BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73328)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đối diện với kẻ thù

19 Tháng Mười Hai 200712:00 SA(Xem: 1212)
Đối diện với kẻ thù
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Mấy ngày qua, bất cứ ai chứng kiến người Việt xuống đường biểu tình chống sự bành trướng, xâm lược chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc mới thấy lòng yêu nước của người Việt nồng nàn đến chừng nào.



Không những chỉ là những cuộc xuống đường biểu tình chống xâm lược, những người Việt yêu nước còn gửi hàng ngàn tin nhắn, truyền tai nhau, kêu gọi 58 triệu người dân trong độ tuổi lao động, nhịn một bữa ăn sáng để đóng góp 10.000 đồng, tương đương 0,62 USD, 1 ngày sẽ được khoảng 36 triệu USD, và chỉ cẫn mỗi tháng nhịn ăn sáng một bữa, một năm chúng ta đã có gần 400 triệu USD, một số tiền đủ để mua một tàu chiến kiểu hiện đại nhất hiện nay để trang bị cho quân đội ta đánh trả sự xâm lược của Trung Quốc.

Thế mới biết, dù trong bất cứ tình huống nào, những người Việt chân chính, luôn biết đưa ra những giải pháp giải quyết tình thế, bởi lẽ, tình yêu đất nước của những người Việt chân chính không hề vụ lợi, họ sẵn sàng hành động mỗi khi lợi ích quốc gia, dân tộc bị xâm phạm.

Ngược lại với những hành động thiết thực của nhân dân, chính quyền Hà Nội vẫn giữ một thái độ vô cảm và thiếu trách nhiệm với dân tộc. Chính quyền Hà Nội không những không lên tiếng ủng hộ nhân dân có những hành động thiết thực bảo vệ Tổ Quốc, họ còn tiếp tay, bán rẻ lợi ích dân tộc để tìm kiếm một sự bình yên từ người láng giềng phương Bắc. Họ yêu cầu ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao rêu rao luận điệu, “những cuộc biểu tình của nhân dân là hoàn toàn tự phát, ngay sau khi nhận được tin, lực lượng chức năng đã giải tán cuộc biểu tình....”. Họ lo sợ trước lời đe doạ từ Trung Quốc rằng, những cuộc biểu tình sẽ làm tổn hại đến quan hệ hai nước.

Trước những lời đe doạ trên, chính quyền Hà Nội đã vội vàng cấm tất cả các cơ quan truyền thông không được đưa bất cứ một thông tin nào liên quan đến biểu tình của nhân dân chống Trung Quốc, tệ hại hơn, họ đã thẳng tay trừng phạt Báo điện tử VietnamNet bằng cách phạt 30 triệu đồng (1), kèm theo một lời đe doạ đình chỉ hoạt động của tờ báo, chỉ vì một bài viết kêu gọi một sự đồng thuận trong nhân dân nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Như thế vẫn chưa đủ, họ còn muốn chứng tỏ với “người anh em” phương Bắc rằng, họ là những đứa em biết điều bằng cách, chỉ đạo cho các cơ quan báo chí, hướng mũi dùi dư luận sang hướng đả kích ông đại sứ Hoa Kỳ tại Việt nam, Micheal Mahalak, chỉ vì ông đã dám công khai ủng hộ những người Việt Nam yêu nước đấu tranh ôn hoà, chống lại sự bất công.

Hà Nội nghĩ rằng, làm như vậy, họ đã phần nào hướng được dư luận sang chỉ trích ông đại sứ Hoa Kỳ và khơi dậy lòng yêu nước của người Việt phục vụ cho mục đích khác.

Chỉ tội cho ông đại sứ Hoa Kỳ, ông nào có tội tình gì, chẳng qua ông chỉ lên tiếng bảo vệ những người Việt Nam yêu nước vào đúng thời điểm mà chính quyền Hà Nội cần chứng tỏ với “người anh em” phương Bắc rằng, họ, những người cộng sản Việt Nam mãi trung thành với những người cộng sản phương Bắc, và như vậy, ông chỉ là một vật tế thần.

Còn chính quyền Bắc Kinh, hẳn là họ chưa hài lòng với những gì mà chính quyền Hà Nội đã làm, bởi lẽ, chẳng khi nào một con hổ đói, có dã tâm lại chịu buông tha một con nai. Nhưng chắc chắn rằng, qua những động thái của chính quyền Hà Nội, Bắc Kinh đã hoàn thành được “phép thử” đầu tiên của họ với chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Một “phép thử” mà Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt ra ngay sau Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 17 với một mục đích rất rõ ràng: Thử phản ứng của chính quyền Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với vấn đề biên giới lãnh thổ. Nếu phản ứng của chính quyền Hà Nội yếu đuối, Bắc Kinh sẽ dấn tới chiếm nốt Trường Sa của Việt Nam.

Đành rằng, chúng ta cần một môi trường bình yên, láng giềng hữu nghị để phát triển kinh tế, nhưng chúng ta không được phép, và không bao giờ được bỏ qua một nội dung có tính chất nguyên tắc, bất di bất dịch trong các mối quan hệ song phương và đa phương, đó là bảo vệ được lợi ích dân tộc và sự vẹn toàn chủ quyền, lãnh thổ.

Những động thái vừa qua của chính quyền Hà Nội đã thực sự làm cho bất cứ người Việt chân chính nào cũng không thoát khỏi được một cảm giác chua xót. Họ đã từng hy vọng, đặt niềm tin vào một Thủ tướng trẻ, năng động và có trách nhiệm, nhưng niềm tin của người Việt liệu có còn nguyên sau những gì đã xảy ra.

Hà Nội ngày 19 tháng 12 năm 2007
Phạm Quốc Việt

© DCVOnline





DCVOnline:

(1): Bài báo bị phạt 30 triệu đồng của Vienamnet:

Tuần Việt Nam - VNN, 10/12/2007 12:41 (GMT + 7) - (Đã bị buộc lấy xuống sau 4 tiếng đồng hồ cùng hai fotos với nội dung “Chiến sĩ ở đảo Trường Sa” và “Trường Sa - đảo thuộc chủ quyền Việt Nam” của Phạm Tuấn).

Sức mạnh đồng thuận Việt Nam: Nhìn từ Hoàng Sa -Trường Sa

Cho dù nhiều giá trị có thể bị lẫn lộn, nhiều đường biên quốc gia mờ nhoà trong thời toàn cầu hoá thì lòng yêu nước sẽ và mãi là những giá trị trường tồn. Và mỗi khi chủ quyền dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước bị xâm phạm, là lúc những người Việt, trong và ngoài nước, ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi, bằng cách này hay cách khác đã lên tiếng!

Tình yêu nước và ý thức dân tộc không phải của riêng ai. Và mỗi người, khi mang trong mình dòng máu Việt, đã chọn cách không im lặng.

Trong hàng nghìn lá thư của độc giả trong và ngoài nước gửi về Tuần Việt Nam - VietNamNet những ngày qua, kể từ khi sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa xảy ra, thấy gì?

Trên các diễn đàn mạng tràn ngập cờ Tổ quốc và những bài viết về Trường Sa, Hoàng Sa của cộng động mạng Việt Nam, thấy gì?

Trong cuộc biểu tình hoà bình của người dân hôm qua (9/12), thấy gì?

Đó là lòng yêu nước cháy bỏng, sục sôi trong từng lời từng chữ. Là nỗi đau đớn khi chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm. Là sự đau đáu đến vận mệnh đất nước, ở ngay những người trẻ, mà những tưởng cuộc sống bộn bề lo toan và đề cao hưởng thụ cá nhân này đã làm phai nhoà.

Và sau mỗi dòng thư, đó còn là lời khẳng định ý sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.

Không cần một lời hiệu triệu. Cũng chẳng cần những sự hô hào. Bạn và tôi, bất kể quá khứ hay chính kiến khác nhau, đã cùng nhìn về một hướng. Để nói lên rằng: Tình yêu với đất nước này, dân tộc này, ngôn ngữ này là vĩnh cửu. Để nói rằng: khi chủ quyền bị xâm phạm, mọi người Việt, dù đứng ở vị trí nào sẵn sàng đoàn kết một lòng vì sự tồn vong của dân tộc!

Trong những dòng thư tâm huyết gửi về, nhiều nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước thiết tha kêu gọi, hơn lúc nào hết, người Việt hãy cùng nhau đoàn kết một lòng vì lợi ích dân tộc. Chính những người Việt ở nước ngoài sẽ là những đại sứ góp phần vận động bạn bè thế giới hiểu và ủng hộ Việt Nam. Vượt qua những khác biệt và quá khứ, rất nhiều người đang âm thầm tự nhận lãnh sứ mệnh "bảo vệ Tổ quốc từ xa" như lời cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói về họ.

Chỉ người Việt Nam mới thương lấy nhau, mới thiết tha và sẵn sàng xả thân bảo vệ lợi ích dân tộc. Chân lý bất biến đó, phải qua nhiều trả giá đau đớn mới được vỡ lẽ.

Trong suốt thế kỷ XX đầy bão táp, đã chứng kiến bao nhiêu cuộc móc ngoặc, mặc cả và chia chác của các nước lớn trên lưng dân tộc nhỏ bé này?

Khi hai cuộc chiến tranh khốc liệt bước vào giai đoạn kết thúc, khi các bên đã ngồi vào bàn đàm phán cho một kết cục hoà bình thì phía hậu trường, những đồng minh tưởng như thân tín cũng bước vào cuộc mặc cả sau lưng chúng ta.

Đương nhiên, chẳng có gì là khó hiểu khi các nước lớn sẵn sàng hy sinh lợi ích của nước khác, vì lợi ích của chính mình. Lợi ích quốc gia đã biến những khẩu hiệu về tình đoàn kết thuỷ chung như nhất, những mỹ từ của đồng minh duy nhất, đồng minh truyền thống trở thành sáo rỗng.

Ngày nay, không còn dễ dàng cho một nước, cho dù quyền lực có lớn mạnh đến đâu có thể xâm lược các nước khác. Nhưng trong một thế giới toàn cầu hoá, khi chủ nghĩa nước lớn ngày càng có nhiều hình dạng mới, khi những hành động xâm phạm chủ quyền dân tộc ngày càng trở nên tinh vi hơn, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và độc lập toàn vẹn (về cả lãnh thổ cũng như về tinh thần) của một quốc gia nhỏ, yếu vì thế phải đối mặt với những khó khăn khôn lường.

Yếu thực lực thì luôn bị chèn ép, lấn lướt. Yếu thực lực đồng nghĩa với chấp nhận thiệt thòi trong mọi tranh chấp. Đó là thực tế hiển nhiên dù vô cùng cay đắng.

Một nhà lãnh đạo thuộc cấp cao nhất Việt Nam, khi nói về thực tế này, đã kết luận: Muốn thoát khỏi mọi uy hiếp, muốn phát triển được để tồn tại trong thế giới này, muốn bảo vệ được chủ quyền và độc lập dân tộc thực sự, toàn vẹn, nhất thiết dân tộc này phải phấn đấu bằng mọi giá thoát ra khỏi nỗi nhục nghèo, hèn.

Đất nước này phải mạnh lên!

Đột phá để phát triển, giải phóng mọi nguồn lực, trong đó có tiềm lực con người để thoát khỏi thân phận nghèo hèn, chính là sứ mệnh lịch sử của những thế hệ ngày hôm nay.

Hãy để sự kiện hôm nay, như lời giục giã đối với mọi người dân Việt lên đường cho cuộc dấn thân vĩ đại đó.

Minh Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn