BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73230)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đêm Bay Qua Biển

09 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 1389)
Đêm Bay Qua Biển
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Lại đi! Chuyến này Đoàn Chính Thuận và tôi khăn gói đi Singapore. Chỉ có hai thằng. Vì lý do nào đó hai người chính của công việc này “trốn” lại. Tôi mới về Mỹ hơn một tuần, chưa lấy lại sức thì xếp hỏi đi nữa được không? Đi thì đi chứ ngán ai. Thế là giã nhà theo áo cơm vòng Á Châu.

Phi cơ đến phi trường Narita ở Tokyo vào buổi chiều. Ngồi đợi ở phi cảng để chuyển máy bay. Đoàn Chính Thuận rũ tôi ra ngoài hút thuốc. Ngoài nhưng mà bên trong phi cảng. Cái phòng nhỏ, khói bay mù. Vào phòng rửa mặt nghe ai nói tiếng Việt. Không phải một mà nhiều người. Trên ngực họ có gắng một bảng nhỏ, đề chữ ODP. Thì ra người mình. Họ đi từ Sài Gòn. Tôi khoái hai chữ này hơn. Gọi tên mới nghe sao sắt máu quá. Mười mấy năm trước, khi tụi tôi chân dép, áo thun xuống phi trường ở đảo Guam từ phi cơ C130 của quân đội Hoa Kỳ chắc cũng ngơ ngác, hốc hác vậy thôi. Hai thằng tôi ngồi nhìn lén họ. Thấy thương.

Trên bản đồ bay trong một tạp chí của hãng NorthWest, đường từ Tokyo đến Singapore phi cơ bay xéo xéo qua vùng biển bên ngoài hải phận Việt Nam. Tôi phỏng đoán mình đang ở đâu đó gần quê hương, bên ngoài này trên Thái Bình Dương. Trong đó là những bãi bờ của một nơi đã bỏ đi gần mười sáu năm chưa trở lại. Tôi đang nhìn quê hương bằng đầu mình. Phi cơ bay về hướng nam. Như vậy biển quê hương đang ở bên phải tôi. Trăng sáng nhiệt đới đêm nay sao vàng vọt. Mệt nhưng tôi không muốn ngủ. Tôi căng mắt nhìn xuống mà lòng dâng một mối thương hoài. Ở một thành phố nào mẹ và các em tôi đang làm gì. Say ngủ? Tôi hỏi. Tôi trả lời. Tôi cựa quậy trên ghế ngồi. Tôi chân co ro, hai tay nắm nhẹ trên đầu gối như một con thú nhớ rừng. Ở nhà, không ai biết tôi đang ở trên trời mà mắt ngó đăm đăm theo đêm.

Trăng ơi! Trăng ơi! Lâu lắm rồi tôi chưa trở lại.

 ***


Bộ đồ hành quân chưa được thay từ đêm đơn vị rời Sài Gòn theo lệnh hành quân. Dân đứng nhìn theo đoàn quân xa ở ngã tư Bảy Hiền vàng điện. Đi thì đi! Ai cũng quen rồi nhưng có chút gì buồn từ những bàn tay vẫy dọc theo con phố. Toàn bộ Lữ Đoàn vào vùng. Nghe nói Long Khánh. Đây là cú bốc quân lớn nhất bằng trực thăng sau những ngày Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972. Hành quân gần nên chị bảo nếu nằm ven đô thì ghé nhà ba má chị chơi. Nhớ nghe. Địa chỉ này. Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận, Gia Định.

Anh cũng là người cùng đơn vị, làm kế toán trưởng đại đội tôi. Mới quen thôi nhưng anh chịu chơi hết mình. Lương chưa lảnh kịp. Anh cho mượn tiền tiêu. Về hậu cứ không gia đình, không cơm ăn vì “con bà phước”. Ra nhà anh ăn đỡ. Chị nấu. Mai mốt lảnh lương trả sau. Sài Gòn lộn xộn, cô nhỏ lớp mười được nghỉ học, về đỡ chị một tay trông cháu. Hỏi ra mới biết là em gái chị khi thấy tụi trong đơn vị cứ tìm cớ ra nhà chơi. Có lần ăn trưa xong, tôi hỏi chị mượn cái sàn nhà nằm ngủ đợi chiều vào hậu cứ. Thức dậy có người cho thau nước rửa mặt, cây trái thổ sản miền Nam để ăn. Tác giả là ai ngoài nó, tóc ngắn, môi cong cong! Tôi quen được con bé nên hành quân lại nhớ.

Trung đội chia xong lương khô và đạn dược. Tôi tìm mảnh giấy định viết cho nó vài hàng. Nghĩ sao đó tôi đi về phía nhà chị, cách hậu cứ đại đội không xa. Lại gặp con bé đang vội vã đi vào! Chẳng biết nói gì nữa. Nó dúi vào tay tôi vài thứ đồ chua con gái hay ăn vặt. Cả hai, đứa nào cũng… cà lăm!.

Sư đoàn Bộ Binh bạn bị áp lực mạnh của Bắc quân từ hơn tuần qua. Địch muốn dứt điểm Xuân Lộc. Áo giáp đã được phát rồi cho mọi người trong trang bị hành quân. Lại có lệnh thâu hồi để mang thêm súng chống tăng M72. Mỗi thằng mang hai cây, thêm súng cá nhân M16, cấp số đạn, lựu đạn, mìn bẫy, bốn ngày lương khô cộng áo quần, poncho và võng ngủ. Cái ba lô thành to tổ chảng. Gia tài của lính giờ nằm trên lưng, nặng chình chịch, theo chân đi đo đường dài khốn khó quê hương.

Chiến trường kỳ này coi bộ nặng ký. Thằng cháu họ bên đại đội 1 Trinh Sát Dù đã bảo tôi cẩn thận. Cháu lớn tuổi hơn chú, tình nguyện hô “Nhảy Dù Cố Gắng” trước nên kinh nghiệm rồi. Cũng gật đầu cho nó yên tâm. Mày chung Lữ Đoàn rồi cũng vào vùng giống tao thôi. Giờ chỉ còn hai đứa bên họ nội. Ráng mà giữ mình. Tôi cảm được những gì người thân đã cảm thấy khi ở lại nơi bình yên. Có con đi lính tác chiến là sinh ra vất ngoài chợ. Cũng như những lần mẹ tôi lo ra mặt, dầu cố giấu nước mắt nhưng tôi biết mẹ khóc.

Mẹ đã có những chiều xa
Nhớ con nón đỏ đồ hoa: Xong rồi!

Ngày về từ miền Trung, C130 đáp xuống âm thầm. Bánh vừa đụng phi đạo, đèn bật sáng. Người cơ phi nói vì lý do an ninh. Sài Gòn đang nằm trong tầm pháo kích. Như vậy chiến trận đổi chiều rồi. Bỏ Đà Nẵng đúng nửa ngày biết bao giờ gặp lại.

Đại đội tôi dân miền Trung hơi nhiều. Thằng nào cũng có gia đình ngoài đó. Tôi dính “nguyên con” từ mẹ với đám em nên những ngày ứng chiến ở sân tiểu đoàn là những ngày dài, mắt cứ ngó phi cơ hướng phi trường Tân Sơn Nhất mong chút phép mầu nào đó. Cuối cùng chẳng có ai cật ruột ở Sài Gòn. Tôi lấy bạn bè thân làm anh em, tôi nghe tiếng “má má con con” của bà mẹ miền Nam ngày đánh Phước Tuy để lòng vui chút.

Đại đội nằm dọc quốc lộ 15 để giữ pháo binh. Đến đêm cối tụi nó rơi lẻ tẻ thì được lệnh “móc vào”. Ba lô súng đạn lên vai vào vùng đi “tấp”. Lại tiếng lóng nữa. Đi tấp hay đi táp bi. Đi đánh nhau. Đi dứt chốt.

Tôi mặc lại bộ đồ hành chưa kịp giặt. Cũng hai tuần rồi từ rời Sài Gòn nhảy trực thăng vào Xuân Lộc, di tản qua Bình Giả, về đánh ở Phước Tuy, qua sông dính đầy bùn đất. Cuối cùng bộ đồ ngụy trang thấm mấy lớp mồ hôi đó theo tôi đến Phi Luật Tân. Cổ lủng lẳng cặp thẻ bài, bao mìn Claymore đựng gạo sấy dằn đường và ve dầu. Gia tài to tổ chảng của tôi và thằng bạn thân học cùng trường rồi ở cùng đơn vị. Đ.m. tụi tôi đi Mỹ!

Xuống tàu ở Phi người ta kiểm soát và giữ lại nhiều thứ. Viên đại úy Mỹ nhìn ve dầu. Mở ra. Ngữi. Y nhăn mặt. Cái mũi hít hít khó chịu. Thấy sơ Xuân Dung đứng cạnh y để giúp thông dịch tôi cầu cứu. Tôi bảo đó là dầu. Dầu gió. Dầu Nhị Thiên Đường. Sơ nói lại nhưng y lắc đầu. Vậy là món quà của mẹ tôi cho, mẹ nhét vào túi ngày thằng con rời nhà ra đơn vị, mẹ bảo mang đi mà dùng dọc đường, bị giữ lại. Tôi chạy chỉ còn vỏn vẹn chút này nên không muốn mất nữa! Thôi chịu. Giờ sơ Xuân Dung không biết đang ở đâu?

Cũng may tôi còn địa chỉ của thằng bạn bên Úc trong cái ví ướt nhẹp. Nó du học từ năm ngoái. Quay sang hỏi Trung Hậu tao mày qua đó không? Để coi. Thằng nào cũng như chết rồi khi nhìn tụi Phi và Mỹ bắt anh em đổi quân phục để lấy áo thun và quần dân sự. Tôi lục trong túi áo lính, cái thẻ học sinh lượm được từ đồn điền Huỳnh Văn Sự ở Xuân Lộc rớt ra. Con gái ông chủ học trường Gia Kiệm, Long Khánh. Ngày trung đội băng quốc lộ vào lục soát khu đồn điền, đồ đạt trong nhà ai xới tung vất đầy sàn. Một thằng thấy cái áo dài trắng. “Tao lấy về cho em gái tao.” Tôi nhìn quanh, thấy cái thẻ học sinh lớp 10, ghi tên Huỳnh Th. Thu, nghịch nghịch nên bỏ túi. Định hành quân xong, về Sài Gòn sẽ gởi trả. Nào ngờ tôi mang theo tận xứ người.

Trong ví tôi còn có cái bùa. Cũng của mẹ bắt mang theo. Không biết mẹ tôi xin ở chùa nào nhưng tờ giấy quyến, gấp nhỏ đã nhoè màu mực son theo mồ hôi đổ. Tờ giấy lớn hơn trang giấy học trò mẹ trịnh trọng đưa. Mẹ xin của thầy. Con giữ. Đừng có hỏi!

Tôi mang bùa đi từ Túy Loan, miền Trung, mang xuống miền Nam, mang luôn qua Mỹ. Những ngày xứ người, nhớ nhà tôi dỡ ra coi. Đọc thấy trong tờ giấy vàng úa không còn chữ những tình thương vô vàn của mẹ.
Đến giờ tôi vẫn còn bùa trong ví. Tôi mang nó hoài, đi đó đi đây, theo những chuyến giang hồ, theo từng mùa cơm áo. Những chuyến đi không có bè bạn thời hôm qua, không ba lô súng đạn, không tiếng cằn nhằn chửi thề. Không: “Đ.m. lại vào vùng. Đ.m. lại đi tấp!”

Bây giờ đời thương và đãi ngộ, cho tôi cơ hội đi học lại, cho chút danh phận nhưng tôi vẫn là thằng có số quân, mất số nhà và lạc hậu cứ. Tôi thương và nhớ bè bạn cũ dầu bỏ nước mà đi đã lâu.

Đoàn Chính Thuận bảo tôi thằng Tinh chơi không khá. Nó chơi trò “ma muội chính trị” thường thấy trong những hãng lớn. Tôi cười cười: “Thằng này là dân trốn lính vì nhà nó giàu. Nó đâu biết thế nào là ‘hạt muối hạt đường đều chia làm đôi’ hay hợp đồng tác chiến!”

“Như vậy mày làm sao?”

Tôi ngần ngừ:

“Để lo xong việc này cho tụi ở Singapore đã. Tao biết bị ‘bán cái’ vì thằng Tinh làm chưa xong. Cái máy tao mày sẽ đụng tay vào chỉ là máy mẫu. Thế đó ‘từ bị thương tới chết’ vì design như sh…t! “

Đoàn Chính Thuận nực lên:

“Nó chơi tao ngồi chơi xơi nước mấy tháng. Giờ đi Singapore lãnh ‘búa’ với cái máy này. Thằng điếm chảy! Nếu mình làm được nó sẽ hưởng kết quả căn cứ trên giấy tờ. Mẹ nó! Thế nào cũng thua cả.”

“Nó là đồng bào mình có máu cá nhân ích kỷ của đám Mỹ. Nói làm quái gì mày.”

Hai thằng đang gần quê hương. Vé phi cơ chỉ 99 đô la Mỹ tới ngay Sài Gòn nhưng tụi tôi không về. Không thằng nào chịu được khi nhìn lá cờ đỏ sắt máu trên chiếc tàu buôn Việt Nam bỏ neo ở hải cảng Singapore.

Đoàn Chính Thuận rũ tôi ra Red Lantern uống bia và chọc tụi gái Thái Lan. Ban nhạc Phi la hét om xòm trên sân khấu lộ thiên. Hai con nhỏ Thái ngồi chung bàn không biết nói tiếng Anh. Hy vọng tụi nó đọc được. Cách liên lạc hiệu quả nhất là cuốn tập và cây viết.

Đoàn Chính Thuận bắt đầu với:

“One night.”

Rồi thêm số 150.

Con Thái Lan sạch nước cản nhất ghi xuống giấy:

“150 U.S”

Hai đứa tôi hiểu nó đòi 150 đô la cho một đêm. Đoàn Chính Thuận đá chân tôi.

“No. Too much!”

Số bắt đầu xuống thấp cho đến khi bạn tôi cười bảo nó đùa. Con Thái Lan “fuck you” ngon lành rồi đứng dậy ra lại dãy ghế trước phòng vệ sinh nam giới. Hai con nhạn là đà của đêm lại cất cánh bay về chờ sương.

“Mệt chưa mày? Đi về.”

Đoàn Chính Thuận lắc đầu:

“Ừ đi.”

Hai đứa tôi nhắm hướng đèn của Oriental Hotel. Chân đã bắt đầu lạng quạng nhưng chẳng thằng nào nói mình say.

“Đừng đi sát bờ cửa cảng. Rớt xuống một cái dám đi luôn nghen mày.”

Tôi cười nhắc chừng Thuận. Đoàn Chính Thuận lè nhè:

“Tao sẽ chơi lại cho nó biết. Đời kỹ sư như tình kỹ nữ!”

“Thôi mày nói quá. Đâu phải thằng nào cũng gian như thế. Để cho nó hơn đi. Muốn lên! Cho lên luôn.”

Tôi bắt đầu mệt mỏi với những trò dị hợm của Tinh từ khi nhận việc. Đoàn Chính Thuận chắc rõ hơn vì nó là dân kỳ cựu. Nó đã từng là nạn nhân cuả chút hư danh kẻ khác đang tìm.

Tôi chợt quí thêm những thằng trong trung đội tôi thuở trước. Có thằng thích Lệ Thủy, có thằng mê Thanh Nga hay khoái bà Năm Sa Đéc như tôi. Tâm hồn dân tác chiến đơn giản, mộc mạc. Tức lên tụi nó chửi thề nhưng không độc, không “đâm sau lưng chiến sĩ”.

Đêm ơi! Đêm ơi! Mai ngày có vui…

An Phú Vang [n.n.a]

Theo http://nguyennaman.wordpress.com/2012/04/08/an-phu-vang-dem-bay-quadem-bay-qua-bi%e1%bb%83n/
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn