BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76254)
(Xem: 62978)
(Xem: 40381)
(Xem: 31980)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tâm thư thứ hai gởi các Linh mục quốc nội

31 Tháng Ba 200312:00 SA(Xem: 911)
Tâm thư thứ hai gởi các Linh mục quốc nội
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
 Kính thưa Quý Cha,

 Cách đây khá lâu (28-10-2001), hai anh em chúng con, linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải và Phêrô Phan Văn Lợi, Tổng giáo phận Huế, đã gởi đến Quý Cha một lá thư, trình bày những tâm tư ước vọng của chúng con trước tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, nhân vụ việc nhà nước Cộng sản xử án cha Nguyễn Văn Lý, một người anh em của chúng ta, 15 năm tù và 5 năm quản chế vì tranh đấu bất bạo động cho tự do con Chúa và tự do con người. Nay chúng con xin được tiếp tục tâm sự với Quý Cha về những vấn đề nổi cộm, gây nhiều bức xúc và mang tính chất vấn đối với hàng ngũ linh mục chúng ta tại Việt Nam trong lúc này. Chúng con muốn nói đến những hình thức chà đạp đáng kinh sợ đã và đang xảy ra trên đất nước thân yêu.

 1- Chà đạp con người.

 Kể từ ngày nắm quyền thống lĩnh trên đất nước Việt Nam, với bản chất độc tài toàn trị, Cộng sản đã thi hành một chính sách rõ ràng là chà đạp con người, chà đạp mọi tự do của con người.

 Trước hết, trên phương diện tư tưởng, Cộng sản vẫn tiếp tục nhồi sọ toàn dân Việt Nam, đặc biệt học sinh sinh viên, cái học thuyết sai lầm và độc hại là chủ nghĩa Mác-xít, nhằm xây “nền tảng tinh thần” cho chế độ, đồng thời ngăn cấm mọi học thuyết khác, công trình tinh hoa tư tưởng của nhân loại. Môn “chủ nghĩa xã hội” vẫn là môn chiếm nhiều tiết học, hệ số điểm cao và đôi khi là tiêu chuẩn chính trong nhà trường. Đây là một sự bức bách trắng trợn đối với tâm trí con người, nhất là giới trẻ. Vì độc tôn thống trị như thế, học thuyết Mác-xít ngăn chận mọi con đường dẫn đến sự thật và phát triển; vì chủ trương đấu tranh giữa con người, nó cổ võ hận thù và tiêu diệt tình thương từ trong nhân tâm.

 Trên phương diện xã hội, Cộng sản tiếp tục đè lên toàn thể dân Việt một ách thống trị ngày càng nặng nề, không thể chịu nổi (thể chế hoá qua điều 4 Hiến pháp). Ách thống trị này đã được thực thi bằng vũ lực tàn bạo, qua nhiều biến cố đau thương, qua bao cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Chẳng ai được nghĩ gì, nói gì, làm gì ngoài khuôn khổ của đảng, không có phép của đảng. Đảng tự đặt mình trên hiến pháp, pháp luật và luôn hành xử vì quyền lợi riêng tư. Nhân dân chẳng có một cơ chế độc lập để giám sát, kềm hãm, ngăn chận khi cần bàn tay của đảng. Những ai lên tiếng đòi hỏi sự thật, kêu gào công lý, bênh vực nhân quyền đều bị đàn áp thô bạo (như trung tướng Trần Độ, giáo sư Hoàng Minh Chính, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, luật sư Lê Chí Quang, thi sĩ Bùi Minh Quốc, văn sĩ Dương Thu Hương, đồng bào sắc tộc Tây Nguyên v.v...)

 Để duy trì quyền lực độc tài này, đảng trọn vẹn chi phối lập pháp, tư pháp, hành pháp và sử dụng những cơ chế này lẫn quân đội và công an như công cụ. Bao vụ tác oai lạm quyền, quản chế vô luật (nhờ nghị định quái đản 31/CP), giam cầm trái phép, xử án bất công (điển hình qua các vụ Cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, Xét lại chống đảng, Xử án cha Nguyễn Văn Lý...) đã và đang biến Việt Nam thành một nhà tù vĩ đại, khiến người dân sống trong hoang mang lo sợ vì nạn khủng bố nhà nước. Đúng lý, thắng lý bao giờ cũng là đảng!?! Nền kinh tế thị trường “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thực chất chỉ làm giàu cho cán bộ đảng viên và gia tăng phương tiện vật chất cho đảng, để đảng có thể thống trị lâu dài.

 Cộng sản còn bắt toàn dân Việt Nam ngày đêm phải hứng chịu một nền thông tin không nhắm phổ biến sự thật mà chỉ để đề cao củng cố đảng và triệt hạ bất cứ cái gì khác. Gian dối, giấu che, ngụy biện được vận dụng ồ ạt trên các phương tiện truyền thông vốn hoàn toàn nằm trong tay Nhà nước. Nhân dân không thể nói lên tiếng nói đích thực của mình, mà tất cả đều phải ở dưới sự dẫn dắt của đảng về mặt tư tưởng và tình cảm. Sự gian dối còn len lỏi vào mọi lãnh vực cuộc sống, đầu độc mọi tương quan xã hội, làm hư hỏng nhiều lương tâm và nhiều công trình.

 Tính chuyện lâu dài, “bách niên chi kế”, đảng đang nắn đúc thế hệ trẻ theo một quan điểm giáo dục vừa phiến diện về nội dung, vừa trống rỗng về tinh thần, vừa tầm thường về mục tiêu, với những mẫu gương thần tượng giả tạo. Đức dục, trí dục ngày càng sa sút. Gian lận bài vở, giả mạo bằng cấp ngày càng nhan nhản. Những “con người máy” thiếu chiều sâu tâm linh đang được sản xuất hàng loạt trên đất nước. Mọi cố gắng uốn nắn tâm hồn người trẻ của các tôn giáo đều gặp thất bại, vô hiệu, do chỗ nhà nước duy vật vô thần độc quyền giáo dục. Thêm nữa, việc học hành càng lúc càng trở thành gánh nặng không thể chịu nổi cho vô số gia đình. Biết bao thế hệ, khối óc, tâm hồn đã bị thui chột hay hư hỏng. Văn hóa dân tộc chẳng biết có còn hay không? Bao giá trị ngàn đời của hồn Việt như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng đang mai một dần.

 2- Chà đạp tôn giáo.

 Để an tâm chà đạp con người, củng cố vị thế độc tôn thống trị, cộng sản đã và đang khống chế mọi tôn giáo, những thế lực tinh thần có sứ vụ bênh vực những giá trị thiêng liêng và nhân bản. Các cộng đồng này chịu cảnh chà đạp trắng trợn vì bị tước đoạt mọi quyền chính đáng (qua các nghị định, pháp chế tôn giáo, cụ thể là Nghị định 26/CP).

 Những nới rộng cho các giáo hội trong thời gian gần đây (cho phép xây nơi thờ tự, tổ chức hành hương, tu học nước ngoài, mở trường mẫu giáo...) đều là phụ tùy, ngoại diện, vả lại xuất phát từ tình thế bắt buộc, do đấu tranh của tôn giáo, chứ không phải do thiện chí của chính quyền CS. Mục tiêu công cụ hóa các giáo hội vẫn không hề thay đổi. Cộng sản quyết tâm chia rẽ nội bộ tôn giáo -để dễ thống trị- bằng cách lập các “giáo hội quốc doanh” bên cạnh các giáo hội truyền thống. Không tạo được thành phần quốc doanh thì cộng sản thô bạo xen mình vào việc tuyển mộ, huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm chức sắc lớn nhỏ của các giáo hội, nhắm tạo nên một hàng lãnh đạo tôn giáo ngoan ngoãn tuân lệnh nhà nước, cung cúc thần phục đảng, hay ít nhất chẳng hé răng trước những sai trái của kẻ cầm quyền. Cộng sản nắm đầu vào lẫn đầu ra đồng thời ấn định số lượng lẫn chất lượng như thế, trông mong gì Giáo hội chúng ta có những mục tử như lòng Chúa mong đợi, như dân Chúa mơ ước?

 Mọi tôn giáo đã và đang bị chiếm đoạt nhiều cơ sở hành đạo. Có cơ sở bị nhà nước rắp tâm biến thành chỗ du hí ăn chơi (trung tâm Liễu Quán, đan viện Thiên An tại Huế, tòa Khâm sứ ở Hà Nội...). Hơn thế nữa, mọi tôn giáo đều không được quyền sở hữu các phương tiện truyền bá giáo lý, phương tiện phục vụ xã hội (như cơ quan thông tin và xuất bản tài liệu; cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, từ thiện quy mô). Việc cho phép Hội Đồng Giám Mục ra Bản tin (sau nhiều năm dài xin phép, với định kỳ 2 tháng 1 lần, độ dài 50 trang, nội dung thông báo các hoạt động của Giáo hội “phù hợp với lợi ích đất nước và giáo dân”, số lượng 100 bản cho 25 giáo phận và 8 triệu tín hữu) quả là một sự mạ lỵ và ngạo mạn chưa từng thấy. Các sinh hoạt nội bộ tôn giáo, nhất là khi quy tụ đông người, đều bị công an dòm ngó, kiểm soát, bắt phải xin phép mà cho hay không tùy thích, có khi còn bị đàn áp, cản trở. Và phải sinh hoạt “phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân” (Hiến pháp ch. 2, đ. 10), nghĩa là không được phương hại đến uy tín và quyền lực của đảng. Cộng sản chẳng bao giờ muốn các giáo hội -vốn có vai trò giáo dục lương tâm, bảo vệ luân lý- ảnh hưởng lên nhân quần xã hội hơn chính mình.

 Đảng còn tìm cách thu phục hay khống chế các chức sắc tôn giáo bằng hứa hẹn hay hăm dọa, bổng lộc hay bẫy sập, nhằm triệt tiêu vai trò chứng nhân sự thật và lãnh đạo tinh thần của tôn giáo. Tất cả những ai trong tôn giáo lên tiếng bênh vực quyền công dân và quyền tín hữu đều bị ghép vào tội chính trị, bị chụp mũ phản động, phạm pháp, phá hoại đoàn kết và bị hăm dọa, quản chế, giam cầm hay thủ tiêu (Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đạo sư Lê Quang Liêm, Linh mục Nguyễn Văn Lý...). Dù các giáo hội đều cố gắng đối thoại với nhà nước, nhưng cộng sản chẳng bao giờ chấp nhận đối thoại. Kinh nghiệm cho thấy họ luôn tìm mưu kế mặc cả với những đe dọa khủng bố mà họ sẵn sàng xử dụng để bắt tôn giáo phải nhượng bộ.

 Nói tóm, làm gì có chuyện nhà nước cộng sản đang ban phát cho các tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng nhiều điều tốt đẹp và những điều tốt đẹp này đang được thực thi ?!?

 Tất cả những chính sách, hành xử chà đạp con người và chà đạp tôn giáo nói trên đưa đất nước đến chỗ khủng hoảng xã hội, nghèo đói kinh tế, suy thoái đạo đức, băng hoại tinh thần... Ngoài các tệ nạn đã đầy dẫy như tham nhũng, cửa quyền, ma túy, sida, mãi dâm, phá thai, ly dị, án tử hình, băng đảng tội phạm..., nay xuất hiện nhiều tệ nạn mới như buôn hài nhi con nuôi, mãi dâm trẻ vị thành niên, bán gả thiếu nữ ra nước ngoài, lường gạt bằng cấp đại học, bóc lột công nhân xuất khẩu, chiếm đoạt bất động sản tôn giáo để xây dựng cơ sở kinh doanh... Rất nhiều vấn đề xã hội qua bao năm tháng vẫn không giải quyết nổi.

 3- Chà đạp dân tộc

 Chính việc chà đạp con người và chà đạp tôn giáo như thế đã dẫn đến việc chà đạp dân tộc mà toàn bộ sự kiện vừa mới bị phanh phui, gây bàng hoàng ngỡ ngàng cho mọi con dân Việt. “Việc làm này là một bước đi hoàn toàn phù hợp với cái logique vận hành, phát triển, và tồn tại của đảng cộng sản. Đối với đảng mà bản chất là một cơ chế độc tài toàn trị, thì mục đích thực sự và duy nhất của nó không có gì khác hơn là phải trở thành độc tài toàn trị và tiếp tục tồn tại và hoạt động như là độc tài toàn trị. Tổ quốc, dân tộc, văn hóa, tôn giáo, con người v.v... tất cả những thực tại nầy chỉ là những phương tiện khác nhau đảng dùng để thực hiện mục đích của mình. Không còn giá trị lợi dụng nữa thì đảng vứt bỏ đi. Hay có thể trao đổi với một cái khác có giá trị hơn đối với mục đích của đảng, thì đảng sẽ đánh đổi” (linh mục Trần Xuân Tâm, “Bị mất nước vào tay đảng CS độc tài toàn trị, đau khổ thay cho nhân dân VN !” )

 Nếu theo dõi các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước thời gian gần đây (tiêu biểu là bài phân tích nhận định của đài phát thanh Vatican được mạng lưới VietCatholic đăng lại ngày 17/2/2002), chúng ta thấy việc chà đạp dân tộc đã bị phơi bày qua vụ dâng đất biển tổ quốc cho ngoại bang bằng hai hiệp định lãnh thổ và lãnh hải ký giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 30-12-1999 rồi ngày 25-12-2000.

 Qua tiết lộ & nghiên cứu của nhiều học giả, qua đòi hỏi bạch hóa của nhân dân, qua tuyên cáo lên án của bao tổ chức đoàn thể, qua thái độ lén lút ký kết, giấu giếm văn kiện, trả lời lấp liếm của chính quyền, qua việc quản chế, bắt giữ những người phanh phui hay tìm hiểu sự việc (luật sư Lê Chí Quang, thi sĩ Bùi Minh Quốc, học giả Trần Khuê...), chúng ta nhận thấy Cộng sản (đặc biệt hàng lãnh đạo cao nhất) đã và đang phạm một tội ác tầy trời đối với dân tộc.

 Tội bán nước phản quốc này đã bắt đầu từ ngày 14-9-1958, khi đảng tán thành Tuyên cáo về lãnh hải 12 hải lý (bao gồm Trường Sa và Hoàng Sa) mà Trung Quốc công bố ngày mùng 4-9-1958 trước đó. Tiếp đến đảng đã làm lơ việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và đánh chiếm Trường Sa năm 1988. Giờ đây với hai thỏa hiệp nói trên, cộng sản ngang nhiên dâng thêm cho Trung Quốc hàng ngàn cây số vuông lãnh thổ và hàng chục ngàn cây số vuông lãnh hải, để lọt vào tay ngoại bang Ải Nam Quan là biểu tượng ngàn năm và là yếu huyệt sinh tử.

 Hành động đó phát xuất từ não trạng khiếp nhược ngoại bang, ve vãn ngoại lực nhằm mưu cầu tư lợi, củng cố tư quyền; phát xuất từ thái độ khinh bỉ công lao dựng nước giữ nước của tổ tiên, coi rẻ xương máu của bao anh hùng liệt sĩ, xem thường nội lực của dân tộc, cướp quyền làm chủ của nhân dân, bất chấp tiếng nói của đồng bào...

 Hành động đó làm tủi hổ vong linh tiên tổ, gây mối nhục cho giòng giống, đánh mất quyền tự quyết của dân tộc, khiến an ninh của tổ quốc bị lâm nguy, tạo thiệt hại kinh tế lâu dài cho đất nước, khơi lại hận thù giữa hai tộc Hoa - Việt. Bởi lẽ Việt Nam bị thua thiệt quá lớn qua vụ này và không một con cháu Lạc Hồng nào -theo truyền thống bất khuất hào hùng- mà không muốn đòi lại những tấc đất gang biển thiêng liêng đã mất vào tay ngoại bang.

 Rõ ràng đó là một hành vi chà đạp dân tộc vô tiền khoáng hậu, không thể tha thứ, đáng bị nhân dân ngàn đời lên án nguyền rủa.

* * *


 Vậy anh em linh mục chúng ta, những người được Thiên Chúa và Giáo hội giao phó nhiệm vụ chăm sóc cộng đoàn, chứng nhân của tình thương, ngôn sứ cho sự thật, những người được nhân quần xã hội coi như lãnh đạo tinh thần, chiến sĩ bảo vệ nhân phẩm, thầy dạy các giá trị nhân bản, mẫu gương về lòng ái quốc, chúng ta nên làm gì?

 Ở đây chúng ta nhớ lại lời Chúa: “Đừng cộng tác vào các việc của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra” (Ep 5,11), nhớ lại lời dạy mới đây của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II: “Giáo Hội mời gọi tất cả các phần tử của mình chân thành dấn thân để cho mọi người được tăng trưởng và xây dựng một xã hội đạo đức, liên đới và công bình hơn... Qua các thành viên của mình, Giáo Hội chỉ muốn góp phần chính đáng vào đời sống quốc gia, nhằm phục vụ toàn thể dân tộc và tình đoàn kết trong xã hội... tham gia tích cực vào việc phát triển nhân bản và tâm linh của con người... phục hồi và thăng hoa phẩm giá con người” (Huấn dụ ngày 22-1-2002 cho Giáo hội VN, số 5), nhớ lại lời của các giám mục Á châu: “Các nghị phụ Thượng Hội Đồng ý thức rất rõ những sự xâm phạm liên tục đối với các quyền con người tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại châu Á... Các ngài đã nói lên nhu cầu đặt ra cho toàn thể Dân Chúa tại châu Á là phải nhận thức rõ về một thách đố không thể tránh được, không thể từ khước được, đó là bênh vực các quyền con người, cũng như đẩy mạnh công lý và hòa bình” (Tông huấn Giáo hội tại Á châu số 33), nhớ lại lời các Giám mục chủ chăn: “Ta không nhìn những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục như những kẻ đứng ngoài cuộc, nhưng nhận đó là những vấn đề của ta và chủ động góp phần giải quyết... Ta không thể thờ ơ với những chương trình phát triển cũng như tình trạng nghèo đói và những tệ nạn xã hội, bởi vì ta là thành viên của cộng đồng dân tộc” (Thư Chung 2001, số 9).

 Là linh mục, chúng ta không làm chính trị, không tổ chức quân đội để lật đổ bạo quyền, không thành lập đảng phái để tranh đấu nghị trường, không mơ đến những vị trí quan trọng trong guồng máy quốc gia. Nhưng với tư cách ngôn sứ của sự thật, chứng nhân của tình thương, chúng ta chẳng có nghĩa vụ chỉ mặt các cơ chế tội ác, vạch trần những gian dối lừa gạt, tố cáo những bất công bạo hành chà đạp đối với con người, tôn giáo và dân tộc sao? Với tư cách lãnh đạo tinh thần, chúng ta chẳng có nghĩa vụ soi sáng tâm trí, giúp đàn chiên và đồng bào thấy rõ những mưu đồ đen tối, những thủ đoạn tàn độc, những đường lối tai hại cho quá khứ, hiện tại và tương lai của cộng đồng dân Việt chúng ta sao?

 Là những người đã chọn Chúa làm gia nghiệp, chúng ta chẳng có gì để lo mất mát. Là những người sống đời độc thân, chúng ta chẳng có gì để bị ràng buộc. Là những người đã nhận lãnh dư đầy ơn Thần khí, chúng ta chẳng có gì để phải sợ hãi. Vậy tại sao chúng ta không đồng thanh lên tiếng cách bất bạo động để góp phần bẻ gãy tròng áp bức đang đè trên cổ mọi con người, mọi tôn giáo cũng như toàn thể dân tộc? để đòi hỏi công lý và phẩm giá cho đất nước, cho giáo hội, cho mỗi cá nhân? Biết bao người giáo dân, người thế tục, bị ràng buộc bởi vô số liên hệ và trách nhiệm, vẫn đủ dũng khí để coi thường hiểm nguy hăm dọa, vẫn đủ can đảm để lên tiếng đòi lại quyền con người, quyền tôn giáo, quyền dân tộc. Chẳng lẽ chúng ta thua kém họ sao?

 “Với Đấng đã chiến thắng sự chết, chúng ta có thể làm những điều bất khả đạt” (Chiara Lubich). Nguyện xin Chúa Kitô Tử Nạn-Phục Sinh ban cho chúng ta sức mạnh chấp nhận những gian khổ trong công cuộc đòi hỏi các quyền của con người, của Giáo hội, của Dân tộc để Dân tộc, Giáo hội và con người được phục hồi xứng với phẩm giá và đúng với bản chất.

Viết tại Huế lễ Phục Sinh năm 2002 (31-03)

Giữa vòng vây của công an

Lm Phêrô Nguyễn Hữu Giải
Lm Phêrô Phan Văn Lợi.

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn