Tại Việt Nam đang diễn ra những sự kiện không thể hiểu nổi, nói như ông Nguyễn Trung Dân, nguyên phó tổng biên tập tờ báo Du Lịch đã bị đình bản.
Chỉ cách nhau một khỏang thời gian, những gì báo chí VN hiện nay đang thể hiện về chủ quyền Biển Đông, thì trước đó báo Du Lịch cũng không làm gì khác nhưng đã bị kỷ luật nặng nề. Nam Nguyên có bài tường trình:
Từ chuyện tờ Du Lịch
Đề cao lòng yêu nước bảo vệ chủ quyền Biển Đông và các hải đảo của Việt Nam, tờ báo Du Lịch nhận quyết định đình bản 3 tháng hồi tháng 4, Ông Nguyễn Trung Dân Phó tổng biên tập phụ trách đã bị đình chỉ chức vụ thu hồi thẻ nhà báo.
Thế nhưng đến nay đã qua 5 tháng, tờ báo chưa họat động lại, 50 nhân viên tòa soạn sống vất vưởng từng ngày không có lương ăn.
Là một đảng viên cộng sản ông Nguyễn Trung Dân nói rằng ông thất vọng vì cấp lãnh đạo, mà ông gọi là họ, đã cư xử như người lạ trong trường hợp báo Du Lịch.
Ông Dân đã bộc bạch nhiều tâm sự trong bài viết lần đầu tiên từ khi bị cách chức, bài này mang tựa ‘Ai phải trả lời’, được phổ biến trên trang mạng Bauxite Việt Nam hôm 28/9/2009.
Khi đọc được bài viết chúng tôi đã phối kiểm với ông Nguyễn Trung Dân, từ Saigon ông phát biểu:
“Tôi cảm nhận như vậy, viết hết lòng mình trong đó rồi. Tôi chỉ mong nếu có điều gì đó chưa đúng thì phải hiểu nhau cảm thông cố tạo đoàn kết cho đất nước bây giờ thôi. Chứ tôi cũng chẳng biết tại sao nữa.
Ở cái góc của mình đâu có thể nhìn hết toàn diện được, rõ ràng mình làm hết lòng hết sức mình thì tôi nghĩ là điều đáng làm lúc này thôi. Có thể lúc nào đó những điều mình làm trở thành vô ích hay có ích thì chuyện đó lịch sử sẽ có ý kiến.”
Đến báo Đảng CSVN
Trong bài ông Nguyễn Trung Dân đã nói rằng. Ông không thể hiểu nổi quyết định của Bộ Thông Tin Truyền Thông khi đình bản báo Du Lịch lấy lý do ‘ lãnh đạo báo Du lịch không chấp hành sự chỉ đạo đối với các thông tin quan trọng, nhạy cảm, cho đăng những thông tin trên số báo Tết Kỷ Sửu.
Đặc biệt là bài tản mạn Đảo Xa của phóng viên Trung Bảo đề cao lòng yêu nước của thanh niên sinh viên trong cuộc biều tình phản đối Trung Quốc lấn chiếm Hòang Sa Trường Sa của Việt Nam và bài thơ Hận Nam Quan của Hoàng Cầm.
Ông Cũng so sánh trường hợp trang báo điện tử của Đảng CSVN, với ông Đào Duy Quát là Tổng Biên Tập, Trung Ương Đảng là cơ quan chủ quản, đã dịch và đăng tải thông tin khoe sức mạnh của quân lực Trung Quốc đang tập trận nơi Biển Đông có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, ca ngợi sự biểu dương lực lượng của Trung Quốc như chốn không người nhằm xác lập vai trò của kẻ xâm lược.
Ông nói là so sánh để thử hiểu được điều gì đang xảy ra trên đất nước mình và đau đớn phải hiểu ra là ‘ không thể hiểu được’.
Trong bài ông Nguyễn Trung Dân nói nguyên văn rằng:
“Cách thể hiện trên trang báo Điện tử của Đảng, vốn có nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện Đất Nước và cách Kỷ Luật Bằng Tiền sự sai phạm, đối nghịch hẳn với sai phạm của báo Du Lịch, của những người đang nắm vận mệnh quốc gia như đã làm, thì thật sự không hiểu nổi điều gì đang xảy ra với dân tộc Việt Nam.”
Ai phải trả lời?
Một người trong cuộc là ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên trợ lý phó tổng biên tập báo Du Lịch cũng đưa ra nhận định của mình:
“Tôi là một người trong báo Du Lịch cũng bị sa thải sau khi tờ báo đăng hai bài đó. Bây giờ báo chí ở trong nước cũng như các tổ chức dân sự họ có những cuộc hội thảo công khai về Biển Đông và Hải Đảo cũng đặt vấn đề đó ra.
Như vậy chúng tôi tự hỏi rằng những việc chúng tôi làm trước đó đến bây giờ sẽ được giải quyết như thế nào. Điều này những người ra quyết định đóng cửa báo Du Lịch cũng như sa thải những người liên quan phải có bổn phận trả lời.”
Trở lại bài viết ‘Ai phải trả lời?’ của ông Nguyễn Trung Dân phổ biến hôm 28/9 trên trang mạng Bauxite Việt Nam.
Ông Dân tiết lộ rằng phóng viên Trung Bảo tác giả bài ‘Tản mạn cho đảo xa’, trung tâm điểm của vụ đóng cửa báo Du Lịch, là con trai đầu lòng của ông, đứa con mà ông đã căn đặn không được học và làm nghề báo.
Bởi 20 năm làm báo, ông đã phải chứng kiến và trải qua bao điều bể dâu, để mong con chọn sự bình an trong cuộc đời.
Tuy vậy như một định mệnh, Trung Bảo vẫn theo học khoa báo chí, ra trường làm việc ở báo Thanh Niên và được xem là một thanh niên có ý thức đối với đất nước và có khả năng làm báo.
Vẫn theo lời ông Nguyễn Trung Dân thì Trung Bảo bây giờ không làm báo nữa mà đang theo học hậu đại học để mở mang kiến thức.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
29/09/2009
Gửi ý kiến của bạn