BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72808)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bệnh nan y của ngành y

28 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 1082)
Bệnh nan y của ngành y
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Y học cổ truyền liệt lao, cùng với phong, cổ (cổ chướng), lại (ung thư) là “tứ chứng nan y”, là “thầy thuốc bỏ đi, trống kèn kéo tới”. Nhưng dù là bệnh gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm, từ những năm 80 của thế kỷ trước, đã có thuốc trụ sinh đặc biệt dành cho căn bệnh này và đặc biệt, bệnh lao có thể chữa khỏi hẳn. Nói theo cách “thành ngữ @”, bây giờ “chết vì lao là cái chết tào lao”.

Ấy vậy mà 3 ngày trước khi Bộ trưởng Bộ Y tế đăng đàn trả lời chất vấn, có một con số kinh hoàng liên quan đến căn bệnh này đã được đưa ra: 30.000 người chết mỗi năm. Bình quân 82 người chết mỗi ngày. Một tờ báo đã so sánh số người tử vong vì lao “bằng tai nạn giao thông và HIV/AIDS cộng lại”. Nếu nói tai nạn giao thông là quốc nạn, là sóng thần thì tử vong vì lao là quốc nạn của quốc nạn, là sóng thần của sóng thần.

Ấy vậy mà ở Việt Nam, theo điều tra dịch tễ từ cách đây 5 năm, tỷ lệ mắc lao phổi dương tính cao gấp 1,6 lần so với ước tính 90/100 ngàn dân của Tổ chức Y tế thế giới. Việt Nam cũng có tên trong cả 2 danh sách các nước có gánh nặng bệnh lao và gánh nặng lao đa kháng thuốc.

Ấy vậy mà khi mặc vest, cài ruy băng, thắt khăn đỏ, đứng trên nghị trường, bà Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ duy nhất một lần nhắc đến chữ “lao”. Nhưng đó là lời kêu khó về tình trạng khan hiếm nhân lực trong ngành lao, không kèm theo giải thích nguyên nhân.

Còn nhớ năm ngoái, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm chương trình chống Lao Quốc gia, TS Đinh Ngọc Sỹ chua chát bảo: “Cán bộ làm công tác chống lao đang “già đi” do không có người thay thế trong khi bệnh lao lại đang “trẻ lại”. Tỷ lệ bác sĩ lao chỉ 1,58/100.000 dân, có lẽ còn ít hơn cả tỷ lệ bác sĩ pháp y. Cùng với các thần kinh, ngoại thần kinh, sản, tâm thần, lao cũng là một trong những chuyên khoa thiếu trầm trọng nhất. Và sự thiếu hụt này được TS Sỹ đánh giá “Chính là nguyên nhân sâu xa của việc chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân lao được phát hiện”.

Liệu có thể nào trong suốt 10 năm mà một bệnh viên lao- phổi không tuyển mới nổi một bác sĩ chuyên khoa?

Sự khan hiếm nhân lực trong ngành lao thực ra đã được kêu ca từ không mười cũng bảy năm trước. Nhưng trong từng đó năm, ngành y tế đã làm gì, ngoài chuyện kêu ca. Trước nghị trường, Bộ trưởng Bộ Y tế mười mấy lần nhắc đến hai chữ “kinh phí”, đã liệt kê ra vô số những nhóm giải pháp với giải pháp. Nhưng quanh đi quẩn lại toàn chỉ thấy chuyện “tiền”. Để có tiền, có nguồn thu, bà đã kê ra đến 5 gạch đầu dòng. Nhưng người dân nói chung và người bệnh nói riêng nghe đi, nghe lại cuối cùng vẫn chỉ là tiền hoặc trực tiếp từ các khoản thu “bổ đầu bệnh nhân”- được gọi là viện phí, hoặc gián tiếp qua ngân sách- thực ra cũng là thuế do người dân đóng góp.

Nếu như tỷ lệ giường bệnh ở Việt Nam, chỉ 20,5/1 vạn, một tình trạng mà báo chí gọi là “cá hộp” đang chỉ phản ánh mức độ “khốn khổ vật lý” thì tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân đang cho thấy cái “giá sinh mạng bình quân” đang quá rẻ mạt. Năm 2003, dưới thời Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến, các cuộc khảo sát cho thấy 1 vạn dân Việt Nam mới chỉ có được 5,88 bác sĩ và 0,7 dược sĩ. Trong suốt gần 10 năm qua, tỷ lệ này mới “nhúc nhích tí chút” với chưa đầy 7 bác sĩ/1 vạn dân. Tỷ lệ bình quân này không phản ánh chất lượng chăm sóc y tế khi hầu hết các bác sĩ đều đang ở các BV tỉnh, thành phố. Tỷ lệ “Bác sĩ làng”, chẳng hạn như ở Đồng Tháp chỉ đạt 4,2/1 vạn dân. Lai Châu, tỷ lệ này thậm chí chỉ 3,3/1 vạn dân. Một tỷ lệ thấp vào loại nhất thế giới. Riêng chuyên khoa lao, chỉ có 1,5 bác sĩ/ 1 vạn dân, với một số lượng “đếm trên đầu ngón tay”, trong tình trạng “cứ 10 người dân có 4 người nhiễm lao”. Nếu không có một chính sách đúng, và kịp thời, bác sĩ lao ở Việt Nam, nói không ngoa- chẳng mấy mà tiệt chủng. Khi đó, những từ ngữ như “quốc nạn” hay “sóng thần” cũng không đủ để mô tả thảm họa do căn bệnh- 4 thập kỷ qua đã không còn là một trong “tứ chứng nan y”- gây ra.

Bởi vậy ngành y tế không thể chống lao chỉ bằng cách phát hành tem thư. Không thể “thanh toán bệnh lao vào năm 2030” chỉ bằng những lời kể khổ. Và rõ ràng viện phí, dù tăng thế, tăng nữa, tăng mãi, hoàn toàn không phải là lời giải, là phương thuốc cho căn bệnh nhân sự đang thiếu hụt trầm trọng của ngành y tế, đặc biệt là chuyên khoa lao.

Đào Tuấn

28-03-2012

Theo Blog Đào Tuấn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn