Hiếm người đến một mình. Họ đến cùng gia đình. Hay đi cùng bè bạn.
Đến để dự đêm tưởng niệm một năm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang.
Đến để nghe lại những ca khúc của dòng nhạc Du Ca - trẻ trung, sôi nổi, hào hùng, bi tráng.
Và không chỉ có vậy.
Đến để cùng nhìn nhau, ôn lại, nhắc nhớ những ngày đã qua, của một thời tuổi trẻ, nhiệt huyết và mê say.
***
Như một tục lệ, một nét văn hóa đầy tính nhân bản, những phút đầu của buổi họp mặt giỗ kỵ, người ta luôn lắng lòng, hướng tâm tư mình về với người đã khuất - nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang, trưởng xưởng sáng lập Phong Trào Du Ca Việt Nam.
Trên sân khấu Người Việt tối nay, người xem không còn nhìn thấy con người thật bằng xương bằng thịt Nguyễn Đức Quang, người nhạc sĩ ôm đàn guitar, hát, nói, với tất cả nhiệt tình, nhiệt huyết, đánh thức người ta dậy, thôi thúc người ta vỗ tay, và khiến người ta phải mở miệng ra, hát cùng ông, cùng mọi người, dù khi ông còn trẻ, dù khi ông bước gần đến tuổi 70, dù khi ông trở lại sân khấu sau một cơn trọng bệnh.
Trên sân khấu Người Việt tối nay, người xem chỉ còn được nhìn Nguyễn Đức Quang qua màn ảnh. Vẫn là người nhạc sĩ ấy, vẫn cây guitar ấy, vẫn gương mặt, ánh mắt, và giọng nói trầm ấm ấy, nhưng tâm tình ông gửi lại nghe ra có điều gì xao xuyến quá:
“Chúng ta đã phải đi xa, phải khổ sở, phải đấu tranh với thần chết để cuối cùng chúng ta có được sự tự do. Giá đó là quá lớn. Nhưng giá đó theo tôi không phải chỉ dành riêng cho chúng ta hưởng, chúng ta mong muốn những người đồng bào của chúng ta ở trong kia cùng hưởng.
Tại sao chúng ta mãi mãi không có được cái lòng của một tình thương yêu nhau cho nó đậm đà, cho nó thật là thân thiết, cho nó có ý nghĩa đầm thắm? Tôi nghĩ rằng bài toán của đất nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam phải dựa trên tình thương yêu con người với con người. Chúng ta yêu họ và chúng ta quý tất cả những ai mang dòng máu, mang màu sắc của người Việt Nam.”
Trên sân khấu Người Việt tối nay, chỉ còn những bạn bè, những người gắn bó cùng Nguyễn Đức Quang để làm nên một “phong trào Du Ca không chỉ của giới trẻ mà thực ra là của mọi giới từ năm 1965 đến 1975,” hát thay người anh Du Ca của mình, những ca khúc của một thời.
Nhiều lắm những gương mặt của một thời Du Ca cùng tề tựu về nhân ngày giỗ đầu của Nguyễn Đức Quang, như lời giới thiệu của ông Hoàng Ngọc Tuệ, một trong những huynh trưởng của Du Ca:
“Người ở xa, có anh Nguyễn Thiện Cơ từ Sài Gòn sang, ở gần có các bạn ở San Diego lên, các anh chị em hướng đạo vùng San Bernadino, Riverside, Los Angeles. Có cả một cặp Du Ca đến từ Hòa Lan là anh chị Nguyễn Quyết Thắng, từng là trưởng đoàn Du Ca Ban Mê Thuột.”
Bên cạnh nhóm Du Ca Bắc California, nhóm Du Ca Nam California, người ta còn thấy đông đảo những người không phải Du Ca, mà họ đến vì tấm lòng đối với nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, đối với dòng nhạc của một thời.
Trong khách đến tham dự, có người là ca sĩ, có người là họa sĩ, có người là bác sĩ, có người là xướng ngôn viên, có người là kỹ sư, có người là nhà báo, có người làm kinh doanh, có người làm khoa học, có người buôn bán, có người về hưu,... Có người còng lưng vì năm tháng, có người vẫn còn dẻo dai ngồi từ bên dưới hát thật to, vỗ tay thật rát, cho thỏa thuê những khúc nhạc Du Ca.
Vài nét chấm phá trong lời phát biểu của ông Hoàng Ngọc Tuệ đã giúp những người có mặt có dịp nhìn lại một cách bao quát hơn “3 đặc điểm chưa hề có trong lịch sử của phong trào Du Ca”:
“Về văn hóa, phong trào Du Ca thực sự khơi dậy trong lòng quần chúng và giới trẻ tình tự dân tộc và tình yêu thương quê hương đồng bào và đất nước. Về xây dựng con người, nhạc Du Ca của Nguyễn Đức Quang luôn gây ý thức tác động lên người nghe và người hát để tự họ chọn con đường đi của mình, con đường đi trong sáng, phục vụ lành mạnh với ý chí đấu tranh, với lòng nhân ái và công chính. Về lãnh vực chính trị, sự ra đời của Du Ca và những ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang sáng tác ca ngợi tự do dân chủ, nặng lời phê phán sự hèn yếu của chế độ miền Nam lúc bấy giờ, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện.”
Trên đặc điểm đó, người tham dự đêm tưởng niệm một năm ngày mất của nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang lại cùng nhau lắng nghe tiếng đàn thùng, nghe lại những bài hát như “Đoàn ta ra đi,” “Cho đồng bào tôi,” “Xương sống ta đã oằn,” “Về với mẹ cha,” “Giấc ngủ của mẹ,” “Chiều qua Tuy Hòa,” “Bên kia sông,”...
Và bao giờ cũng vậy, “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” luôn là bài hát kéo đầy người lên sân khấu, ngồi xuống luôn các tam cấp, và bên dưới người ta đứng dậy, để cùng nhau hát trước khi kết thúc chương trình.
Du Ca có sức cuốn hút khác lạ là như vậy.
***
Nhưng như đã nói, đêm cuối tháng 3, nhiều người tìm về nhật báo Người Việt là để cùng nhìn nhau, ôn lại, nhắc nhớ những ngày đã qua, của một thời tuổi trẻ, nhiệt huyết và mê say.
Khi khách đã tan, khi sân khấu không còn sáng ánh đèn, họ - những người bạn của Du Ca - quay lại thành vòng tròn, tiếp tục ôm đàn, và hát. Không có ca sĩ. Không có khán giả. Chỉ có những bạn bè. Những người đã qua một thời tuổi trẻ bên nhau, cùng loạn lạc, cùng đau đớn, cùng hờn cùng tủi, để hôm nay đây cùng cười, cùng vui, vì còn được gặp lại nhau, vứt qua những nhọc nhằn của mưu sinh, cơm áo, hận thù, hơn thua. Họ chỉ còn lại những ân tình, bè bạn, có nhau, hát với nhau, khi ngoài trời đêm xuống sâu, mưa vẫn lất phất bay, gió vẫn lắt lay thổi...
Tôi nhìn cảnh đó, thấy mắt mình cay, bởi tôi biết, hình ảnh này sẽ không còn mãi, nơi tha hương này...
Ngọc Lan/Người Việt
Gửi ý kiến của bạn