Tôi cũng định gióng lên tiếng nói của mình. Chẳng ăn thua gì nhưng ít nhất ra đấy cũng là tiếng nói nhất định của một người Việt Nam. Không hơn ai. Nhưng chắc chắn là cũng chẳng hề suy kém nếu so với bất kỳ ý kiến của một người nào khác.
Nhưng đọc xong lá thư yêu cầu của Luật Sư Hà Huy Sơn là người đứng ra bào chữa cho anh gửi cho tòa án và ông giám đốc công an thành phố thì tôi lại nghĩ khác. Tôi lại muốn viết về đài VOA. Vì trong lá thư yêu cầu dài 4 trang, ở phần II, Luật Sư Sơn đã trình bày như thế này:
Cáo trạng số 100/CT – P2 ngày 29/02/2012, trích: ‘327 bài đăng lại từ các trang blog, trang web của các tổ chức hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam như: VOA, RFA, AFP, Khối 8406, Dân Luận, Thông Luận, Người Việt Online…
Yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân thành phố… triệu tập các tổ chức, cá nhân tham gia phiên tòa với tư cách Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Các tổ chức như VOA, RFA, AFP…
Ôi chao ơi. Có thật không đây? Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) là một tổ chức ‘hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam’? Thế thì chính phủ Hoa Kỳ, là tổ chức duy nhất tài trợ cho đài VOA kể từ khi nó được thành lập vào năm 1942 có phải là một tổ chức ‘hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam’ hay không?
Nếu câu trả lời là ‘yes’, thì hà cớ gì Việt Nam phải tiếp tục bang giao với Mỹ, với những người đang hoạt động chống phá mình?
Còn nếu như câu trả lời là ‘no’, thì chả nhẽ bản cáo trạng chỉ là một trò đùa không hơn, không kém? Một sự thể hiện đẳng cấp quá ư là con nít nếu không muốn nói là ‘stupid’! (Xin lỗi các bạn đọc. Tôi không thể nghĩ ra một tĩnh từ nào hay hơn là chữ ‘stupid’ trong tiếng Anh trong trường hợp này. Vì nó thật sự quá ư là ngu xuẩn.)
Nhưng nhìn một tí xa hơn, tôi lại giật bắn mình. Ô hay. Thế còn đối với những nhân viên của đài VOA thì sao? Hay những cộng tác viên như mình chẳng hạn?
Không ăn lương tháng, không bao giờ bị đài kiểm duyệt hay sai khiến nhưng chỉ cần có bài được đăng trên VOA, nếu họ muốn, phải chăng đó đủ là bằng chứng để kết tội mình như họ đang cố kết tội Anh Điếu Cày? Một cái tội mà chỉ ở những nước như Việt Nam mới có. Đó là tội danh tuyên truyền chống phá chế độ nằm ở Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Tôi nghĩ đến đài VOA sau đó suy ra đến tôi cũng chỉ vì thế. Vì tôi thật sự không bao giờ muốn bị rơi vào trường hợp như anh Điếu Cày. Bị ghép vào một tội mà mình không thể nào chấp nhận là đã phạm tội.
Tiếng nói này là tiếng nói của riêng lương tâm tôi. Cũng như tiếng nói của anh Điếu Cày là tiếng nói lương tâm của riêng anh ấy. Những suy nghĩ này là những gì tôi thật sự tin tưởng từ tận đáy lòng và muốn giải bày với mọi người. Cũng như anh Điếu Cày.
Nếu chế độ của các anh thật sự là siêu việt, là tốt nhất cho dân tộc và đất nước Việt Nam thì những người như tôi, như anh Điếu Cày và hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn người khác trên khắp cùng đất nước Việt Nam không thể nào tuyên truyền chống phá được.
Ngoại trừ khi chính chế độ của các anh đang có vấn đề. Thành thử các anh sợ.
Ủa mà cũng lạ hỉ. Đất nước là đất nước chung. Tương lai là tương lai của tất cả mọi con dân Việt. Đã thế các anh còn tự cho mình là đầy tớ của dân. Vậy thì tại sao các anh có quyền tuyên truyền, đi đâu ở Việt Nam cũng thấy treo nhan nhản đỏ lòe những câu đại loại như ‘Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm’, ‘Mừng Xuân, Mừng Đảng’… nhưng những người dân quèn, không có tí gì trong tay, thì lại không có quyền… tuyên truyền?
Thế là thế nào?
Trong thời gian gần đây phải thú nhận là tôi có quá nhiều câu hỏi như trên. Nhưng nghiệt nỗi là tôi vẫn chưa tìm được một câu trả lời nào cho thỏa đáng. Thế là vào ngày Chủ nhật cuối tuần vừa rồi tôi đã quyết định cùng cả nhà đi coi phim.
Chúng tôi vào rạp xem bộ phim đang làm mưa làm gió trên khắp thế giới có tên là ‘The Hunger Games’. Phim đang đạt kỷ lục có số thu cao nhất trong năm nay ở Mỹ. Tiểu thuyết cùng tên cũng đã và đang nằm trên danh sách những quyển sách bán chạy nhất trong thời gian vừa qua.
Không biết những người trong nhà nghĩ sao chứ riêng tôi, tôi chọn xem bộ phim này đơn giản là vì nó đang bị cấm trình chiếu ở Việt Nam. Tôi muốn tự tìm hiểu tại sao phim lại bị cấm.
Và sau gần 2 tiếng đồng hồ bị cuốn vào trò chơi bí ẩn, tàn ác của những kẻ cầm quyền trong xã hội giả tạo trên màn ảnh, tôi bước ra khỏi rạp tự nhủ rằng nay tôi đã biết tại sao bộ phim không được trình chiếu ở Việt Nam.
Thứ nhất vì nó khá bạo lực, lại có liên quan đến các trẻ em dưới tuổi vị thành niên. Và thứ hai, quan trọng hơn, là thông điệp chính trị mà bộ phim gửi đến tất cả những người xem phim.
Đó là dưới con mắt của những người có quyền có chức, người dân chỉ là những con số, những thống kê không đáng kể. Tất cả chúng ta chỉ là trò đùa của họ và cho họ. Không hơn, không kém.
Vì vậy nếu muốn dành lấy sự sống còn, chúng ta không thể để cho họ kiểm soát chúng ta. Không thể trao cho họ những gì họ muốn. Chúng ta có thể phải hy sinh, kể cả mạng sống và tình yêu của riêng mình, để lấy lại được sự tự do và sự sống của chính mình.
Chuyện phim chỉ có thế. Trong một xã hội vẫn còn nhiều điều bị cấm đoán, lên án như ở Việt Nam, việc bộ phim ‘The Hunger Games’ không được phép trình chiếu không phải là một điều ngạc nhiên quá sức tưởng tượng.
Nó mà được cho phép chiếu mới là chuyện lạ.
Trên đường tản bộ về nhà vừa đi tôi vừa nghĩ chắc là lần này mình phải viết về cả hai vấn đề đó là: Anh Điếu Cày và The Hunger Games. Vì thường tôi vẫn làm thế. Ít khi tôi biết trước là lần này mình sẽ viết về đề tài gì. Phần lớn những gì tôi viết đều dựa vào cảm tính rất cá nhân của tôi mà chắc đối với các bạn đọc đã theo dõi tôi trong suốt 3 năm vừa qua cũng đã thừa biết. Con người tôi có rất nhiều cảm tính. Đã vậy nó còn liên quan đến quá nhiều vấn đề!
Như câu chuyện về Paulus Lê Văn Sơn và mẹ của em mà tôi tình cờ đọc được qua blog của Người Buôn Gió ở Hà Nội. Ngay sau khi tôi vừa mở laptop để viết bài.
Sơn hiện đang ngồi tù ở Việt Nam. Từ lúc bị bắt vào năm ngoái cho đến bây giờ không ai trong gia đình được phép gặp mặt. Và cho đến nay chẳng có cơ quan, tòa án nào buộc tội Sơn. Hay chịu đem ra xét xử. Họ giam Sơn vô hạn định và không cần đưa ra bất kỳ lý do nào. Tại sao. Hay cho đến bao giờ.
Trong tù Sơn chỉ biết chờ và đợi.
Nhưng ngoài tù thì bệnh tình của mẹ Sơn ngày càng trở nặng hơn.
Cho đến cách đây vài hôm thì bà đã ra đi mãi mãi. Mà không gặp mặt lại được đứa con duy nhất của mình. Một mẹ, một con nuôi đến ngày Sơn khôn lớn. Nhưng tiếc là đến ngày cuối đời, Sơn đã không có mặt ở cạnh bà.
Tôi đọc tin buồn được loan báo mà lòng bỗng cảm thấy thẫn thờ, bất nhẫn. Tại sao cho đến bây giờ, trong thời đại văn minh, tân tiến này, dân tộc Việt Nam vẫn không thể đối xử với nhau như người với người? Vẫn không thể hiện được những hành động văn hóa, nhân bản dành cho nhau cho dù chúng ta có khác biệt cách mấy trong ý kiến và hành động.
Vì lẽ đơn giản, chúng ta ai cũng có mẹ. Ai cũng mong muốn những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với mẹ mình. Muốn làm cho mẹ vui những lúc được gần gũi, muốn giúp mẹ thật nhiều lúc gặp phải khó khăn. Tôi luôn mong muốn thế. Các bạn cũng thế. Những người công an, giám đốc thành phố, hay bộ trưởng, hay những người ra lệnh bắt giam Sơn, ai cũng muốn thế.
Ai cũng muốn được gần mẹ, nhìn mẹ một lần cuối, trước khi mẹ ra đi. Được để tang, được khóc bên nén hương tàn và lo chôn cất người mình yêu thương nhất.
Ai trong chúng ta chắc chắn cũng muốn làm được điều này. Nhiều người trong chúng ta chắc chắn sẽ thực hiện được điều này.
Ngoại trừ Sơn.
Trịnh Hội
25-04-2012
Theo Blog Trịnh Hội
Gửi ý kiến của bạn