BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76180)
(Xem: 62953)
(Xem: 40364)
(Xem: 31960)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tổng Bí thư VN giảng CNXH ở Cuba

10 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 1217)
Tổng Bí thư VN giảng CNXH ở Cuba
52Vote
41Vote
30Vote
20Vote
11Vote
3.84
Trong khuôn khổ chuyến thăm Cuba, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 9/4 đã có bài thuyết giảng về mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam tại Trường đảng cao cấp Nico Lopez – nơi đào tạo cán bộ chủ chốt của Trung ương Đảng cộng sản Cuba.



Với chủ đề ‘Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội nhìn từ thực tiễn Việt Nam’, ông Trọng đã giảng giải bốn vấn đề: chủ nghĩa xã hội là gì; làm thế nào để đi lên chủ nghĩa xã hội; con đường chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; những vấn đề nảy sinh trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

 ‘Sức sống mạnh mẽ’

Dẫn văn kiện Đại hội Đảng hồi năm ngoái, ông Trọng khẳng định với những người đồng chí Cuba của ông là rằng đi lên chủ nghĩa xã hội là ‘khát vọng của nhân dân (Việt Nam)’, là ‘lựa chọn đúng đắn của Đảng’ và ‘phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử’.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, ông Trọng cho biết là đảng của ông đang ‘từng bước’ nhận thức ‘ngày càng đúng đắn hơn’ về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ông Trọng cũng đưa ra những dẫn chứng từ Việt Nam và thế giới để chứng tỏ sức sống của chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay.

“Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế,” ông nói với các cán bộ, giáo sư và học viên của trường.

“Đó là sự ưu việt, là sức sống thực tiễn của chủ nghĩa xã hội!,” ông khẳng định.

Trên bình diện quốc tế, ông Trọng đưa ra các dẫn chứng Việt Nam ‘vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội’, Cuba ‘vẫn hiên ngang đứng vững’, ‘bước tiến cách mạng’ ở Venezuela, Bolivia và Eucador, ‘sự lớn mạnh’ của phong trào cánh tả Mỹ Latin, các nước xã hội chủ nghĩa khác ở châu Á ‘vẫn tiếp tục con đường tiến lên phía trước’ như là những ‘bằng chứng đầy khích lệ về sức sống của chủ nghĩa xã hội’.

Ông cũng đề cập đến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay tại các nước tư bản để khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội là ‘lựa chọn duy nhất đúng’ để vượt qua những bế tắc hiện nay mà các đảng cánh tả và ‘phong trào nhân dân tiến bộ các nước’ đang xác định ‘ngày càng rõ ràng’.

Ông Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh những cải cách kinh tế trong Đại hội vừa qua của Đảng cộng sản Cuba và bày tỏ mong muốn Việt Nam và Cuba ‘tiếp tục sát cánh bên nhau’ trên con đường chủ nghĩa xã hội.

‘Lừa dối dư luận’



Ông Nguyễn Khắc Toàn, một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, đã bác bỏ hoàn toàn các luận điểm này của ông Trọng.

Ông Toàn đưa các dẫn chứng về dân oan mất đất, phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, lạm phát, thất nghiệp tăng cao, an sinh xã hội bị tác động nặng nề, tình trạng tham nhũng hối lộ hoành hành để phản bác ‘thành tích’ về mặt xã hội của Việt Nam mà ông Trọng đã ca ngợi.

“Tình trạng bất công ở Việt Nam lan tràn khủng khiếp,” ông nói, “Hàng năm có hàng nghìn các cuộc xuống đường ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn.”

Về ‘sức sống’ của chủ nghĩa xã hội, ông Toàn cho biết cả năm nước xã hội chủ nghĩa còn sót lại trên thế giới là Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba và Lào đang ‘chịu những thách thức ghê gớm’ và ‘đang lung lay dữ dội’.

“Không có chủ nghĩa xã hội nào là có sức hấp dẫn đối với quần chúng cả,” ông nói.

Đối với trường hợp Venezuela mà ông Trọng đã nêu dẫn chứng như là sự hồi sinh của chủ nghĩa xã hội, ông Toàn đánh giá Tổng thống Hugo Chavez của nước này là ‘mị dân’ và là ‘kẻ đơn độc lẻ loi trơ trẽn ở Tây bán cầu cổ súy cho sự độc tài toàn trị.’

“Những nước tư bản và những nước có nền kinh tế thị trường luôn luôn phát triển và có những cuộc khủng hoảng nhất thời,” ông nói.

Tuy nhiên, nhờ vào ‘cơ chế dân chủ’ mà những nước này luôn tìm ra cách giải quyết khủng hoảng, ông Toàn lập luận.

Về ‘con đường đi lên chủ nghĩa xã hội’ của Việt Nam và Cuba, ông Toàn cho biết là ‘không có chủ nghĩa xã hội nào ở đây cả’ và hai quốc gia này là ‘độc tài toàn trị mang danh chủ nghĩa xã hội’.

Ông giải thích với việc cả Trung Quốc và Việt Nam đều ‘du nhập những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường để cứu cánh cho nền kinh tế của họ đang suy tàn mà thôi’.

“Trung Quốc và Việt Nam đều phản bội chủ nghĩa xã hội,” ông khẳng định.

Ông lập luận rằng chủ nghĩa xã hội đích thực thì ‘phải có đấu tranh giai cấp, kinh tế kế hoạch và chống lại kinh tế thị trường’ trong khi hai nước này đang tích cực hội nhập vào kinh tế thế giới và mong muốn được thế giới công nhận là ‘kinh tế thị trường’.

“Ông ấy (Nguyễn Phú Trọng) chỉ tự nói dối bản thân mình, lừa dối dư luận, lừa dối nhân dân Cuba và nhân dân Việt Nam,” ông nói.

Ông Toàn cũng nhận định chuyến thăm Cuba lần này của ông Trọng là để lãnh đạo cộng sản hai nước ‘lên dây cót tinh thần cho nhau’ trong bối cảnh ‘hàng loạt đất nước độc tài ở Bắc Phi đã bị nhân dân bùng lên đánh đổ làm họ hoang mang lo sợ cho số phận của mình’.

Ông cho rằng ông Trọng sẽ ‘truyền kinh nghiệm’ của Việt Nam cho Cuba mà ông đánh giá là ‘tình hình hiện nay đang thảm hại về mọi mặt’ để nước này ‘kéo dài thêm sự sống’ và sẽ khuyên Cuba ‘có những bước đi mạnh bạo hơn nữa như Việt Nam về mặt kinh tế’.

“Họ (Đảng cộng sản Việt Nam) thấy rằng những cải cách của Cuba trong những năm gần đây theo lời khuyên của họ và của Trung Quốc chưa đủ mạnh để cứu cánh cho nền kinh tế của quốc gia này đang trên đà sụp đổ,” ông nói.

“Về chính trị chắc chắn họ sẽ kiên quyết cùng nhau chống lại khát vọng và đòi hỏi tự do dân chủ ở mỗi nước,” ông Toàn nhận xét.

“Sự cấu kết của hai nhà cầm quyền (Việt Nam và Cuba) là rất mạnh mẽ,” ông nói và dẫn chứng là mỗi nhiệm kỳ của các tổng bí thư Việt Nam đều đi thăm Cuba.

10-04-2012

Theo BBC
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn