Chỉ mong Bộ trưởng trước sau giữ lời
Rất nhiều người trong mailing list đọc bài xã luận trong mục “Chào buổi sáng” trên báo Thanh Niên hôm nay (thứ hai 9/4/2012) tiêu đề “Không chuẩn, cần phải chỉnh” liên quan đến Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ có ý trách tôi vì sao không giữ nguyên nội dung bài viết như bản gốc có phải hay, sâu sắc hơn nhiều. Thật ra, nếu ai đi sâu vào nghề làm báo ở nước ta mới thấy cần cảm thông, chia sẻ vì các tòa soạn chịu rất nhiều áp lực từ các cơ quan quản lý báo chí đến đòi hỏi và kỳ vọng của công chúng.
Ở nước ta, các nhà báo khi viết phân tích bất cứ lĩnh vực nào liên quan đến chính trị, kinh tế xã hội và môi trường, gặp các trường hợp “nhạy cảm” nếu muốn thể hiện chính kiến và tôn trọng sự thật là “đụng chạm” với biết bao phiền toái cả hữu hình lẫn vô hình mà nguyên nhân chỉ vì bản chất chế độ chính trị đã tạo dựng nên tình hình như hiện nay.
Khi viết nhận xét về bất kỳ cá nhân nào nhất là liên quan đến chính khách phải thận trọng vì ngay cả khi khen cũng có khi làm hại họ trong xã hội còn nhiều nhiễu nhương. Một chính phủ mạnh, trước hết phải có các bộ trưởng giỏi (tư chất thông minh, được đào tạo bài bản, có thời gian tích lũy qua công tác nghiên cứu, am hiểu sâu sắc thực tế, bản lãnh, có trách nhiệm trước dân).
Hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ này, có hai thành viên khá “ồn ào” gây tiếng vang trên công luận về những tuyên bố mạnh mẽ của mình tạo ra sức hút kỳ vọng vào thế hệ lãnh đạo mới, đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng.
Khi mới nhậm chức, ông Vương Đình Huệ đã làm thiên hạ sôi lên bởi những tuyên bố hùng hồn rất đuợc lòng người và ai nấy đều khấp khởi mừng, tràn đầy hy vọng ở người giữ túi tiền của quốc gia. Ông nói với đám người mà ông cho rằng làm ăn bất minh, đại ý: “Tôi đã từng làm Tổng Kiểm toán, tôi biết tỏng mọi chuyện”. Ông nói thẳng với mấy anh doanh nghiệp ngành xăng dầu khi dọa bỏ cuộc: “Nhà nước không dọa ai, nhưng đừng có ai dọa nhà nước”! Toàn những lời nói đáng được gọi là danh ngôn. Lúc ấy, có nhiều người sung sướng được chứng kiến ông Huệ diễn kịch “đấu súng” với cả Bộ Công thương, đã phát biểu nhận xét về ông Huệ: “Thế mới xứng là công bộc của dân chứ! Thế mới là người vừa có tâm vừa có tài”. Trên diễn đàn Quốc hội, ông phát biểu và trả lời chất vấn thật đĩnh đạc tự tin chứ không như ông Đinh La Thăng cứ rào trước, đón sau sốt cả ruột.
Đừng quên ông Vương Đình Huệ còn là Tiến sĩ kinh tế tài chính nữa đấy! Khuôn mặt hồng hào, tươi tắn, ngôn từ mạnh mẽ, khúc chiết, với những ý tứ gây ấn tượng của một ông quan thượng thư thời hiện đại được dân chúng ngưỡng mộ và kỳ vọng. Và cũng chính ông đã làm cánh truyền thông, có người ứa nước mắt, xúc động khi ông nói tại một cuộc họp báo rằng: “Hàng ngày, tôi luôn chú ý cập nhật thông tin qua đài báo. Chính nhờ các cơ quan truyền thông mà tôi giải quyết tốt công việc của mình”. Người ta, còn nhớ khi còn làm Tổng Kiểm toán, ông Huệ rất khéo léo dùng đài báo để đề cao cơ quan Tổng Kiểm toán của mình. Vậy mà mới đây ngày 5/4 cũng chính ông Huệ làm cánh truyền thông chưng hửng khi ông phàn nàn tại hội nghị của Bộ Tài chính triển khai học Nghị quyết 4 của Trung ương đại ý “Tại sao báo chí hay xía vô chuyện của người khác, lĩnh vực khác”! Mời nhà báo đến để đưa tin về triển khai Nghị quyết 4 của Đảng, mà lại có ý nói là báo chí đừng viết nhiều về chính trị, thế thì cái “chính trị” trong nhận thức của ông Huệ là gì? Nói theo ngôn ngữ quản lý kinh tế thì ông khuyên giới truyền thông không nên “kinh doanh ngoài luồng”! Nếu xét đến một số quyết định hoặc ủng hộ gây tranh cãi của ông về việc tăng giá, tăng thuế và tăng các khoản thu do ngành ông và ngành khác đề xuất thì có vẻ như sau gần một năm hăng hái, ông Huệ đã “trở cờ”! Còn nói theo ngôn ngữ của dân gian là “chập cheng”, ê chề thất vọng!
Phát biểu của ông Huệ nhầm lẫn giữa tôn chỉ mục đích của tòa soạn và sứ mệnh cao cả của người làm báo là luôn tôn trọng sự thật, nhầm lẫn giữa báo chí và tạp chí khoa học chuyên ngành vì chỉ có tạp chí khoa học chuyên ngành mới có phạm vi về đề tài nghiên cứu. Các báo chí đuợc phép xuất bản dù ở bất cứ quốc gia nào đều có thể bàn về chính trị xã hội hay thường được gọi là viết xã luận.
Phát biểu của ông Huệ dẫn đến suy nghĩ của người dân là ở nước ta nghiên cứu và viết báo phải theo định hướng của Nhà nước. Nếu tất cả đều lo và nói đến chuyên môn của mình thì đương nhiên những việc chính trị, dân chủ, kinh tế vĩ mô sẽ là việc của Chính phủ và nhân dân sẽ không có thông tin và từ đó không có ý kiến gì, để cho họ muốn làm gì thì làm!!! Đó có phải là mục đích tối cao của Chính phủ hiện nay?
Cán bộ ta vẫn có cái bệnh thích khoa trương, thể hiện mình là đa năng, đa tài, lại bao sân, lấn chỗ, ôm đồm và nhất là thường sa đà, mất thời gian vào những chuyện sự vụ. Họ thường không chăm đắp cho chức danh, chức trách, ít lo chăm đắp cho những việc thuộc chức danh, chức trách, nhiều khi “tầm phơ, tầm phào” giết thời gian. Họ làm việc ít tính toán và tùy tiện, đến mức “buông những cái cần phải nắm, nhưng lại đi nắm quá chặt những cái cần phải buông". Cái đó cũng thể hiện trình độ, kiến thức, kinh nghiêm và nhất là tinh thần trách nhiệm.
Hãy nhìn lại vai trò và hiệu quả hoạt động của Bộ Tài chính: Sự duyệt cấp, duyệt chi, giải ngân tùy tiện cho Tập đoàn này, Tổng công ty nọ, các công trình xây dựng là do ai, nếu không phải chức năng xem xét phê duyệt, quản lý, kiểm tra, giám sát có cả trách nhiệm của Bộ Tài chính. Oai quyền của Bộ Tài chính còn thể hiện “sức mạnh” ở cả các thuộc cấp của ông Bộ trưởng đối với các ngành khác. Năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc họp bàn về các giải pháp triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước. Tham dự có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và một số nhà khoa học, chuyên gia các đầu ngành. Tại cuộc họp, ông Phó Vụ trưởng của Bộ Tài chính cãi tay đôi với một vị Thứ trưởng chủ trì cuộc họp của Bộ Khoa học và Công nghệ và còn dọa buổi chiều sẽ bỏ về không họp, và không quên còn đe nẹt sẽ mách với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân!? Chỉ vì thấy “chướng tai, gai mắt”, một số nhà khoa học phải lên tiếng, thì vị Phó Vụ trưởng có quyền hành về “kim tiền” kia mới dịu giọng, giải hòa.
Thử nhìn rộng ra, ngân khố quốc gia bị rỗng vì những chuyện không đâu, kể cả rơi vào các ổ tham nhũng, trước hết trách nhiệm phải là của Bộ chủ quản Tài chính trong việc quản lý, sử dụng, cân đối nguồn ngân sách. Và ai phải lo việc kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng? Ai chịu trách nhiệm việc cho ra đời hàng loạt công ty tài chính, hợp tác xã tín dụng, nhưng xem nhẹ hoặc bỏ qua thẩm định, kiểm chứng vốn? Dù toàn bộ báo chí cùng cất bản đồng ca "Tiền ơi hãy về lại với ta”, thì có lẽ cũng chỉ là vô vọng trước những thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Để rõ ràng, minh bạch, người dân cần ông Huệ trả lời các câu hỏi cụ thể: (1) Có luật hay điều luật nào nói báo chỉ được nói rặt chuyện chuyên ngành mình thôi? (2) Có chuyện liên ngành nào không phải là chuyện của quốc gia? (3) Báo chí chỉ được viết chuyên ngành nếu dân muốn có thông tin đủ các ngành khác thì phải mua hết toàn bộ các thứ báo hay sao? (4) Đề nghị giải thích rõ việc Bộ trưởng đang chịu trách nhiệm trước dân hiện nay: Đó là lạm phát đang giảm hay kinh tế đang trong tình trạng thiểu phát (stag-flation)?
Đã có nhiều bài viết về Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng. Hai vị Bộ trưởng Tài chính và Giao thông làm ơn đừng “chập cheng” cho dân đỡ lo, đỡ khổ.
Vậy, có mấy vần:
Ông Vương Đình Huệ nhà ta
Bỗng đem chính trị tách ra khỏi đời
Nghị quyết chắc ở trên trời
Còn như kinh tế phải bơi thương trường
Chợ chiều ngoi ngóp đồng lương
Nợ công thì vẫn tìm đường tháo lui
Đồng tiền đủ ngách để chui
Giá xăng, giá điện hết hơi dân nghèo
Quỹ công tiêu cứ vèo vèo
Đầu tư nghìn tỉ bay theo hợp đồng
Dân tình hết đợi lại trông
Hỏi ông Tài chính dốc lòng vì ai?
Tự nhiên dính chuyện báo-đài
Đem treo nghị quyết ra ngoài nhân gian
Sao mà bỗng chốc sinh gàn
Những gì hăng hái mở màn còn đâu?
Chập cheng, cheng chập đôi câu
Chỉ mong Bộ trưởng trước sau giữ lời.
Tô Văn Trường
Theo BVN
Gửi ý kiến của bạn