BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73315)
(Xem: 62231)
(Xem: 39418)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ông ăn gan trời

28 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 1261)
Ông ăn gan trời
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Mình quen Trần Chấn Uy từ năm 1988, thời nó võ vẽ làm thơ, mình võ vẽ viết kịch. Sở Văn hóa Phú Khánh (cũ) mở trại sáng tác kịch bản sân khấu, mình được mời tham dự, lần đầu mình biết Nha Trang, biết Đỗ Kim Cuông, Hoàng Nhật Tuyên, Đặng Minh Châu, Phạm Dũng và nó. Lâu ngày quá không nhớ nhà nó ở phố nào, chỉ nhớ đó là dãy nhà cấp 4 xập xệ, khu tập thể giáo viên trường Cao đẳng sư phạm, nhà nó chừng 20 chục mét chật ních, tối thui. Mình nhớ mãi cái bóng đèn tròn treo lủng lẳng đỏ đòng độc, lúc nào cũng ở tình trạng sắp tắt. Có ai xô cửa mạnh vào nhà là nó tắt phụt, thằng Uy lấy cán chổi đụng khẽ, nó lại sáng.

Thằng Uy cười nhăn nhở, nói bóng đèn nhà thầy giáo thì thế thôi, đợi người ta thay bóng đèn hố xí mãi mà chẳng được, người ta vừa thay, mình chưa kịp thó đã có người khác thó rồi, tức thế không biết. Mình cười, nói cái bóng này ông cũng thó ở nhà xí tập thể à? Nó bảo sao ông biết. Mình nói bóng đèn nhà xí tập thể là bóng già, người ta mua bóng mới về, việc đầu tiên là thay bóng mới cho nhà mình, sau đó đem bóng cũ vào thay cho nhà xí, ở đâu cũng thế. Nó vỗ vai mình đánh bốp, nói thằng này khá, rất có thực tế, viết văn được!

Vợ chồng nó xăng xái dọn mâm rượu, có hẳn một con gà đãi mình, đĩa gà chặt đầy vun, nồi cháo gà thơm điếc mũi. Mình cảm động lắm, nói đi nói lại, nói nhà ông không có tiền mua một cái bóng đèn lại đãi tôi cả con gà thế này. Nó kéo mình rỉ tai, nói ông nhỏ mồm thôi, nhà ngăn vách nứa người ta nghe thấy. Mình tưởng cũng như mọi nhà thời này, ai có con gà cân thịt đều phải giấu diếm sợ hàng xóm biết người ta khó chịu. Chẳng dè chục năm sau gặp nó ở Hà Nội, nhắc lại con gà thời đói rách nó cười khì, nói tôi làm gì có gà đãi ông, gà tôi ăn cắp nhà bên cạnh đấy, hôm đó ông cứ bô bô làm tôi sợ thót dái. Mình lắc đầu cười, nói ông đúng là gan trời. Nó nhăn răng cười, nói tôi ăn gan trời rồi đấy, ông không tin à. Tôi ăn gan trời lúc bảy tuổi.

Nó kể nó là cháu nội đích tôn được ông bà nội rất cưng chiều. Ông nội nó giỏi lắm, trước 1945 làm ở Viện viễn đông bác cổ, cái viện mà nhiều bác bây giờ nổi tiếng nhờ khéo thuổng tài liệu của viện này, gọi là nghiên cứu khoa học, hi hi. Hiếm có ông nội nào chiều cháu như ông nội nó. Năm nó sáu, bảy tuổi nhà nghèo rớt mồng tơi nhưng nó đòi ăn gì ông nội nó cũng chiều. Một hôm ăn khoai lang nó đòi đĩa đường trắng. Ông nội nó vét túi đi mua một lạng đường trắng mang về, nói mày chỉ thiếu gan trời là chưa ăn. Ngay lập tức nó bỏ ăn khoai chấm đường, đòi ăn gan trời cho bằng được. Ông nội nó lại phải ra chợ mua miếng gan lợn, buộc vào sợi dây treo đầu sào, trèo lên mái nhà giả đò chọc chọc lên trời rồi chìa đầu sào buộc gan lợn xuống sân, nói gan trời đây vơ cu Uy, ăn mau không trời đòi lại!

Hi hi đứa cháu nội rách giời rơi xuống, ăn phải gan trời nghịch ngợm phá phách trời sợ. Nó học hành chẳng thua ai, đánh nhau cũng chẳng thua ai. Nó đánh hết lượt trẻ con trong vùng, bày đủ trò nghịch ngợm chọc phá người lớn. Nó còn cả gan chọc cả ông bố vợ tương lai. Ông là tỉnh đội trưởng, có con gái học cao đẳng sư phạm, chẳng dè bị ông thầy là nó cưa đổ khi chưa học xong. Cô con gái nằng nặc đòi ông cho cưới nó làm chồng. Cực chẳng đã ông cho con gái đưa nó về nhà. Tính hay khoe con, ông gọi thằng cu út 5 tuổi ra, hỏi lớn lên con làm gì. Thằng cu đáp ngay, nói đi học và làm cách mạng. Nó bấm bụng cười. Đợi ông ra khỏi nhà, nó mới kéo thằng cu lại cho kẹo, nói em phải nói làm cách mạng và nuôi heo, cứ nói thế đi rồi anh cho kẹo. Nó dỗ thằng cu nói đi nói lại năm lần bảy lượt, cho ăn đầy một bụng keo, nói dõng dạc vào nhé, dõng dạc vào. Hôm sau ông mở tiệc, quan khách đến đầy nhà, ông lại gọi thằng cu 5 tuổi ra, nói lớn lên con làm gì. Thằng cu ưỡn ngực dõng dạc, nói làm cách mạng và nuôi heo. Mọi người cười vỡ bụng, số là chuồng heo nhà ông có tới mấy chục con. Ông đỏ mặt tía tai, biết ngay cái thằng ăn gan trời xúi con ông chứ không ai khác, ông liền cấm cửa nó bén mảng tới con gái ông.

Ông không cấm được. Thằng này tài lắm, nó đã mê em nào thì em đó không chết cũng bị thương, có mà chạy đằng trời. Một năm sau nó cưới cô học trò con ông tỉnh đội trưởng, sống với nhau được hai đứa con gái thì bỏ nhau. Mình cũng hơi lạ, ngày mình đến chơi thấy vợ nó vừa xinh vừa ngoan, đối xử với bạn chồng niềm nở còn hơn bạn mình. Những năm đói rách nó tha về không biết bao nhiêu người bạn, có người ở nhà nó mấy tháng trời, vợ nó vẫn nhẹ nhàng như không, thật quí hóa quá. Mình hỏi nó, nói được cô vợ như thế là niềm mơ ước của nhiều người, sao ông lại bỏ. Nó chậc lưỡi, nói không sống được với nhau thì bỏ chứ sao. Ít lâu sau nghe nó cưới vợ, được chừng một hai năm lại bỏ. Hỏi, nó lại chậc lưỡi, nói không sống được với nhau thì bỏ chứ sao. Bây giờ nó cưới vợ thứ ba, cô bé thua nó hai chục tuổi, sinh cho nó đứa con trai, nó mừng húm. Thằng cu mới bảy tuổi đã cao 1,3m nặng 43 cân, hi hi tương lai thằng cu này cao to nhất nước. Mình mừng cho nó, nói đã chắc ba vợ chưa. Nó nhăn răng cười, nói già bố nó rồi, không muốn chắc cũng phải chắc.

Nói thế thôi, già được nó còn khướt. Gần sáu chục tuổi vẫn to khỏe vâm váp, ăn nói bặm trợn, uống được hai chục lon bia, yêu được một đêm hai nhát thì ngay cả trai tơ cũng còn thua nó. Ít ai tuổi sáu mươi vẫn phơi phới niềm tin, yêu và viết, yêu càng ghê viết càng khỏe. Đến nay nó đã có 7 tập thơ, gần ba chục bộ phim tài liệu. Phim nó gân guốc vạm vỡ , thơ nó thì trái lại, ngọt và mềm, triền miên một nỗi đau đời và thương con. Có lẽ thơ là những gì khuất lấp sau bộ mặt phơi phới niềm tin của nó. Gặp nó đâu cũng thấy nó nói cười nhí nhố, chọc quê người khác chơi vui, chưa lần nào mình nghe nó than vãn một điều gì.

 Hôm qua Ngô Xuân Hội và nó mò đến nhà mình chơi, ngồi chưa nóng đít đã nháy mình đi nhậu. Thằng Uy bắt tay vợ mình cười rất tươi, nói em dạo này trẻ thế, xinh ra bao nhiêu. Tối nay cho bọn anh mượn chồng em nhé. Xin được quota rồi nó kéo mình đi ngay, nói đi mau không vợ ông đổi ý. Mình cười, nói ông làm như ông sợ vợ lắm. Nó nói không, tôi sợ vợ ông giùm ông, thứ một vợ như ông mới sợ vợ, tôi ba vợ sợ gì. Nói rồi nó xoa đầu mình cười, nói con bò có một cái u, những thằng một vợ còn ngu hơn bò.

Nhưng mình biết một lần bỏ vợ là một lần tình và tiền tan nát, một lần rơi xuống vực sâu. Riêng nó, một lần bỏ vợ là một lần nó tự nguyện chất thêm gánh nợ với con cái. Người ta nhất vợ nhì trời, nó nhất con nhì bạn. Thời đói rách, một lần nó thấy hai đứa con gái nó bóc cam chấm nước mắm ăn ngon lành, nó sững sờ. Từ đó hôm nào nó cũng lùng sục suốt đêm bắt mèo hoang làm thịt nuôi con. Cũng thịt mèo ấy nó làm giả cầy đãi bạn hết lượt từ Nam ra Bắc. Nhiều người không biết tưởng thịt heo cứ xuýt xoa khen, nói mẹ, thằng Uy giàu thật, vào nhà nó khi nào cũng mùi thịt heo thơm lừng. Hi hi.

Nó sống với bạn hết lòng, chơi hết mình, sẵn sàng cầm dao rượt đuổi kẻ nào hại bạn nó nhưng cũng sẵn sàng đấm vỡ mặt ông bạn nào chơi đểu, ăn gian. Xong rồi thôi, rồi quên, chẳng để bụng làm gì. Nó sẵn sang dốc túi vì bạn bè, bạn bè cũng sẵn sàng dốc túi vì nó. Luôn có bạn bè sau lưng, tuồng như nó chẳng cần phải lo lắng gì, suốt ngày uống và yêu, rong chơi và tán phét, hình như nó không có thời gian để buồn, để khóc, đối với nó nước mắt chẳng biết dùng vào việc gì.

 Thế mà không. Một lần hay tin bé Diệu Linh con gái anh Tô Nhuận Vĩ bị tạt a xít, nó vội vã ra Huế. Anh Vĩ là bạn vong niên chí thân của nó, bé Diệu Linh hoa khôi trường Sư Phạm từng ăn học trong nhà nó mấy tháng trời. Nhưng khi nó tới nhà, cô bé ngồi yên trong buồng không chịu ra, chỉ chuồi ra cho nó mảnh giấy, viết chú ơi cháu không gặp chú được đâu. Nó cầm mảnh giấy bật khóc.

Một lần khác, đâu như năm 1979, nó gặp bà cụ già ngồi bên giếng, hỏi ra mới biết cùng đường sống bà định nhảy giếng tự tử. Nó đưa bà về, dựng cho bà cái quán nước chè, cho bà 5 đồng làm vốn, từ đó bà sống khỏe cho đến khi chết. Hay tin bà mất nó tìm về, cháu bà đưa cho nó 5 đồng, nói bà cháu chờ gặp chú để trả lại 5 đồng nhưng chờ không được. Nó úp mặt vào 5 đồng khóc òa, khóc như chưa bao giờ được khóc.

Nguyễn Quang Lập

28-03-2012

Theo Quê Choa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn