BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77471)
(Xem: 63331)
(Xem: 40778)
(Xem: 32402)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Anh Hoa – Hoa Văn, Người Vẽ Tranh Bằng Thơ Lục Bát

03 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 1320)
Anh Hoa – Hoa Văn, Người Vẽ Tranh Bằng Thơ Lục Bát
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Tôi mê thơ ngay từ thưở nhỏ, quyển sách tôi đọc đầu tiên là tập thơ “Gió Từ Tay Mẹ” đọc khi mới vừa biết đọc do dì Tám tặng. Và say mê nhất là thể thơ lục bát, một thể vừa dung dị, chân chất vừa rất thanh tao, siêu đẳng. Thơ lục bát dường như dễ làm, dễ dọc, dễ hiểu và ai cũng thích làm, ai cũng làm được và có thể là thể thơ đặc trưng của thi ca Việt Nam. Nhưng lục bát làm cho hay không dễ dàng chút nào, vì dễ bị biến thành vè, ngô nghê, và cũng dễ bị ép vận, khiên cưỡng, đọc lên thấy khó chịu và thất vọng. Viết thơ lục bát thì nhiều, nhưng viết hay, và để đời không mấy ai.
Và tôi có may mắn đọc nhiều tác giả, nhiều nhà thơ tài năng lắm, và mình học hỏi và tôi cũng tập tành làm thơ, nhưng vẫn còn phải cố gắng nhiều lắm. Hôm nay ngồi đọc thơ của nhà thơ Anh Hoa – Hoa Văn. Một nhà thơ lão thành, khi ông đã thành danh thì tôi vẫn còn chưa ra đời, và ông viết nhiều thể loại, nhưng thể thơ lục bát được ông viết nhiều nhất và thành công nhất. Đọc thơ Hoa Văn tôi như thưởng thức những bức tranh, bức hoạ bằng thơ lục bát, độc đáo và tuyệt mỹ.
Hãy đọc bài “Thơ Vẫn Che Đời Mưa Bay” trang 40, 41 tập thơ Như Áng Mây Hồng (2010):

“Chốn nhân gian lắm ưu phiền
Những đau thương những nỗi niềm đầy tay
Xuống đêm rồi lại xuống ngày
Bước trầm luân giữa tỉnh say cuộc tình

Mai kia còn đó hoàng lan
Bóng xưa tà áo hai hàng hoa rơi
Chưa đi muốn bể dâu rồi
Thì Thơ Nay Vẫn Che Đời Mưa Bay”


Thơ của Hoa Văn bài nào cũng có nét riêng nhưng cá nhân người viết (TMH) lại cảm nhất bài này vì nét thanh thoát của thi ca ẩn trong hội họa, của âm nhạc, của Phật giáo của suy tư. Từng câu chữ, ý tứ, ngôn từ đan quyện vào nhau đem lại cho độc giả 1 nỗi ưu tư về kiếp người về nhân thế. Nhưng cuối cùng niềm hy vọng vẫn tràn đầy, vẫn ắp ắp đong đầy trong lòng thi nhân.
Thơ của Hoa Văn uyên bác, tài ba, bậc thầy vì ông dùng từ nào cũng hay cũng đắt. Nhiều khi cũng 1 từ đó người khác dùng thấy trục trặc, trúc trắc nhưng Hoa Văn dùng lại rất khéo léo tài tình.
Hãy đọc bài “Mong Đời Gieo Hạt Nắng Thơ” trang 109, tập Như Áng Mây Hồng (2010):

“Mong đời gieo hạt nắng thơ
Trên vùng từ ái mùa mùa trổ bông
Nên chi thì cũng bọt bòng
Lên năm xuống tháng một vòng nhân sinh

Thu cho tôi nỗi buồn đơn
Và thao thức với vuông tròn niềm đau
Cái về cái ở ơn sâu
Nỗi tôi hoang phế tình nhau lạc loài.”


Nét độc đáo, đặc sắc của bài thơ ở chỗ nhà thơ dùng chữ nghĩa dung dị nhưng diễn tả ý tưởng cao siêu và rất nhẹ nhàng, không nặng nề nên làm độc giả rất dễ cảm thông và thích thú.
Đọc thơ Hoa Văn tôi có cảm giác mình lạc vào rừng thơ, lạc vào thế giới của hội họa của âm nhạc của cõi thiền xưa, thanh tịnh và rất đỗi dịu dàng, lãng mạn của những nỗi niềm rưng rức mà tác giả gởi gắm vào từng câu chữ, từng thi phẩm của mình. Cám ơn thi nhân, cám ơn sự tài hoa và sự hiểu đời, chia sẻ những niểm đau, nỗi băn khoăn, khao khát của kiếp nhân sinh đầy dẫy những gian truân, thử thách, cạm bẫy và oan khiên.
Hãy cùng tôi chiêm ngưỡng một bức tranh khác, bài “Còn Nhau Xin hãy Thương Nhau” trang 11, tập Như Áng Mây Hồng (2010):

“Còn nhau xin hãy thương nhau
Để tình không mất không đau không buồn
Đừng vì nước đổ nguồn tuôn
Đừng vì nắng lửa mưa cuồng ngoài kia

Cuộc đời là môt giấc mơ
Danh này lợi nọ cũng bờ tử sinh
Giàu nghèo nay quẩn mai quanh
Khó kia chẳng ngại áo manh chẳng sầu
Còn nhau xin hãy thương nhau
Kẻo mai kẻ trước người sau – nỗi buồn”


Một lời nhắn nhủ, nhắc nhủ cho vợ chồng, con cái, cháu con, những người yêu nhau, những người ghét nhau, bạn bè, đồng nghiệp,… những lời tâm niệm, tâm đắc thật sâu sắc và ý nhị, ý nghĩa sâu xa. Nhưng tiếc là người đời ít ai để ý chỉ đến khi mình gặp chuyện thì mới biết đã quá muộn màng, đã quá trễ tràng.
Thi nhân cũng như tất cả chúng ta dường như càng sống lâu với thời gian càng chững chạc hơn, và thi sĩ Hoa Văn cũng vậy nhưng nếu ta đọc lại những bài thơ ngày xa xưa ông đã làm chúng ta có lẽ phải giật mình, khi ông còn trẻ ông cũng đã rất chững chạc, sâu sắc.
Hãy đọc bài “Phấn Hương Còn Lại Buổi Đầu” viết năm 1964, trang 86 thi tập “Tạ Ơn Đời” (2005):

“Phấn hương còn lại buổi đầu
Lắng nghe thành quách dựng sầu thiên thu
Giấc chiêm bao giấc hư phù
Thôi em ngần ấy cũng vừa mắt trông

Thương em tuổi mộng da ngà
Mùa xuân chớm hẹn nửa tà áo bay
Em đi nắng lụn mưa dày
Tình đơn độc chở tháng ngày hoang liêu”


Một bức tranh tuyệt tác nữa của nhà thơ mà nét cọ bằng lục bát làm cho người thưởng ngoạn mê đắm vì nét tài hoa, tài tình của ngòi bút sắc sảo.
Thơ thiền, dường như tác giả không cố ý viết những vẫn cứ trở đi trở lại trong thơ Hoa Văn, mỗi lần mỗi khác nhưng tựu trung đều là một nét thanh tao, siêu thoát của một người hiểu biết, giác ngộ.
Hãy đọc bài “Vô Âm” trang 105, thi tập “Tạ Ơn Đời” (2005):

“Nhiều khi lòng muốn sa môn
Đọc kinh Địa Tạng nỗi buồn thiền sư
Đi tìm một thoáng chân như
Vào am đọc lại cổ từ đạo âm

Buồn nào cũng thoáng ngày qua
Đời trăm lối mở vẫn lòa nghiệp duyên
Chắp tay lỗi tạ lỗi nguyền
Hơi chia nợ trả lụy phiền thế gian”


Đọc xong bài thơ này, nhắm mắt lại nghe bài hòa tấu và niệm câu kinh Phật làm người viết (TMH) tưởng như mình lạc vào cõi thiền của các vị tu sĩ và biết mình còn phải học hỏi, tu tập thêm nhiều mới mong có ngày hiểu thêm về vũ trụ và kiếp nhân sinh. Một bức tranh nữa được thi sĩ Hoa Văn vẽ bằng thơ lục bát tài tình rất thành công.
Đọc đi đọc cả mấy trăm bài thơ của thi sĩ Anh Hoa – Hoa Văn làm tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc được diễm phúc thưởng thức tài nghệ của một nghệ sĩ tài hoa, một nhà thơ vẽ tranh bằng thơ lục bát. Bài nào cũng là một dấu ấn riêng dù ông không làm dáng, không cao vọng, không cố ý nhắm vào một mục đích cụ thể như nhiều thi sĩ khác.
Hãy đọc bài “Cõi Thơ Ta Ở Một Đời” trang 68, thi tập “Che Đời Mưa Bay”(2008):

“Cõi thơ ta ở một đời
Cõi ta là một cõi người muôn năm
Đời chi lạ lẫm mà trầm
Năm mười hai tháng cứ chầm chậm qua

Đóa vô ưu vạn chăng chờ
Chút hương phấn cũ hồn thơ bây giờ
Riêng em ngã chấp lòng tu
Là trong cõi nhớ nghìn thu cội nguồn”


Có thể nói mà không sợ ngoa ngữ, nịnh hót quá đáng khi cho rằng bài này là 1 trong những hay nhất của thi ca Việt, vì thi nhân đã vận dụng tất cả thâm thúy, tinh túy của thi ca để dùng câu thơ sáu tám chuyên chở hết ý tình của nhân sinh nhân loại. Từ ngữ đắc địa, ý tứ sâu xa, tạo nên nét diễm kiều của 1 bài thơ lẫn trong hội hoạ, và 1 bức tranh lẫn trong thi ca, đẹp đẽ vô cùng, đọc đi đọc lại càng thấm thía, càng cảm niệm và hiểu biết thêm nhiều.
Cuối cùng trong phạm vi 1 bài suy nghĩ mộc mạc của người viết xin khép lại bằng 1 bài thơ
Vui ta Đến Cõi Đời Này”, trang 253, thi tập “Che Đời Mưa Bay” (2008):

“Vui ta đến cõi đời này
Em nhân ái với vui đầy trong vui
Cõi người vui cũng bồi hồi
Tha nhân ơi hỡi hãy cười thản nhiên

Nhục vinh có khác gì nhau
Mai sau cùng một bóng sầu qua sông
Nỗi san nỗi sẻ nỗi mừng
Bài thơ viết để khơi dòng thơ vui”


Nói chung thơ của thi sĩ Anh Hoa – Hoa Văn đẹp như những bức tranh vẽ bằng thơ lục bát, thắm đượm tình người và đầy ắp những niềm cảm thông trong kiếp nhân sinh vốn dĩ vẫn đầy những oan khiên và cay đắng và cũng những cái “nghiệp chướng” của thi ca, vặn chương và nghệ thuật. Cám ơn thi nhân đã đem cho đời những dòng thơ tuyệt tác, cầu chúc ông khoẻ mạnh và tiếp tục cống hiền cho đời những tác phẩm tuyệt vời.

Trần Minh Hiền
Orlando, ngày 29 tháng 3 năm 2012.

Theo NgườiViệtBoston

Xin kính tặng nhà thơ Hoa Văn 1 bài thơ viết vội của Trần Minh Hiền

VIẾT BÀI LỤC BÁT TẶNG NHAU
(Kính tặng thi sĩ Hoa Văn)

Viết bài lục bát tặng nhau
Nhân gian một cõi đượm màu tháng năm
Cám ơn một kiếp thân tằm
Nhả tơ thầm lặng, ươm mầm tương lai
Yêu thương đời sống lâu dài
Gió trăng lãng đãng lầu đài thiết tha
Dạo quanh trong cõi ta bà
Ươm thơ ướp hoạ cũng là vậy thôi

Trần Minh Hiền.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn