BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73178)
(Xem: 62205)
(Xem: 39378)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Từ Na Uy nghĩ về Việt Nam

27 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 941)
Từ Na Uy nghĩ về Việt Nam
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trong cuộc đời của mỗi con người ngẫm nghĩ lại đều có những điều mà bản thân người đó không thể giải thích được và cuối cùng đành phải đổ cho đó là số phận, là những gì nằm bên ngoài mọi dự tính hay sự sắp đặt, lên kế hoạch rất tỉ mỉ của con người.

Trong cuộc đời của mình cho đến nay tôi cũng có thể “nhặt” ra vô số những điều như vậy. Trước hết là chuyện ngụ cư của tôi.

Suốt nhiều năm sau cái ngày 30.4.1975, cũng như hàng trăm ngàn rồi hàng triệu người Việt Nam khác giai đoạn đó, gia đình tôi gồm có mẹ tôi và tôi rất nhiều lần đã tìm cách “vượt biên”. Thôi thì đủ cả, hết đi đường biển đến đi đường bộ… Nhưng mà cái số (thì là số chứ biết giải thích làm sao?) không đi được nên hết sức lận đận, hết đường dây tổ chức bị lộ lại đến biển động, có bão,… phải quay về chờ chuyến khác. Có khi chuyến trước mình lọt, chuyến sau lọt nhưng chuyến giữa có mình đi thì lại kẹt lại. Có khi bị lừa mất tiền. Cứ tìm cách đi mãi như thế cho đến năm 1981 sau khi bị bắt vì tội vượt biên bằng đường bộ và nằm trong nhà giam ở Châu Đốc gần một tháng thì gia đình tôi quyết định không đi nữa. Một phần cũng vì tiền đã cạn sau bao nhiều lần vượt biên không thành. Cuối cùng nhiều năm sau, mãi đến năm 2009 tôi cũng ra đi, về một mặt nào đó thì cũng là “vượt biên”nhưng “vượt biên” bằng máy bay (sướng nhỉ?)!



Và một điều cũng “ngộ” không kém là trong đầu tôi từ trước cho đến lúc đặt chân lên đất Na Uy, nếu có nghĩ đến chuyện định cư ở một nước nào đó thì thường là nghĩ đến Mỹ, Úc, Pháp hay Canada gì đó, tuyệt nhiên không hề nghĩ đến Na Uy, một quốc gia quá là lạ lẫm đối với tôi! Cũng như chuyện đi học ở nước ngoài trước đây, sau khi từ bỏ ý nghĩ vượt biên thì những năm sau đó tôi cũng từng có vài lần thử tìm cách đi du học, thậm chí đã từng đậu thứ hai trong cuộc thi tuyển đi học Đại học Điện ảnh tại Nga vào năm 1984 nhưng rồi lại không được đi (thời đó việc xét cho đi du học tại Nga vẫn đặt rất nặng vào lý lịch gia đình, bản thân có là đoàn viên hay chưa… cho nên cuối cùng cả ba thí sinh từ miền Nam ra đậu hạng cao nhất, từ hạng nhất đến hạng ba, cuối cùng đều không đi được!). Và khi nghĩ đến chuyện đi du học thì tôi cũng lại thường nghĩ đến những quốc gia như Mỹ, Anh, Úc, New Zealand… hay kể cả Nga, nhưng rồi thì tôi lại giành được học bổng đi học hệ Sau Đại học khoa Đạo diễn Điện ảnh ở… Ấn Độ. Một quốc gia đối với tôi trước đó cũng lạ hoắc!

Với Na Uy, trước khi tôi đặt chân đến đất nước này vào ngày 23.4.2009 cũng vậy. Tôi thậm chí dốt nát đến mức còn không biết là quốc gia này mới thực sự là một quốc gia hoàn toàn độc lập riêng rẽ từ năm 1905 (trước đó Na Uy được tách ra từ Đan Mạch từ năm 1814, sau đó lại được sáp nhập với Thuỵ Điển cho đến tận năm 1905) và dân số của họ cho đến nay, cộng cả dân nhập cư từ nhiều nước khác chỉ vỏn vẹn có khoảng 4,8 triệu người, trong khi diện tích thì xêm xêm bằng Việt Nam (mà Việt Nam thì khoảng 86 triệu người).

Và mặc dù có vua, có Thủ tướng, theo chế độ quân chủ lập hiến nhưng trong nhiều mặt quốc gia này mới đúng là một mô hình của chủ nghĩa xã hội, cái chủ nghĩa xã hội lý tưởng chưa bao giờ có ngay ở đất nước sinh ra nó như Liên Xô trước đây cũng như ở các nước XHCN cũ ở Đông Âu và tất nhiên là chưa bao giờ có ở Trung Quốc hay Việt Nam! Ở Liên Xô và các nước XHCN thuộc khối Đông Âu trước đây hay Cuba, Bắc Hàn, Trung Quốc, Việt Nam ngày nay cũng là những mô hình khác nhau dưới tên gọi bên ngoài là chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng hoặc chỉ có những khía cạnh cực đoan, những mặt tiêu cực, dở, tệ, của chủ nghĩa xã hội hoặc tên gọi thì là “xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa”nhưng thực chất là một xã hội không tư bản, không cộng sản, không luật pháp, không dân chủ tự do, chỉ là một chế độ độc đảng, độc tài như ở Trung Quốc hay Việt Nam mà thôi!

Thủ đô Oslo của Na Uy

Ở cái xứ Na Uy này trong cách điều hành quản lý xã hội, một mặt họ tiếp thu những ưu điểm của một xã hội tư bản, xã hội dân chủ pháp trị như nền kinh tế thị trường phát triển tự do (không kèm cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa!), người dân hoàn toàn có đầy đủ tự do dân chủ nhân quyền được tôn trọng như bất cứ một quốc gia dân chủ tự do nào khác, nhà nước điều hành mọi việc theo luật pháp, về chính trị thì có các Đảng phái khác nhau và sự lựa chọn đảng nào lên nắm quyền là hoàn toàn do người dân quyết định qua lá phiếu của mình. Như ngày 14/9 vừa rồi người dân Na Uy đã đi bầu bỏ phiếu cấp Quốc hội và Liên minh Xanh gồm các Đảng Lao động, Đảng Xã hội khuynh tả và Trung Đảng lại tiếp tục trúng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Mặt khác, trong cơ chế xã hội của họ lại có những nét rất gần với mô hình chủ nghĩa xã hội như Nhà nước bao cấp rất nhiều trong đời sống của người dân – một đứa trẻ mới sinh ra cha mẹ đã được lãnh tiển của Nhà nước cấp hàng tháng để nuôi con đến năm 18 tuổi, đi học đại học thì cũng vay tiển của Nhà nước qua hệ thống các ngân hàng, y tế miển phí, người già có Nhà nước nuôi, thất nghiệp có trợ cấp xã hội… Nghĩa là chế độ an sinh xã hội của họ rất chu đáo, lo cho con người mọi mặt từ lúc sinh ra cho tới lúc qua đời, việc gì người dân cũng có thể trông cậy vào Nhà nước (có lẽ vì vậy mà người dân Na Uy lúc nào cũng thong thả nhàn nhã, ít lo nghĩ về đời sống? Nhưng về tính cách của người Na Uy, xin dành cho một bài khác). Thu nhập cao nhưng mức thuế cũng rất cao và càng thu nhập nhiều thì càng phải chịu thuế nặng, cho nên khoảng cách giàu nghèo không quá lớn. Ở Na Uy Nhà nước không kiểm soát người dân về mặt tư tưởng, tinh thần… nhưng kiểm soát họ rất chặt chẽ về mặt tài chính thông qua tài khoản ngân hàng, thuế phải đóng hàng tháng… Có thể nói rất khó cho bất cứ ai để làm ăn phi pháp, tham nhũng, rửa tiền hay trốn thuế, lậu thuế… Ngược lại với Việt Nam, Nhà nước cứ chăm chăm lo kiểm soát từng ý nghĩ tư tưởng của người dân nhưng lại không hề kiểm soát được về mặt tài chính, cho nên ở Việt Nam mới dễ kiếm tiền phi pháp bằng đủ mọi cách, từ làm ăn gian dối, buôn lậu, tham nhũng, trốn thuế đủ kiểu. Ở Việt Nam, từ một người công chức bình thường đa số kiếm sống bằng hai ba nguồn khác nhau, “chân trong dài hơn chân ngoài” mà Nhà nước đã không kiểm soát được, đừng nói gì đến các quan tai to mặt lớn thì họ kiềm tiền bằng cách nào, tài sản của họ bao nhiêu, họ có bao nhiêu tiền trong các tài khoản “bí mật” ở nước ngoài… là điểu chẳng ai biết, người dân lại càng không bao giờ được biết!

Người đời vẫn thường nói không biết thì phải học, nước ta hiện nay đã đi sau, đói nghèo lạc hậu chậm tiến hơn nhiều nước khác, ngay cả so với những nước láng giềng chung quanh, còn về mặt xã hội thì lại quá nhiều vấn nạn không sao giải quyết nổi. Nếu những người lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hiện nay biết thử một lần đặt quyền lợi của đất nước và dân tộc lên trên quyền lợi của một đảng phái, thậm chí của một nhóm người, quyết tâm học lấy những mô hình xã hội đã phát triển một cách lành mạnh, nhân bản, bền vững từ bao nhiêu năm của các nước có nền dân chủ pháp trị, thay vì hết theo đuôi mô hình của Liên Xô nay đã hoàn toàn sụp đổ lại học theo mô hình của Trung Quốc nhằm mục đích giữ vững vị trí độc tôn lãnh đạo của Đảng? Trong khi bản thân xã hội Trung Quốc tuy có vẻ ổn định về chính trị nhưng lại có quá nhiều bất ổn trong phát triển kinh tế, quá nhiều bất công, phi lý trong phát triển xã hội, và chứa đựng nhiểu tính chất phi nhân của một thể chế chính trị độc tài cộng thêm tham vọng trở thành siêu cường quốc bằng mọi giá. Chưa kể khi học theo mô hình này và tự nguyện trở thành nước “đàn em thân cận” với Trung Quốc, Việt Nam về mặt đối nội đã và đang phải đối diện với những mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, đối ngoại thì dần dần trở thành bị cô lập với các nước dân chủ tự do và ngày càng lệ thuộc một cách nguy hiểm vào nước láng giềng khổng lồ này.

Vì sao lại có một sự lựa chọn như vậy? Hỏi tức là đã biết câu trả lời vậy.

Song Chi
Tháng 9.2009
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn