BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73229)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Điều gì đã xẩy ra tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM ?

29 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 2253)
Điều gì đã xẩy ra tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM ?
55Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.86
Phóng sự tại Học viện Hành chính

Căn cứ vào đơn thư của tập thể cán bộ, giảng viên của Học viện Hành chính, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian tiếp xúc để tìm hiểu sự thật về những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua. Chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn các đối tượng dưới nhiều hình thức khác nhau như điện thoại, gặp trực tiếp ở Học viện, ở bên ngoài Học viện và cuối cùng chúng tôi đã có một bức tranh tương đối toàn cảnh về những sự việc mà các cán bộ, giảng viên ở nơi này nêu lên. Thực sự chúng tôi cũng không thể ngờ được tại một học viện lớn và có uy tín như Học viện Hành chính lại có một ban lãnh đạo như vậy.

Giám đốc Học viện là Nguyễn Trọng Điều, trước đây từng công tác bên Bộ văn hoá rồi sang Ban tổ chức cán bộ chính phủ, sau này đổi tên thành Bộ nội vụ, cuối đời hạ cánh xuống Học viện Hành chính. Nguyễn Trọng Điều sinh năm 1945 tại Hà Nam, nhưng trong các giấy tờ của ông này lại xuất hiện nhiều năm sinh khác nhau, có giấy tờ ghi 1948, có loại khác lại là 1949. Các bạn học thủa nhỏ với ông khẳng định ông sinh năm 1945 và trên giấy tờ học bạ cũng ghi rõ năm 1945. Khi chúng tôi hỏi ông về năm sinh thật thì ông nói chối quanh và cuối cùng cũng nhận sinh năm 1945. Từ việc hỏi ông về năm sinh cũng gây cho ông sự luống cuống không cần thiết, chứng tỏ đây là con người không trung thực.

Ông Điều nổi tiếng trong các phi vụ tình ái, số những người phụ nữ qua tay ông đếm không sao xiết. Ông tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận với các người đẹp, tán tỉnh và đưa lên giường. Nếu như không thực hiện theo ý của ông thì những người này sẽ không được yên thân, ông sẽ tìm mọi cách để làm cho thân bại danh liệt. Phòng làm việc của ông luôn có giường và toilet với các thiết bị hiện đại nhất để tiện cho “sinh hoạt” của ông.

Khi về Học viện Hành chính, việc đầu tiên tân giám đốc làm là thay đổi toàn bộ nhân sự, cán bộ đang ở khoa nọ thì chuyển sang khoa kia mặc dù không hề phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Điển hình là Nguyễn Trọng Điều dựng một trong số người tình của ông là Đào Ái Thi, một người không hề biết gì về chuyên môn cũng như quản lý, chỉ biết đong đưa, liếc mắt đưa tình mới có bằng thạc sĩ lên làm Trưởng khoa sau đại học. Theo các giáo sư đầu ngành, một trưởng khoa sau đại học ít nhất học vị cũng phải từ tiến sĩ chưa kể phải là người có học hàm vì khoa sau đại học là thầy của các thầy. Nhưng Điều đã đưa Đào Ái Thi ngồi vào vị trí đó để dễ sai bảo. Việc Đào Ái Thi lên làm trưởng khoa sau đại học đã gây dư luận không tốt trong Học viện một thời gian.

Ngay sau đó ông Điều tiếp tục điều chuyển các trưởng, phó khoa một cách tuỳ thích, ông cất nhắc những người thuộc phe cánh của mình vào các vị trí quan trọng. Vũ Văn Thành trước đây đã bị giám đốc đời trước kỷ luật được đưa lên làm Chánh văn phòng, Vũ Duy Yên đang ở Ban đào tạo được đưa lên Trưởng ban tổ chức cán bộ. Đinh Minh Tuyết đang giữ chức Trưởng ban tổ chức cán bộ bị điều động lên khoa Xã hội, trưởng khoa xã hội lại đưa xuống làm Trưởng ban đào tạo,… Rất nhiều các cán bộ bị điều động mà không hề được hỏi ý kiến trước, ngay cả việc điều chuyển trưởng ban tổ chức cũng không cho biết nhưng trong các quyết định lại ghi rõ căn cứ đề nghị của trưởng ban tổ chức cán bộ. Thạc sĩ Chu Xuân Khánh, nguyên là phó khoa hành chính bị chuyển về khoa xã hội, trái ngược hoàn toàn với chuyên môn, hai năm qua đã không hề được giảng một tiết học nào. Khi gặp chúng tôi, ông Chu Xuân Khánh buồn bã nói “Quyết định của ông Điều đã làm khổ tôi, bây giờ tôi không còn là giảng viên nữa vì có được đi giảng đâu … làm bí thư chi bộ chẳng làm gì, suốt ngày nghe các đảng viên kêu ca … Tôi mệt mỏi lắm rồi … Không biết bao giờ tôi mới được trở về làm nghề cũ của mình …”. Thực ra, việc quản lý của ông Nguyễn Trọng Điều đã làm suy yếu năng lực của học viện, làm vô hiệu hoá đội ngũ cán bộ.

Một trong những người phụ nữ bên cạnh ông Điều là Lê Chi Mai, một người phụ nữ kém cả tài và sắc nhưng lại rất giàu sự xảo quyệt, độc ác và tham lam. Ông Điều tìm mọi cách để đưa Lê Chi Mai lên ghế phó giám đốc để đáp lại sự chiều chuộng của Lê Chi Mai. Đằng sau sự ủng hộ này là gì ? (Nhân vật Lê Chi Mai phần sau chúng tôi sẽ thông tin chi tiết tới bạn đọc). Ngay khi về Học viện Hành chính, ông Điều đã thành lập Hội đồng chức danh cơ sở với những thành viên là những người sẽ phải ủng hộ ông lên chức danh Giáo sư, mặc dù ngay cả chức danh Phó giáo sư của ông ta cũng gian lận. Theo nguyên tắc thì ứng cử viên chức danh giáo sư phải có các công trình nghiên cứu khoa học độc lập, có sách chuyên khảo. Tuy nhiên Nguyễn Trọng Điều đâu phải là người làm khoa học, đâu phải là người làm giảng dạy. Khi bầu xét tại Hội đồng chức danh thì Nguyễn Trọng Điều mới chỉ có bìa hai cuốn sách, sau này cố gắng in cho xong thì đó là hai đề tài khoa học của tập thể các nhà khoa học, nhưng Nguyễn Trọng Điều lại ăn cắp cho riêng mình. Khi báo chí vào làm rõ vụ việc thì Lê Chi Mai với danh nghĩa là đảng uỷ viên, thành viên Hội đồng chức danh đã trả lời báo giới là đã kiểm tra sách, sách đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn,… Khi bị yêu cầu là đưa quyển sách cho nhà báo xem thì Lê Chi Mai nói dối là sách đã bán hết …

Không những gian dối trong khoa học, tham lam tiền bạc, tình ái mà Nguyễn Trọng Điều không từ một thủ đoạn nào để làm hại những người không theo ý của ông ta. Tháng 6 năm 2008, cùng với Lê Chi Mai thì Nguyễn Trọng Điều đã vu khống cho nữ phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thu Linh lập kế hoạch chống phá Bộ chính trị và Học viện. Lê Chi Mai đã cướp đoạt máy ghi âm thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thu Linh và cùng ông Điều lập ra chương trình hại một số cán bộ của Học viện. Ông Nguyễn Trọng Điều đã đưa công an vào khai thác bí mật chiếc máy của bà Nguyễn Thu Linh, nhưng trớ trêu thay trong chiếc máy này lại không hề có một từ nào nhạy cảm liên quan đến chính trị, kinh tế hay học viện cả. Sau đó ông Điều đã giấu chiếc máy này đi, cũng không hề trả cho thân chủ và vẫn lu loa tuyên truyền trong cả học viện là bà Nguyễn Thu Linh và một nhóm người của Học viện là lập kế hoạch chống phá Bộ chính trị. Theo chúng tôi, sự việc nổi cộm này Bộ chính trị cũng nên tham gia vào để làm rõ xem có phải bà Nguyễn Thu Linh là phản động không, nếu như không phải thì trách nhiệm của ông Nguyễn Trọng Điều trước pháp luật ra sao ? Bà Nguyễn Thị Châm, chánh văn phòng đảng uỷ của Học viện cho biết “Tôi phải tham gia vào vụ việc này ngay từ đầu, tôi thấy đây là một việc làm rất vô lý. Chị Linh là một đảng viên tốt, rất thẳng thắn, nghiêm túc, chị ấy không thể nào lập kế hoạch chống phá bộ chính trị và học viện được…”. Bà Nguyễn Thị Hạnh, phó ban tổ chức cán bộ cho biết “Tôi được tham gia việc tháo gỡ băng ghi âm của chị Nguyễn Thu Linh, lãnh đạo yêu cầu cần phải giữ bí mật, không được đưa thông tin ra ngoài, hôm đó có cả công an cùng tháo gỡ, nhưng khai thác tất cả các cuộc hội thoại không hề có thông tin nào liên quan đến chính trị cả, chỉ là những thông tin cá nhân”. Không biết ông Lê Hữu Nghĩa – giám đốc học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh xử lý thế nào đối với những sai phạm của ông Nguyễn Trọng Điều ???

Không dừng ở đó, ông Điều lại tiếp tục ủng hộ Lê Chi Mai trong việc gây khó dễ, hăm doạ, đàn áp với tiến sĩ Vũ Thị Nhài. Theo tiêu chuẩn thì với học vị tiến sĩ, với thâm niên công tác hiển nhiên thì bà Vũ Thị Nhài là biên chế, tuy nhiên dường như rất khó khăn đối với nữ tiến sĩ này. Khi cùng với 42 người khác tham gia xét tuyển theo đúng quy trình của học viện, đã đạt qua các khâu xét tuyển hồ sơ, giảng thử, trả lời phỏng vấn một cách xuất sắc, kết quả đã được công khai toàn học viện. Nhưng đến khi ký quyết định tuyển dụng thì nữ tiến sĩ duy nhất lại bị loại ra mà không hề có lý do. Các thành viên trong hội đồng xét tuyển cho biết đây là nữ tiến sĩ trẻ duy nhất tham dự xét tuyển, tất cả các tiêu chuẩn đều vô cùng xuất sắc, có rất nhiều cống hiến cho học viện nhưng trong cuộc họp Lê Chi Mai đã yêu cầu hội đồng dừng trường hợp này mà không có lý do xác đáng. Các thành viên trong hội đồng rất bất bình vì thái độ của Lê Chi Mai nhưng Nguyễn Trọng Điều thì lại thuận theo và loại tiến sĩ này ra mà không cần phải suy nghĩ nhiều. Các giảng viên của Học viện đã phản đối rất kịch liệt quyết định này và theo nhiều nguồn tin cho rằng đây là việc Nguyễn Trọng Điều đáp ứng yêu cầu của Lê Chi Mai, vì Lê Chi Mai rất đố kỵ với nữ tiến sĩ trẻ này, mặt khác phải chăng nữ tiến sĩ trẻ đẹp chỉ biết là cháu ngoan Bác Hồ mà không biết phải là “cưng ngoan” của sếp Điều, chưa biết rằng nếu mà Nguyễn Trọng Điều để mắt, quan tâm đến mà không phục tùng theo ý thì sẽ biết thế nào là lễ độ ?

Chúng tôi cũng đã tiếp cận được với Lê Chi Mai, người phụ nữ đam mê tình ái và quyền lực của Học viện. Gặp Lê Chi Mai tại phòng 206, đó là một người phụ nữ nhỏ thó, chiều cao lý tưởng 1,40m, da trắng, mắt bị hỏng một bên. Chúng tôi giới thiệu là cán bộ của Bộ tài chính, được biết khoa có tổ chức học cao học tài chính ngân hàng nên đến hỏi thăm xem có thể tham gia được không. Lê Chi Mai vui vẻ, xởi lởi ra mặt “Các anh bên đó học chương trình này là rất phù hợp … Năm ngoái tôi đã làm được gần 50 suất … đơn giản lắm … khoa tôi tự đứng ra tổ chức nên đảm bảo 100% … giám đốc học viện hoàn toàn ủng hộ … chi phí theo giá thị trường thôi …”. Tôi nói trước đây tôi học đại học sư phạm, không thuộc chuyên ngành tài chính, nhưng Lê Chi Mai nói hoàn toàn yên tâm, chỉ cần học khoảng 300 tiết bổ sung kiến thức là thi, việc học chuyển đổi rất dễ dàng, chỉ khoảng hơn 1 tháng là mọi chuyện xong. Sau cuộc nói chuyện vô cùng vui vẻ đầy hứa hẹn cho tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành tài chính ngân hàng này, chúng tôi thấy người phụ nữ này không biết sợ pháp luật là gì, dễ dàng nói chuyện với những người lạ mới gặp lần đầu một cách thoải mái như vậy, phải chăng đây là người đã có sự bảo kê ? Chúng tôi sẽ gửi đoạn băng ghi âm này tới ông Nguyễn Thiện Nhân để ông Nhân xem lại cách quản lý về đào tạo sau đại học của mình.

Nhận xét về Lê Chi Mai, một cán bộ lãnh đạo phòng tài vụ cho biết “Đối với các lớp học mà học viện tổ chức thì tất cả nguồn thu, chi đều qua sự kiểm soát của phòng, nhưng riêng đối với trường hợp tất cả các khoá do chị Chi Mai đứng lên tổ chức dưới danh nghĩa học viện thì tự thu và tự chi … hầu như chứng từ mang xuống chỉ là hợp thức hoá các khoản này … thu của mỗi học viên từ 800 ngàn đến hơn 1 triệu, đây là số tiền rất lớn nhưng không hề qua phòng … nhiều hồ sơ chữ ký trông rất giả …”. Giáo sư, tiến sĩ Bùi Văn Nhơn cho biết “Chi Mai giảng rất kém, học viên chê lắm, ngày xưa tôi đã nói là không giảng được nhưng giám đốc cứ đưa vào danh sách giảng các lớp chuyên viên cho có giờ …”.

Dưới sự chiều chuộng của giám đốc, Lê Chi Mai leo lên tất cả các ghế nào có thể có của học viện. Tài không, đức không nhưng cho đến hiện nay Lê Chi Mai vẫn đang giữ các chức như Phó ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, Trưởng ban nữ công, Trưởng khoa tài chính công, đảng uỷ viên, … Phải nói Lê Chi Mai là người phụ nữ đam mê quyền lực mới đúng, bằng mọi thủ đoạn để đạt được ý nguyện. Nhưng bên cạnh đó, Lê Chi Mai lại dùng các chiêu của mình để hại những người mà Lê Chi Mai không ưa. Nữ tiến sĩ mà phần trên chúng tôi nhắc đến là nhân viên dưới quyền của Lê Chi Mai, đã bị Lê Chi Mai dùng mọi hình thức để hãm hại một cách trắng trợn. Lê Chi Mai đã cướp đoạt tài sản, thu dọn đồ đạc, dùng dao đe doạ, … nhân viên cấp dưới. Những sự việc này toàn thể các cán bộ, giảng viên của học viện đều biết và thể hiện thái độ phản đối một cách quyết liệt. Tiến sĩ Lê Thị Hương, trưởng khoa nhà nước và pháp luật cho biết “Những việc làm của Lê Chi Mai là vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền cần phải xử lý một cách nghiêm khắc. Lê Chi Mai phải trả lời trước các cơ quan pháp luật của nhà nước về những việc mà bà ấy đã làm”. Nhiều giảng viên nữ của học viện cảm thấy bất bình và thấy xấu hổ khi trong học viện lại có người phụ nữ xảo quyệt như Lê Chi Mai.

Trong phần tiếp theo chúng tôi sẽ làm rõ những sự việc khác của Học viện như cái chết của ông Hoàng Văn Thắng tại phòng làm việc, những khuất tất trong vấn đề đào tạo sau đại học tại Học viện Hành chính.

Đào tạo đại học

Đối với hình thức đào tạo cử nhân hành chính hệ chính quy thì có sự mua bán ngay từ điểm thi đầu vào, nhất là mấy năm gần đây có hình thức thi trắc nghiệm. Trên bảng điểm kết quả tuyển sinh đầu vào trong những năm này thể hiện rất rõ, hàng trăm thí sinh có kết quả 3 môn rất lệch nhau, các điểm lý và hóa là đề thi trắc nghiệm thì điểm rất cao từ 8 -9 điểm, nhưng điểm toán lại là 1-3 điểm. Có thể có một vài thí sinh sức học lệch giữa ba môn này, nhưng không thể có hàng trăm thí sinh đồng dạng phối cảnh như thế. Kết quả này cho thấy Học viện đã có sai phạm trong chấm thi tuyển sinh, nhất là đối với hai môn thi trắc nghiệm là lý và hoá.

Đối với hình thức đào tạo cử nhân hành chính hệ tại chức thì việc mua bán diễn ra công khai hơn. Khoa đào tạo bồi dưỡng cán bộ- công chức và tại chức dưới thời các ông Bùi Văn Nhơn, Phạm Kiên Cường, Hoàng Văn Chức thường xuyên tổ chức các khoá hệ tại chức đặt bên ngoài học viện, học viên phải đóng rất nhiều tiền để nuôi đội ngũ này, điểm các môn học cũng được bảo kê từ đầu đến cuối khoá học. Trung bình mỗi môn học viên phải trả ít nhất 1 triệu đồng cho phí quản lý của khoa này. Học viên là những cán bộ đang làm trong các cơ quan hành chính cả nước nên rất cần tấm bằng của học viện, dù chỉ là tại chức để gĩư được cái ghế của mình nên thị trường này vô cùng nhộn nhịp.

Đào tạo sau đại học

Đã có rất nhiều các báo của đảng và nhà nước Việt Nam viết về những vụ lình xình trong việc đào tạo sau đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia. Lãnh đạo học viện đã bảo kê, bán những tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ với “giá thị trường” như Lê Chi Mai chào hàng đối với chúng tôi.

Sai phạm trong tuyển sinh sau đại học từ sắp xếp chỗ ngồi trong phòng thi đầu vào, sửa bài trong khi chấm bài và nâng điểm trong phúc tra. Khi tham gia dự tuyển sinh đầu vào, những đối tượng đã được bảo kê được xếp riêng một khu, được mở tài liệu để chép, trong khi đối với những đối tượng tham gia khác thì việc coi thi hết sức nghiêm ngặt, chỉ cần nhìn thấy có hiện tượng nhấp nháy là đình chỉ, đuổi ra ngoài.

Đối với việc trông thi đầu vào thì Học viện hành chính còn cho thấy đây là một nơi để cấu kết, vu khống về mặt chính trị với cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Đợt thi tuyển nghiên cứu sinh năm 2006, ông Đào Ngọc Dung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất trung ương Đoàn tham gia, khi vào phòng thi làm bài nghiêm túc, nhưng không hiểu sao trên tờ giấy nháp mà giám thị phát cho ông thì không hề có chữ ký của giám thị. Ông Dung dùng tờ giấy nháp này để phác thảo sơ qua nội dung cần trình bày vào tờ giấy thi chính thức. Nhưng một lúc sau thì giám thị lại nói là ông vi phạm quy chế thi vì giấy nháp không có chữ ký. Mặc dù ông Đào Ngọc Dung phân bua thế nào, mặc dù trên tờ giấy trắng A4 vẫn nguyên vẹn chỉ có vài dòng nháp, mặc dù tờ giấy không hề có vết gấp, nát, … nhưng ông vẫn bị cho rằng vi phạm quy chế thi. Một số tờ báo đã được cài sẵn khi đó ngay lập tức rêu rao, bôi nhọ ông Đào Ngọc Dung với những chi tiết giật gân như “Ông Đào Ngọc Dung - Uỷ viên trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất trung ương Đoàn bị bắt quả tang quay cóp trong kỳ tuyển sinh sau đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia”. Phải chăng ở đây đã có sự bắt tay của Học viện với một số đối thủ chính trị của ông Dung để cài bẫy, nhằm vu khống, bôi nhọ danh dự của một uỷ viên, một bí thư thứ nhất của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Sự việc này khi đó rất gây nhiều tranh luận trong giới chính trị. Ông Nguyễn Ngọc Hiến, giám đốc Học viện Hành chính khi đó đã nói với báo chí “Trên tờ giấy nháp nguyên vẹn, không có dấu gấp, nhàu …”. Một phao thi thì đơn giản nhất cũng phải được gấp lại, gài trong người, trong đó phải có nhiều nội dung của vấn đề nào đó. Nhưng ở đây “tài liệu vi phạm” của ông Dung lại là tờ giấy nháp mới, do chính tay giám thị phát … Qua đó chúng ta mới thấy những sự rắc rối, xảo trá và cạm bẫy ở trong Học viện Hành chính. Kết quả của những vụ việc đen tối đó là đã làm cho ông Đào Ngọc Dung mất chức, bị thuyên chuyển công tác và tạo dư luận không tốt đối với cá nhân ông và lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Chúng ta tiếp tục xem xét những sai phạm của Học viện trong vấn đề tuyển sinh sau đại học. Sau khi đã công bố kết quả tuyển sinh, những đối tượng không biết làm nghi thức lễ nghi với học viện bị trượt, nếu biết có thể tiếp tục có cơ hội làm học viên của học viện thông qua phúc tra lại. Kết quả phúc tra của học viện hành chính đã cho thấy rõ ngay những đối tượng đã được “chấm”. Lại một lần nữa những “ứng cử viên chưa tìm thấy đường” được thông báo kết quả chấm lại như kết quả chấm lần một, còn những người đã được bảo kê thì có kết quả vừa với điểm cần xét tuyển.

Một cán bộ của khoa sau đại học đã đưa cho chúng tôi xem rất nhiều tư liệu có chữ ký, đóng dấu quốc huy đỏ của học viện về kết quả tuyển sinh sau đại học. Các văn bản kết quả điểm phúc tra của công tác tuyển sinh sau đại học là bằng chứng rõ nét cho những sai phạm của lãnh đạo học viện. Đối với các môn Triết, Hành chính học thì một số đối tượng trong diện được bảo kê là chuyển từ 4 sang 5 để đủ điểm trung bình trúng tuyển còn những đối tượng khác thì vẫn giữ nguyên. Nổi trội là kết quả phúc tra môn tiếng anh là dẫn chứng điển hình.

Kết quả chấm lại tuyển sinh cao học của Học viện Hành chính môn ngoại ngữ































































Họ và tên thí sinhSố báo danh Điểm lần I Điểm chấm lại
Hoàng Thị HạnhCH-1113550
Nguyễn Thị Lan Hương CH-16238,550
Đỗ Thị Hải YếnCHB-40136,550,5
Trịnh Ngọc ThuCH-2283850
Trần Tuấn AnhCH-0114252
Lê Thị Bích ThuậnCH-2294450
Hà LêCHB-1994550
Bùi Thị BằngCH-0264651,5
Đỗ Thị Kim ThươngCHB-34146,557

…….

Trao đổi với chúng tôi, một số giảng viên của Đại học quốc gia chuyên chấm thi đầu vào tuyển sinh cao học cho biết hiện tượng trên là có vấn đề, vì sự chênh lệch số điểm lần I và lần phúc tra quá lớn.

Đào tạo sau đại học do học viện hành chính tổ chức chủ yếu là để hợp thức hoá bằng cấp cho cán bộ, giảng viên của học viện và ngoài ra cho các đối tượng “ngoại giao”. Học viện đã cho nợ đầu vào với rất nhiều đối tượng học viên (những đối tượng này thi trượt trong đợt tuyển đầu vào), cũng học, cũng làm luận văn, bảo vệ luận văn và sau đó là cấp bằng… Tại ngay chính học viện, những cán bộ như Vũ Văn Thành, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Hương, Phan Thanh Hương, … là những người không hề biết một câu tiếng Anh, thế mà họ đã có bằng thạc sĩ hành chính !

Đối với những đối tượng kém hơn nữa thì học viện cho tham gia khoá đào tạo Thạc sĩ huấn luyện phương pháp sư phạm hành chính. Chưa có một cơ sở đào tạo nào tổ chức đào tạo thạc sĩ huấn luyện cả, thế mà học viện hành chính là cơ sở đầu tiên khai thác mảnh đất mới mẻ, tiềm tàng này. Tổng số thời gian học viên lên lớp là một tháng! Học viên được truyền đạt phương pháp sư phạm mà học viện coi là “phương pháp mới”, các học viện, trường khác đã sử dụng từ lâu. Những học viên tham gia khoá học 1 tháng này được cấp bằng “Thạc sĩ huấn luyện phương pháp sư phạm hành chính”. Đây là việc bán bằng thạc sỹ một cách nhanh nhất, đơn giản và gọn nhẹ. Bộ giáo dục và đào tạo có biết công tác đào tạo sau đại học này của học viện không ? Tấm bằng thạc sĩ đó giá trị thế nào ?

Từ năm 2008, học viện hành chính lại tiếp tục dùng thủ thuật “ma” để có được quyết định đào tạo thạc sĩ chuyên ngành tài chính ngân hàng. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ đào tạo sau đại học cho biết “Học viện Hành chính Quốc gia có đưa lên chỗ tôi đề án mở cao học tài chính ngân hàng, tôi phản đối và loại hồ sơ này vì đây là cơ sở chưa có đào tạo đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng. Một cơ sở để chúng tôi cấp phép đào tạo cao học là phải có ít nhất ba khoá đào tạo hệ cử nhân chuyên ngành đó ra trường, cán bộ giảng dạy và tài liệu học tập phải đáp ứng các yêu cầu … Những điều này học viện hành chính quốc gia không có …”. Ý kiến của vụ trưởng quản lý đào tạo sau đại học thì là thế nhưng trên thực tế thì khi chúng tôi vào làm phóng sự, các cán bộ khoa sau đại học lại đưa cho chúng tôi một bản quyết định của Bộ giáo dục số 563/QĐ-BGDĐT ngày 1/2/2008 do Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long ký, trong đó phần tên quyết định ghi “Quyết định về việc giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ chuyên ngành tài chính và ngân hàng cho Học viện Hành chính trực thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh”, điều 1 của quyết định ghi “Giao cho Học viện Hành chính thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo thạc sĩ chuyên ngành: Tài chính và ngân hàng, mã số: 60 34 20”. Ngay trong một bản quyết định rất quan trọng này cũng thể hiện sự yếu kém của người ban hành, phần tên quyết định thì giao đào tạo tiến sĩ, phần nội dung thì giao đào tạo thạc sĩ… ông Nguyễn Thiện Nhân, bà Trần Thị Hà có biết bộ đã ban hành một quyết định như thế này không ?

Ngay khi có được bản quyết định “ma” thì Nguyễn Trọng Điều và Lê Chi Mai nhanh chóng bắt tay vào cuộc. Chuyên ngành đào tạo sau đại học về tài chính ngân hàng hiện nay được coi là đắt khách nhất trong thời gian qua, chỉ có một số cơ sở đào tạo chuyên ngành nổi tiếng như Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân mới được phép mở, ngay như Học viện Ngân hàng cũng không được mở cao học mã số 60 34 20.

Ngày 11/4/2008 Học viện Hành chính đưa ra Thông báo tuyển sinh cao học chuyên ngành tài chính và ngân hàng năm 2008 số 187/TB-HVHC trong đó đưa ra 3 môn thi là Triết học, Quản lý Tài chính công và Ngoại ngữ. Trên thông báo ghi “mọi chi tiết xin liên hệ khoa sau đại học hoặc khoa quản lý tài chính công, Học viện Hành chính, 77 Nguyễn Chí Thanh, ….” Bên dưới có chữ ký nháy của Lê Chi Mai, người ký tên chính danh là PGS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, phó giám đốc Học viện, đóng dấu quốc huy.

Ngày 22/5/2008 Học viện lại tiếp tục đưa ra một thông báo tuyển sinh cao học chuyên ngành tài chính ngân hàng năm 2008, trong đó 3 môn thi là Toán kinh tế, Kinh tế chính trị và Ngoại ngữ. Thông báo này cũng không nói nên điều gì là thay cho thông báo số 187/TB-HVHC. Trên thông báo ghi “mọi chi tiết xin liên hệ khoa quản lý tài chính công, Học viện Hành chính, 77 Nguyễn Chí Thanh, …”. Phía dưới là chữ ký nháy của Lê Chi Mai, và người ký chính danh vẫn là Nguyễn Hữu Khiển, phó giám đốc Học viện, đóng dấu quốc huy.

Lê Chi Mai là ai mà lại ký nháy vào thông báo tuyển sinh sau đại học ? Như bài báo trước chúng ta đã sơ qua chân dung của Lê Chi Mai của Học viện Hành chính, một con người đầy thủ đoạn, tham lam tiền, tình và chức vụ đã không từ một thủ đoạn nào, một cơ hội nào để kiếm tiền, kiếm tình và kiếm chức. Một trưởng khoa chuyên ngành thì không thể nào lại được ký nháy vào công văn tuyển sinh sau đại học của học viện. Trong thông báo thứ nhất còn có sự tham gia của khoa sau đại học nhưng đến thông báo thứ hai thì chỉ còn duy nhất khoa quản lý tài chính công thực hiện công việc tuyển sinh cao học. Vai trò của khoa sau đại học đâu ?

Lại bàn về khoa sau đại học, nơi Đào Ái Thi đang giữ chức trưởng khoa. Vốn chỉ là một người đàn bà thông thường với những đam mê hưởng thụ, Đào Ái Thi năm nay khoảng 50 tuổi nhưng với gương mặt được đi thẩm mỹ viện nhiều lần thì trông có vẻ trẻ trung và lả lướt hơn rất nhiều. Đào Ái Thi được người tình là Nguyễn Trọng Điều đưa lên chiếc ghế cai quản khoa sau đại học, nơi có nhiều bổng lộc nhất học viện mà bản thân tự xét thấy không hề có một chút năng lực nào thì hiển nhiên Đào Ái Thi phải nghe theo mọi sự sắp xếp của vị giám đốc yêu dấu mặc dù trong lòng vô cùng ghen tức vì bị chia xẻ tình và tiền.

Nguyễn Trọng Điều chia một miếng bánh từ đào tạo sau đại học với người tình thấp bé nhẹ cân, nhỏ thó của mình là Lê Chi Mai, bắt Đào Ái Thi phải yên lặng phục tùng mà không hề được có ý kiến. Thế là Lê Chi Mai tiến hành bán hồ sơ tuyển sinh, thu hồ sơ, mở lớp học chuyển đổi, lớp ôn thi, tổ chức thi,.... Năm 2008 Lê Chi Mai đã thu được một số tiền khổng lồ từ việc bao sân thi cao học chuyên ngành tài chính ngân hàng. Vụ việc thi cử đầu vào trót lọt thạc sĩ chuyên ngành tài chính ngân hàng tháng 9 năm 2008 Bộ giáo dục có biết không ? Tại sao Lê Chi Mai lại có thể thao túng như thế ? Một khoa chưa hề có môn học nào là tài chính công, quản lý tài chính công, tài chính, ngân hàng,... chưa hề có chuyên ngành riêng thì làm sao đào tạo cao học tài chính ngân hàng ? Hiện nay khoa quản lý tài chính công đang tiếp tục chào mời các ứng cử viên tham gia đợt tuyển năm 2009 mà như bài báo trước, chúng tôi đã đến tận phòng làm việc của Lê Chi Mai và được bà này mời chào vào việc mua bằng thạc sĩ chuyên ngành tài chính ngân hàng của bà.

Cho đến nay khoa này chỉ được giảng một môn học duy nhất cho hệ đào tạo cử nhân là “Quản lý nhà nước về tài chính”. Từ khi thành lập đến nay khoa này không hề có giáo trình mới, chưa có công trình khoa học, đề tài nào về tài chính ngân hàng. Nguyên tắc mà bà Trần Thị Hà, vụ trưởng vụ đào tạo sau đại học đưa ra có được áp dụng với học viện hành chính hay không ? Các cơ quan chức năng đã xem xét tính pháp lý của quyết định mà ông Bành Tiến Long ký hay không ? Nếu đó là chữ ký chính xác của ông Bành Tiến Long thì vị thứ trưởng thường trực này khi ký có đọc hay không, trách nhiệm của ông Long, của Bộ giáo dục trong vấn đề này thế nào ?

Đối với các khoá nghiên cứu sinh mà học viện tuyển trong những năm qua cho thấy thực sự báo động, đã có những nghiên cứu sinh bảo vệ đề tài nhưng hầu như là cắt dán hoàn toàn của những người khác. Các giáo sư của học viện đang trăn trở vì những sản phẩm sau đại học của mình.

Phóng viên: Chính Nghĩa – Thanh Liêm

* Mạng Ý Kiến đặt tựa bài
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn