Con đường trước đây hơn một năm vào làng, đã bị chặn lại bởi những khu đất tạo ra cảm giác chỉ cần một trận mưa, cả làng Cồn Dầu sẽ trở thành hồ nước. Đứng dưới đường làng, nhìn lên khu đất mới thấy được cách làm của những kẻ đi cướp đất của dân ở đây thật là khoa học. Không cần nói nhiều, không cần làm gì thì chỉ cần trời làm mưa lớn cũng đủ cho họ buộc phải lựa chọn sống hay chết chìm trong rác rưởi và nước bẩn.
Bên cạnh khu đất mới san nền phân lô là một ngôi chùa, ngôi chùa này nhìn cũ kỹ và rêu phong đã sát ngay mép của khu đất mới san. Nghe nói rằng chùa cũng đã được lệnh di chuyển để “thu hồi đất của nhà nước” và đang chuẩn bị phải chuyển đi.
Làng Cồn Dầu không còn cảnh tượng một ngôi làng cổ như lần trước chúng tôi đến, thay vào đó là khung cảnh hoang tàn như nơi đây đang trong một cuộc chiến ở hồi khốc liệt. Những căn nhà đập phá dở dang bên cạnh ít ỏi những căn nhà trơ trọi còn lại. Những cây cối trong vườn bị chặt ngang cây, bị đốn ngã như vừa qua trận bão. Đây đó là những mảng tường, những nền nhà bị phá vỡ như muốn xóa đi nhanh chóng dấu tích một thời tồn tại ngôi làng cổ kính và đầm ấm. Nhiều khu vườn, căn nhà đã đập nhưng những cây cau, cây ổi vẫn đứng im như tiếc nuối một thời đã tôn tạo cho khu vườn nhà ai đó thêm trù phú và yên bình.
Nhiều cây dừa, cây cau bị đốn ngang lưng, gục ngã như vừa bị qua trận bom phá những năm chiến tranh ở quê tôi. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn gặp những ngôi nhà còn nguyên vẹn trong những khu vườn mà nền đất dựng nhà được tôn cao hơn một mét, mới thấy được công sức người dân Cồn Dầu đã đổ ra bao đời nay lớn lao thế nào.
Giờ đây, đi trong làng Cồn Dầu cỏ hoang đã mọc cao ngập tràn ra cả lối đi, những nền nhà cũ và những khu vườn vốn trước đây được chăm chút từng ngày.
Những người chúng tôi đã từng gặp như gia đình anh Nguyễn Hữu Liêm, anh Lê Thanh Lâm, anh Trần Thanh Việt, chị Đào Thị Hồng Anh… không còn ở làng nữa, họ đã khiếp sợ và bỏ chạy đi lánh nạn đâu đó. Những người còn lại nhìn chúng tôi ngờ vực ban đầu, sau khi biết chúng tôi đã từng đến Cồn Dầu trước đây, họ mới giãy bày tâm sự u uất của họ.
Cả làng không nghe tiếng chó sủa, không thấy bóng trẻ con đùa nghịch, không khí trong làng lạnh tanh và hoang vắng, người dân nhìn ngời lạ vào làng với con mắt cảnh giác và sợ hãi. Theo họ, thường người lạ vào đây, chỉ là công an, cán bộ hoặc những người vào tận nhà mình xem “đất đai của họ” mà mình đang ở(!) Những người dân ở đây cho chúng tôi biết: Đàn chó của làng đã bị tuyệt diệt bởi những nhóm người bí mật bắt đầu từ khi có nhiều công an vào khủng bố trong làng. Công an không chỉ làm việc ban ngày, mà cứ đến khoảng giữa đêm thì mới vào từng gia đình neo đơn, cô độc để giở bài kiểm tra hộ khẩu, hộ tịch rồi ngồi giảng giải về đường lối quang vinh của đảng, chính sách của nhà nước và cuối cùng là ép dân bỏ nhà ra đi.
Một bà già tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cuối làng, ngôi nhà của bà với hàng cau thẳng tắp như hàng kiêu binh đón chúng tôi vào căn nhà trơ trọi còn lại. Căn nhà khá đẹp và mới làm xong chưa lâu. Bà cho biết: Cứ đến tối, khoảng 8 đến 10giờ là công an vào gõ cửa. Không mở cửa là chống người thi hành công vụ, mở cửa là những màn khủng bố tinh thần. Hết chuyện phải di chuyển nhà cửa lại đến chuyện hỏi con cái đi đâu? Bà cho biết, khi con trai bà bị bắt bà lên tận Công an Cẩm Lệ đề nghị thả con bà ra vì con bà vô tội. Công an trả lời là con bà đã lớn, nó phải chịu trách nhiệm độc lập mà bà không can thiệp được. Thế nhưng, khi con bà hoảng sợ và bỏ trốn khỏi làng thì công an lại vào hạch sách yêu cầu bà cho biết con bà đi đâu, làm gì và ở chỗ nào? Bà trả lời bà không biết thì công an bảo bà phải chịu trách nhiệm (?). Đúng là pháp luật của ta cũng có điều hay, nó sẽ được sử dụng tùy thuộc vào hoàn cảnh và ý muốn của người thi hành. Đấy là đặc thù của nền Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa chăng?
Những người dân Cồn Dầu cho chúng tôi biết: Thời gian gần đây, công an, chính quyền liên tục vào ép buộc giáo dân phải sớm nhận tiền đền bù để biến khỏi làng. Thậm chí không chỉ giáo dân mà cha xứ cũng bị tình trạng gây sức ép liên tục buộc phải nhận ký vào quyết định đập phá Thánh Giá nơi Nghĩa trang. Nhưng, tâm tình người dân nơi đây là họ muốn được trụ lại, sống lại nơi chôn rau cắt rốn của mình với ngôi Thánh đường quen thuộc và đầm ấm. Mặt khác, họ biết những gì đang đợi họ phía trước sau khi họ nhận tiền đền bù và bàn giao nhà cửa vườn tược cho nhà nước.
Nhiều người đã nhận đền bù và ra đi, nhưng đã không đủ sức để kiếm sống bằng một nghề mới giữa đô thị Đà Nẵng đang dần dần xua đuổi những người nghèo và dân nhập cư. Nhiều gia đình đã phải về gom góp lại tấm tôn, mảnh ván, tấm lều bạt để sống qua ngày tại đây.
Nhiều hộ cho biết, nhà cầm quyền ở đây khá “vui tính” trong cách làm việc, ngoài chuyện ép buộc người dân đến mức bỏ nhà bỏ cửa ra đi, thì họ bán đất tái định cư theo suất. Nơi được cấp đất tái định cư là một nơi đã từng làm nghĩa trang nào đó mà tôi không có dịp đến xem được. Người dân cho chúng tôi biết, có nhiều người đến đó nhưng không thể ở đó được vì vấn đề tâm linh, không thể mình ở trên mồ mả của người khác. Ngoài vấn đề đó thì khi bán đất định cư có thể mua lại. Nhưng, tiền đâu để xây dựng cơ ngơi và ổn định cuộc sống ở đó. Cuộc sống con người đâu chỉ cần có một chỗ cắm dùi mà thôi? Trái lại cuộc sống của họ là tổng hợp của các mối quan hệ, cách làm ăn, thói quen và văn hóa đã bao đời nay xây đắp nên làng Cồn Dầu cổ kính. Xa môi trường đó, họ không sống được, nhất là khi Đà Nẵng đang chỉ chuộng những công dân chất lượng cao, thì người dân Cồn Dầu càng không phải là đối tượng dễ sống.
Nhưng, trở về hay ở lại, thì cuộc sống của người dân Cồn Dầu hôm nay cũng là bài toán cả hàng ngàn người không tìm ra lời giải. Ruộng đồng bị chiếm cướp và san lấp phân lô. Những thửa ruộng chưa được thể thu hồi thì cả mấy mùa qua cũng không thể cấy trồng được như trước. Nguồn nước bị chặn lại bởi sự đào bới và đất lấp. Nước ô nhiễm tha hồ chảy về và đọng lại xung quanh Cồn Dầu, gây ngập úng ruộng đồng, đường sá…
Như vậy con đường sống của người dân đã bị cắt đứt.
(Còn tiếp)
Hà Nội, ngày 11/4/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Theo Blog Nguyễn Hữu Vinh
Gửi ý kiến của bạn