BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76288)
(Xem: 62990)
(Xem: 40397)
(Xem: 31993)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bà già hành quân đêm

04 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 2403)
Bà già hành quân đêm
52Vote
40Vote
32Vote
20Vote
10Vote
44
Đầu năm 1954, một Biệt Đội Quan Sát gồm năm máy bay bà già MS 500 thuộc 1er GAO (Group Aérien d’Observation et d’Accompagnement au Combat), gọi tắt là GAO, sau này đổi tên là Phi Đoàn Quan Sát, đóng ở Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt được biệt phái tới Căn Cứ Không Quân Đà Nẵng làm việc chung với các GAO của Pháp.

Tháng Tư năm ấy, Biệt Đội lại dời ra Huế, đóng quân ở sân bay Thành Nội. Đây là sân bay của Hoàng Cung khi xưa còn vua Bảo Đại. Đường bay dài khoảng 300 mét, ngang 15 mét, mặt nền bằng đất đỏ trộn lẩn với đá ba lát nện cứng. Cơ sở chỉ lèo tèo một nhà chứa phi cơ cở nhỏ với một dảy nhà ngang 6 phòng. Chúng tôi phải tự lập, tự túc về mọi mặt, chỉ trừ về phương diện hành quân, Biệt Đội được đặt duới quyền điều động trực tiếp của GATAC/CENTRE (Groupement Aérien Tactique du Centre), tức là Không Đoàn Chiến Thuật Trung Phần. Hồi đó Chỉ Huy Trưởng 1er GAO là (Đại Úy) Capitaine Cotet, Sĩ Quan Kỹ Thuật là (Đại Úy) Capitaine Ausimour. Chỉ Huy Trưởng GATAC/CENTRE là (Trung Tá) Lieutenant Colonel Cuffaut. Bộ Chỉ Huy của GATAC/CENTRE đóng tại mấy nhà lầu của Tòa Khâm Sứ Pháp củ ở đường từ cầu Trường Tiền lên An Cựu, sau này có một thời là Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Trung Nguyên Trung Phần. Riêng phi cơ cơ hữu của GATAC/CENTRE gồm vài chếc C-45 và Siebel nằm ở phi trường Phú Bài, cách Huế 15 cây số về phía Đông Nam.



Năm 1954 chiến tranh Việt Pháp sắp đến hồi kết thúc, nên các chiến trận diển ra rất sôi động và ác liệt, nhất là vào những ngày có những kỷ niệm đặc biệt như ngày ký Hiệp Ước Fontainbleau, ngày tuyên bố độc lập và quan trọng hơn cả là ngày sinh nhật giặc Hồ. Không biết ông Hồ Chí Minh có bao nhiêu tên và bao nhiêu ngày sinh tháng đẻ, nhưng Việt Minh (sau này mới gọi Cộng Sản) chọn ngày 19 tháng 5 là ngày sinh nhật chính thức, nên chúng thường tuyên truyền, đốc thúc và gia tăng hoạt động, nhứt là về mặt quân sự, Nên năm nào vào ngày này chúng ta cũng đặc biệt đề phòng. Chiều hôm đó, tôi, biệt đội trưởng và sĩ quan hành quân đến Bộ Chỉ Huy GATAC/CENTRE tham dự buổi thuyết trình về tình hình quân sự trong vùng trách nhiệm và các hoạt động không quân liên quan. Chúng tôi nhận lệnh phải sẳn sàng phi cơ và phi hành đoàn để có thể hành quân ban đêm.



Khi ra về tuy hai chúng tôi rất thắc mắc về chuyện bay đêm nhưng không mấy quan tâm vì nghĩ rằng máy bay bà già làm sao hành quân đêm được, vì chúng tôi không được huấn luyện nên chưa thi hành một phi vụ đêm nào, nên cho rằng lệnh túc trực chỉ là hình thức canh giữ lính trong trại mà thôi, nếu nghiêm trọng thì đã có lệnh cấm trại 100% rồi. Biệt đội chỉ có một xe Jeep dùng chung, nên tôi nhờ viên sĩ quan hành quân đưa tôi về nhà, rồi anh ta lái xe về đồn Mang Cá, để xe trực đêm tại đây rất tiện và an toàn vì là nơi tạm trú của các nhân viên phi hành, có điện thoại. Nếu có chuyển khẩn cấp, nhân viên phi hành sẽ báo lại và cho xe đón tôi. Nhà tôi cũng như đồn Mang Cá ở cách sân bay chỉ trên 1 cây số.

Tôi hôm đó tôi đang ngủ ngon, vào khoảng 11 giờ, nghe tiếng gỏ cửa, tôi thức dậy, ra ngoài gặp hai nhân viên phi hành đứng chờ sẳn tôi ở cửa; họ báo có lệnh khẩn cấp của GATAC/CENTRE bảo phải bay ngay bây giờ, và chính các nhân viên của cơ quan này cũng đang trên đường vào sân bay, nên tôi vội vã mặc áo quần, chưa kịp có lời từ giả gia đình, leo lên xe đi ngay. Nghe vậy tôi hốt hoảng không phải sợ trể giờ, nhưng vì những điều hồi chiều đi dự họp về tôi không mấy chú ý, nay trở thành sự thật và quan trọng vì bắt buộc phải bay đêm. Tôi hết sức lo lắng, tự hỏi, ai bay bây giờ đây? Là biệt đội trưởng, tôi có trách nhiệm cắt cử phi hành đoàn thi hành phi vụ đêm nay, nhưng tất cả anh em phi hành đoàn chưa ai bay hành quân đêm. Bay đêm chắc chắn là nguy hiểm hơn bay ngày. Nếu tôi có gánh lấy phần nguy hiểm cũng chỉ chịu nửa phần mà thôi với tư cách là một quan sát viên, còn hoa tiêu là ai? Đây là vấn đề nan giải; tuy các hoa tiêu ai cũng hăng hái, nhưng nếu có bề gì rủi ro tôi cũng hết sức ân hận.

Vào tới sân bay, chúng tôi gặp ngay vị Chỉ Huy Trưởng GATAC/CENTRE là Trung Tá Cuffaut, không biết ông ta tới từ hồi nào, có lẽ cũng không lâu. Chúng tôi kéo nhau vào bên trong nhà chứa phi cơ, Trung Tá Cuffaut trải bản đồ lên đuôi một phi cơ bà già trong lúc chúng tôi vây quanh nghe giảng giải về phi vụ sắp thi hành. Đây là phi vụ yểm trợ một đồn bạn đang bị địch vây đánh. Thuyết trình xong, Trung Tá tuyên bố, chỉ cần một phi cơ và một quan sát viên mà thôi, phần hoa tiêu do ông ta đảm nhận. Nghe vậy tôi hết sức vui mừng như vừa trút được gánh nặng đang đè lên vai tôi, vì chưa biết phải nên cắt cử hoa tiêu nào bay đêm nay.

Nay Trung Tá Cuffaut lái, chắc chắn là một hoa tiêu tài ba và dày kinh nghiệm, cứ xem cánh chim có râu và ngực áo của ông ta đầy huy chương thì đủ rỏ, nên tôi cảm thấy rất an tâm cùng bay với ông ta đêm nay. Ông ta cấp bực lớn, chức vụ cao đã làm gương, dành lấy nguy hiểm cho mình; tôi, tuy cấp bậc rất nhỏ chỉ có Trung Úy, không những phải noi gương, mà sự bay chung còn là một đáp lễ lịch sự nữa vì tôi là biệt đội trưởng.

Tôi bảo anh em đi dốt đèn cổ ngổng đem đặt dọc hai bên đường bay và nhờ vào kho lấy cho tôi hai khẩu súng carbin và hai túi nịt vải đựng một cấp số đạn, trong lúc tôi và Trung Tá sửa soạn bay. Tôi cũng không quên hỏi xem Trung Tá có cần thêm thứ gì nữa không. Ông đáp đã chuẩn bị sẳn cả rồi, sau khi bảo tài xế của ông mang lại cho tôi hai mươi quả lựu đạn khói chày, đựng trong một túi da vuông và đứng. Đây là một loại lựu đạn khói đặc biệt, dài khoảng 3 tấc, đầu lớn bằng nắm tay, nối với đuôi hình chong chóng bằng cái cán thon và nhỏ, giống như cái chày tay giả gạo, hai đầu to, cán tay cầm giữa nhỏ, bởi vậy nên mới có danh từ lựu đạn chày để phân biệt với những loại lựu đạn thông thường. Trước khi mang lên phi cơ, tôi đã kiểm soát lại và sắp xếp cẩn thận, đuôi nằm dưới, đầu lên trên, phòng khi phi cơ cất cánh bị dằn mạnh, chốt an toàn có thể bung ra, lựu đạn nổ tung làm mất mạng như chơi.

Sẵn sàng xong, nhìn đồng hồ, kim dạ quang chỉ quá nửa đêm, cảnh vật chung quanh yên lặng như tờ, trong lúc chúng tôi cất cánh hướng Tây Bắc. Khi phi cơ vừa lên cao, băng qua khỏi bờ thành, tôi ngoái cổ nhìn về phía sau, thành phố Huế với màu đèn vàng lợt yếu ớt như đang ngủ say. Chúng tôi trực chỉ đồn Thế Chí Tây, một đồn bạn hiện đang bị địch vây đánh. Đồn này nằm hướng chính Bắc cách Huế khoảng 30 cây số đường chim bay. Vùng này nổi tiếng vì đã từng xảy ra những trận đánh ác liệt, bom đạn và trọng pháo đã san bằng bình địa, nên có biệt danh là Đường Buồn Hiu, người Pháp thường gọi là Piste Sans Joie. Thật đúng, ban ngày từ trên cao nhìn xuống, thấy cảnh vật điêu tàn hoang vắng, chỉ có một đồn bạn cô quạnh trấn đóng ở đó. Vì đây là điểm giao liên, là vùng tiếp tế quan trọng của địch nhằm vào các làng trù phú hẻo lánh của các làng giáp giới giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên; ở đây còn có con đường thông ra biển.

Chúng tôi bay chừng hai mưoi phút thì tới nơi, nhờ đã từng hành quân nên quen vùng, nhưng cũng cần xác định lại vị trí, vì phía dưới tối om. Chúng tôi liên lạc với nhau bằng máy vô tuyến SCR 300. Đồn bạn cho biết đang bị áp lực địch mạnh và xin không yểm. Tôi nghĩ ngay tới Trung tá Cuffaut, Chỉ Huy Trưởng GATAC/CENTRE là hoa tiêu đang ngồi trước mặt tôi và cũng là người có thẩm quyền thoả mản thỉnh cầu kia. Tôi trình lại, Trung Tá Cuffaut cho biết khu trục không thể yểm trợ đồn bót ban đêm, không những vì vấn đề an phi mà còn vì sự an toàn sinh mạng của quân bạn nữa. Tôi bèn đề nghị xin yểm trợ trọng pháo. Đồn bạn trả lời, đã có làm nhưng không được thoả mản, vì ngoài tầm bắn của các đội trọng pháo thuộc Tiểu Khu Thừa Thiên. Chúng tôi lại bảo, tại sao không xin yểm trợ trọng pháo của các đơn vị bạn chung quanh, vì khi còn phục vụ bên Lục Quân, tôi được biết, các đồn bót cấp đại đội trở lên đều có trang bị súng nặng, như trọng pháo 80 pouces, súng cối 81 ly hoặc 106 ly và đôi khi còn cả súng cannon Beaufort 37 ly nữa, để tự bảo vệ và yểm trợ các đồn bạn. Nhưng họ trả lời không liên lạc được.

Việc cấp bách bây giờ là nhờ chúng tôi chỉ điểm vị trí địch chung quanh đồn. Thật khó khăn, vì quan sát về đêm chỉ căn cứ vào các đốm lửa và các lằn đạn sáng chói bắn ra mà thôi, Nhưng từ trong đồn ngoài đồn đều tối om. Chỉ còn một cách, chúng tôi liệng những quả lựu đạn khói chung quanh vị trí phòng thủ của đồn. Nhờ ánh sáng toả ra, bạn bên trong có thể nhìn thấy địch bên ngoài. Và đồng thời chúng tôi bảo, hể thấy địch về hướng nào thì hãy dùng một ít đạn lửa bắn về phía đó, để chúng tôi liệng thêm lựu đạn tăng cường ánh sáng. Hình thể của đồn hình tam giác, nên chúng tôi bắt buộc phải quẹo ngặt thật vất vả. Trong lúc quân bạn và địch dưới đất bắn nhau, chúng tôi bay bao vùng trên cao và giữ liên lạc với đồn bạn. Khoảng một giờ đồng hồ sau, đồn bạn cho biết tình hình đã lắng dịu, nên chúng tôi báo sẽ rời vùng. Và trước khi ra đi, chúng tôi sẽ liệng hết những quả lựu đạn còn lại, chào tạm biệt, chúc đồn bạn thành công và nhận lời cám ơn.

Xưa kia tôi là đồn trưởng, đã từng trải qua tình huống như thế này, đồn bị địch vây đánh, cầu viện mà không được đáp ứng kịp thời, thật là thất vọng, chúng tôi tự mình bảo vệ. Nay các bạn đồng ngũ ở đồn Thế Chí Tây, đang chiến đấu với địch quân và có sự hiện diện và sự cọng tác nhỏ nhặt của chúng tôi cũng là điều phấn khởi cho họ, nhưng chúng tôi không thể ở lâu trên vùng vì số xăng có hạn. Chúng tôi rời vùng hành quân với lòng xót xa, khi nghĩ tới các chiến hữu ở đồn Thế Chí Tây, họ là thành phần thiệt thòi nhứt, ăn uống kham khổ thiếu dinh dưởng, toàn những thực phẩm khô, tích trử lâu ngày, năm sáu tháng mới được tiếp tế một lần; có khi bất trắc vì vấn đề an ninh và giao thông, tiếp tế chưa đến kịp, nhịn đói cả tuần lể. Ăn đã thiếu, ngủ lại không ngon giấc, lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày, vì luôn luôn phải đối đầu với áp lực của địch quân vây hảm thường xuyên bên ngoài. Tuy bận rộn và lo âu, nhưng nào đâu có giảm bớt sự cô đơn ray rứt và sự nhớ nhung gia đình triền miên trong lòng họ. Trong lúc họ đơn độc chiến đấu, đối diện với tử thần, thì ở hậu phương, biết bao nhiêu kẻ khác đang an nhàn vui hưởng cảnh đầm ấp bên vợ con và gia đình thân quyến. Họ cũng mơ ước như vậy, nhưng không bao giờ so sánh hay ganh tỵ, vì họ đã ý thức được trách nhiệm của người trai thời chiến, chỉ cố dốc hết lòng bảo vệ giang san tổ quốc. Ôi cao quý thay người chiến sĩ biên cương!

Vì nhận thấy chưa được an tâm, nên khi rời đồn bạn, bay qua thành phố Quảng Tri, tôi đã bá cáo với Tiểu Khu nơi đây về tình hình xảy ra ở đồn Thế Chí Tây và nhờ yểm trợ pháo binh, vì nghĩ rằng đồn này nằm trong tầm súng đại bác của Tiểu Khu Quảng Trị, nhưng lại trực thuộc Tiểu Khu Thừa Thiên. Không biết sau đó lời yêu cầu của tôi có được thực hiện hay không, tôi cũng không rỏ. Nhưng dẩu sao tôi cũng cảm thấy nhẹ nhỏm với lời gửi gắm của mình.

Giờ đây chúng tôi mới an tâm bay về Huế dọc theo hai đường song song, quốc lộ và hoả xa. Chừng vài phút sau, chúng tôi đến đồn Diên Sanh, nơi đây trước kia tôi đã từng dẩn quân bố phòng cho Công Binh xây cất. Chính anh Nguyễn Đình Giao, bạn đồng khóa quan sát viên với tôi xưa kia phục vụ tại đồn này. Bay chừng năm phút nữa, ngang qua đồn Mỷ Chánh. Trước kia tôi là quản gia ở đây, giữ chức vụ Đại Đội Trưởng/Đại Đội Chỉ Huy của Tiểu Đoàn 8 VN, là đơn vị cuối cùng tôi phục vụ bên Lục Quân trước khi xin chuyển sang Không Quân vào cuối năm 1952. Biết bao kỷ niệm vui đẹp đã từng xảy ra nơi đây. Nào là những buổi sáng tinh sương dẩn lính đi tuần tiểu mở đường quốc lộ và thiết lộ, có dịp bắt heo rừng con về nướng nhậu. Hoặc muốn ăn cá tươi, chờ khi mặt trời lên, ánh nắng xuyên qua các kẽ hở của các thanh gổ bắt ngang cầu, đó là lúc các chú cá tràu (quả) nổi lên mặt nước sưởi nắng; chỉ cần bắn một phát súng bên cạnh, cá bị tức bể bong bóng, ta nhặt về làm bữa cơm ngon lành. Có những ngày lể lớn, muốn có bữa ăn ngon cho toàn thể Tiểu Đoàn Bộ, chỉ cần một viên đạn súng cối 81 ly, loại lớn (capacité double), gắn đầu nổ lựu đạn thường vào, rồi đem thảy xuống mấy bụi tre trầm (bị nước sói mòn) dọc sông Mỷ Chánh, tha hồ mà bắt cá, vô số kể, chứa đầy cả nửa xe cam nhông, nhiều nhứt là cá măng. Lính tráng ăn mấy ngày mới hết.

Bay một lát nữa ngang qua Cây Số P.K.36, đây là nguồn lợi tre gỗ, khi cần cho việc xây cất doanh trại hay bố phòng, cho lính đến đây chặt mang về. Bay lần vào sẽ ngang qua đồn Phò Trạch ở cây số 30. Tôi từng là đồn trưởng nơi đây năm 1951, với biết bao kỷ niệm vui buồn. Đáng ghi nhớ nhứt là tôi được bay lần đầu tiên (baptême de l’air) trên phi cơ quan sát MS.500 do (Thượng Sĩ) Adjudant Michel, Không Quân Pháp lái. Chính vì lần được bay này là ngã rẻ của đời binh nghiệp tôi, muốn trở thành hoa tiêu. (Câu chuyện này tôi đã kể lại ở bài Mộng Bay Bổng). Bay thêm mươi cây số nữa sẽ ngang qua đồn An Lổ, nơi đóng Bản Doanh Tiểu Đoàn 8, trước khi dời ra Mỷ Chánh. Tại đây, hằng ngày tôi dẩn quân lính đi bố phòng và giữ gìn an ninh cho Công Binh sửa chửa trục lộ An Lổ-Thạch Bình (Sịa) và xây cất pháo đài hai bên đường này. Kỷ niệm đáng ghi nhớ nhứt là tôi suýt chết vì gở và phá mìn địch chôn giấu dọc đường. (Câu chuyện này tôi đã ghi lại ở bài Gở, Phá Mìn).

Giờ đây bay ngang qua Cây Số P.K.17, nơi đóng quân của Đại Đội Trọng Pháo Nặng 155 ly, do quân đội viển chinh Pháp đảm trách, đa số là quân lính Sénégalais và Marocains, Phi Châu. Tôi đã từng chứng kiến và nay hình dung lại hoạt cảnh tác xạ của đại đội này, với sức vóc tôi, tôi không thể chịu nổi, vì quá nặng nề và nhức óc. Mỗi lúc xoay trở hướng súng, phải bốn người lính Phi Châu lực lưỡng mới làm nổi, lại thêm tiếng nổ quá lớn. Có lần muốn quan sát cho rõ ràng, tôi đã đứng gần phía sau nòng súng, tiếng nổ đã đẩy tôi lui mấy bước suýt ngã, may nhờ đã được báo trước phải bịt tai, nếu không, thì nay tôi đã là người điếc rồi. Đang suy nghĩ miên man, chợt nhớ lại chỉ còn đúng 17 cây số nữa về đáp, tôi sẽ ghi vào sổ phi lệnh, phi vụ đêm hoàn tất. Tôi nhìn ra bên ngoài, bầu trời thật đẹp với bao nghìn sao lấp lánh, nhưng lòng tôi vẫn còn thắc mắc, liệu đồn bạn Thế Chí Tây có an toàn thoát hiểm đêm nay không? Và tôi ước mơ.

Tôi đã từng làm việc chung với Đại Đội Trọng Pháo Nặng này, ước gì đồn Thế Chí Tây ở trong tầm bắn thì chúng tôi có thể xin yểm trợ hỏa lực, là phương cách thực tế và hữu hiệu nhứt để giải tỏa đồn bạn khỏi áp lực địch, thì yên chí biết mấy. Thật đáng tiếc. Tuy rằng sự không yểm của chúng tôi mang lại rất khiêm nhường, chỉ bằng cách soi sáng chung quanh đồn mà thôi, nhưng sự có mặt của chúng tôi trong lúc đồn bạn bị địch vây đánh giữa lúc khuya khoắc lẻ loi, chắc rằng đã nâng cao tinh thần chiến đấu của binh sĩ trong đồn không ít. Nghĩ như thế, tôi cảm thấy khoan khoái trong lòng. Hơn nữa, đây là phi vụ hành quân đêm đầu tiên của tôi bằng bà già, thật là hi hữu.

Ngày 19 tháng 5 năm 2002.

Kỷ niệm 48 năm.

 Mệ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn