũ đã yêu cầu cử tọa thông cảm nếu có chỗ nào thất thố vì ông sợ rằng những gì ông muốn trình bày sẽ làm tổn thương cái “sáng giá” của đêm họp “văn nghệ đặc biệt” này, bởi “tất tần tật” đã thẩm định rồi.

Sau đây là lời của Vũ Hoàng Chương do người có bổn phận điếu đóm đêm hôm ấy thuật lại.

“Thi nhân từ cảm xúc mỗi lúc tác động vào tâm cảnh của mình, để hồn trí phản ứng theo thất tình con người mà vận dụng thi tứ phổ diễn nên lời một tình tự nào đó, rồi đãi lọc thành thơ. Sự vận dụng càng xuất thần, việc phổ diễn càng khẩu chiếm, thơ càng có giá trị cao.

Cảm xúc trước cái chết của một thần tượng được “đóng khung” tự bao giờ trong tâm cảnh mình, Tố Hữu đã xuất thần vận dụng nỗi u hoài, phổ diễn nên những lời thơ thật khẩu chiếm, rồi dùng những từ thật tầm thường, ít thi tính, đãi lọc nỗi u hoài của mình thành một tiếng nấc rất tự nhiên. Đạt đến một mức độ điêu luyện cao. Lời thẩm định của Thanh Nghị thật xác đáng, tôi chịu.

Nhưng thơ không phải chỉ có thế. xuất thần khẩu chiếm thuộc phạm vi kỹ thuật, dù đã có thi hứng phần nào, và nếu chỉ có thế thì thơ chỉ có khéo mà thôi, chưa gọi là đạt. Tức chưa phải là hay. Thơ hay vừa phải khéo như thế vừa phải đạt thật sự. Thi hứng nằm trong sự thực của tình tự phổ diễn nên lời. Tình tự mà không thực, lời thơ thành gượng ép.

Vấn đề của thơ nói cho đến nơi, là ở đây, có nghĩa là thơ phải thực.

Tố Hữu đặt tiếng khóc của chính mình vào miệng một bà mẹ VN, muốn bà dùng mối u hoài của một nhà thơ để dạy con trẻ VN yêu cụ Stalin thay cho mình. Cũng chẳng sao vì đó cũng là một kỹ thuật của thi ca, nhưng trước hết phải biết bà mẹ VN đó có cùng tâm cảnh với mình không, có chung một mối cảm xúc hay không?

Tôi biết chắc là không. Bởi trong đoạn trên của hai câu lục bát này trong bài “Đời Đời Nhớ Ông”, Tố Hữu đã đặt vào lời bà mẹ hai câu:

Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin

Chắc chắn là không có một bà mẹ VN nào, kể cả bà Tố Hữu mà thốt được những lời như vậy một cách chân thành. cái không thực của hai câu này dẫn tới cái không thực hai câu ta đang mổ xẻ.

Một tình tự không chân thực, dù được luồn vào những lời thơ xuất thần, khẩu chiếm đến đâu cũng không phải là thơ đẹp, thơ hay mà chỉ là thơ khéo làm, đó chỉ là thơ thợ chứ không phải là thơ tiên. Loại thơ khéo này người thơ thợ nào lành nghề cũng quen làm, chẳng phải công phu lắm. Nhất là nếu có đòi hỏi cho một tuyên truyền nào đó. Tố Hữu nếu khóc lấy, có lẽ là khóc thực, khóc một mình. Những bà mẹ VN trong bài đã khóc tiếng khóc tuyên truyền, không mấy truyền cảm”.

Rồi ông kết luận, hai câu lục bát của Tố Hữu, theo ý mình, chỉ là những lời thơ khéo, không thể so sánh với những câu thơ của những nhà thơ vừa nêu ở trên, bản chất khác hẳn.

Lời thẩm định trên của Vũ Hoàng Chương đã gây sôi nổi, sôi nổi vì bất bình nhiều hơn là vì tranh luận. Một vài cử tọa muốn đẩy họ Vũ đến chỗ bí, để hóa giải thẩm định ngược dòng của ông. Họ đã yêu cầu ông nói về thơ và sự thực mà ông đã đưa ra để chê Tố Hữu và cùng nghĩ rằng Vũ Hoàng Chương khó lòng mà đưa ra một luận cứ vững vàng được. Nhưng Vũ Hoàng Chương cứ vẫn ôn tồn “giải trình” tiếp:

Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên những tình tự thực. Không chấp nhận loại tình tự hư hoang. Có khoa học giả tưởng, không có thơ giả tưởng, nói thơ là nói đến thế giới huyễn tưởng, huyễn tưởng trên sự thực để thăng hoa sự thực, chứ không bất chấp, không chối bỏ sự thực. Nhà thơ không được láo, nhà thơ phải thực nhưng thoát sáo sự thực thành mộng để đưa hồn tính người yêu thơ vươn lên sự thực muôn đời đạt đến chân lý cuộc sống. Thiên chức thi ca là ở chỗ đấy. Tôi xin nhắc: Sự thực muôn đời là cơ sở duy nhất của thi ca.

Vì có sự thực cho riêng một người, có sự thực cho riêng một thời, nhưng vẫn có sự thực cho muôn đời. Sự thực bao quát không gian, thời gian, chân lý cuộc sống.

Hình như những ngày sau “cái đêm hôm ấy” Vũ Hoàng Chương đã bị bắt đi học tập và chết vào ngày 06 tháng 9 năm 1976 khi được tha về không bao lâu, có người nói Vũ Hoàng Chương là người dại, nhưng cũng có người nói Vũ Hoàng chương là người can đảm. Theo tôi, ở vị trí kẻ sĩ, ông là một con người tự do, con người tự do của kẻ sĩ không phải quỳ lụy trước bất cứ một áp lực nào, con người tự do của kẻ sĩ tự nó đã có tính tự trọng cao và là con người can đảm. Như Phùng Quán nói:

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không bảo yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không bảo ghét thành yêu

Những người nói ông dại, không biết phía sau chữ dại ấy có ẩn chứa gì không? Nhưng sao thấy nó bất ổn quá chừng, nó chỉ biện minh được một điều duy nhất, đó là tính yếu kém của con người, nói rõ hơn, nó như dấu diếm một cái gì vừa bí hiểm vừa hèn hạ. Hơn nữa, nếu ai đó nói cách xử sự của thi sĩ họ Vũ trong hoàn cảnh như vậy là dại, cũng có thể với hàm ý là, giữ sự im lặng trong hoàn cảnh như vậy là hành động của kẻ trí? và nếu vậy thì sẽ không có bài viết này.

Thôi thì cứ huỵch toẹt như Nguyễn Tuân, tuy rằng có cay đắng nhưng mà thành thật: “Sở dĩ tôi còn sống cho đến ngày hôm nay là vì tôi còn biết sợ” lời nói thành thật này không phải là hành động của một người can đảm hay sao.

Cũng nhân bài viết này chúng ta thử giải thích vì sao những dòng thơ tiền chiến của Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên thì được giới yêu thơ mến mộ, cho dù chỉ dăm ba câu đi nữa! Còn những dòng thơ sau này của cả ba có ai nhắc đến đâu? Họa hoằn lắm cũng chỉ được một số ít người.
Phải chăng cái thực của muôn đời so với các thực của một thời là vậy?

Cái thực một thời của cả ba là cố ép những vần thơ tài hoa của mình lặng hụp trong dòng đấm đá đấu tranh giai cấp mất cả tính người. Nó gượng gạo và trơ trẽn làm sao ấy. Tiếc thật…

Biển khổ mênh mông sóng ngập bờ
Khách trần chèo một mái thuyền chơi
Thuyền ai ngược sóng ai xuôi sóng
Cũng ở trong cùng biển khổ thôi

Sông Lô, Đức Quốc

Theo Đàn Chim Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn