BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39395)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhật ký của Nguyễn Quảng Trị

04 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 2151)
Nhật ký của Nguyễn Quảng Trị
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
32
Gửi NVC
Tháng Tư, chàng không về


Năm ấy, sau Tết Nguyên Đán là những bản tin thời sự hừng hực, tin tức từ chiến trận chuyển về thành phố, những cơn bão lửa dồn dập. Mặt trận Ban Mê Thuột, Pleiku và những xác người, những đổ vỡ tang thương.

Sài Gòn tháng Ba, khuôn mặt cha lo âu héo hắt theo tình hình chiến sự. Mắt mẹ sưng đỏ vì bặt tin con từ chiến trường xa. Trường học mở cửa, thầy vắng mặt, bạn bè vắng mặt, những buổi học xao xác tiêu điều. Rồi Đà Nẵng, Huế..., các con tàu cặp bến Bạch Đằng mang theo những người cố lìa bỏ Cộng Sản. Thành phố của chúng mình lên cơn sốt mê man.

Buổi tối mất ngủ, tiếng đạn ầm ì từ xa, những đoàn xe di chuyển như bay trên đường phố vắng lặng, tiếng bánh xe nghiến rát mặt đường. Không biết bây giờ anh đang ở đâu? Còn sống hay đã chết? Ta nuôi một chút hy vọng mỏng manh, anh bị thương và đang tá túc nơi nào đó chưa kịp báo tin về...

Một thủa đời êm đềm biến nhanh vào quá khứ. Ngôi nhà có khu vườn nhỏ, góc bên trái là cây móng bò lá chẻ đôi và những bông hoa tím. Góc bên phải là chậu ngọc lan mẻ miệng. Lần đó anh đến thăm, kiễng chân với tay hái nụ vừa nở hoa trắng mịn. Hai con mắt ấm áp, chờ anh đến tháng Sáu mãn tang. Hương Ngọc Lan nồng nàn trong không gian... Cảm giác ấm áp kia ta mang theo mỗi ngày đến trường học, giữa tập vở là những tờ thư. Ta vẫn được anh giữ gìn chăm sóc.

Tháng Tư tang thương đổ ập xuống quê nhà. Thời sự thay đổi hầu như từng ngày, vài tuần lại có một chính phủ khác. Những tờ nhật báo phát hành không đều đặn, báo Tiền Tuyến có những khoảng trống lỗ chỗ trắng xóa. Người ta bảo nhau rằng khi người rừng kéo nhau đến đây, thiếu nữ thành phố sẽ bị gả bán cho thương phế binh cộng sản để trừng phạt, có người yêu hay không cũng mặc. Có chồng thì may ra, nhưng chồng quân đội thì cũng chẳng ăn thua gì. Trừng phạt thì trừng phạt chung một lần, một tội chối bỏ cộng sản. Sự tàn ác của những con người kia qua các trận đấu tố tại thôn quê miền Bắc, việc truy bức ám hại những kẻ không Cộng Sản vẫn còn rõ rệt trong tâm khảm bao nhiêu con người. Lửa đang cháy lan đến mảnh đất sau cùng. Thành phố chỉ còn người già, đàn bà con trẻ, cha anh họ còn ở tiền đồn chưa về... Anh cũng chưa về.

Mẹ anh trong cơn hoảng hốt giữa các tin đồn sang thăm gia đình xin bỏ trầu cau. Cháu chưa về nhưng xin ông bà nhận lời, nhận mặt con cháu cho chúng tôi an tâm. Hai bà mẹ nắm tay nhau nước mắt lưng tròng. Con bà cũng như con chúng tôi. Dạm ngõ, đám hỏi trong cùng một ngày tháng Tư lửa đỏ. Mẹ bùi ngùi cầu mong các con bình an hạnh phúc. Có thể nào ta bình an khi lửa cháy chung quanh, ước mơ bình thường của mẹ? Hạnh phúc chỉ có một nửa, nhưng ta nuôi hy vọng anh sẽ về.

Chiều ngày 29 tháng Tư, cơn đồng thiếp đưa ta ra biển, ra Phú Quốc tránh bom, sau đó sẽ về lại... Ít ra là ta tin như thế. Em sẽ về lại ngôi nhà có khu vườn nhỏ, góc bên trái là cây móng bò lá chẻ đôi và những bông hoa tím...

Tàu lênh đênh trên biển, tàu nhỏ chuyển qua tàu lớn. Ta sống tê dại giữa mấy ngàn con người, không gian thời gian mê man, mộng mị. Orote Point thành phố lều trong rừng đất đỏ, tháng Năm trời nóng hừng. Mỗi ngày ta ra trạm Hồng Thập Tự hỏi tin, chờ tin. Bên kia biển là một cơn hồng thủy đổi đời. Biển Thái Bình nằm giữa đôi bờ.

Từ dạo ấy cuộc sống ta cuốn theo cơn sóng khác. Sóng cơm áo ban ngày và sóng thương nhớ âm thầm ban đêm. Năm 77, thư Mẹ vượt sóng, qua những cặp mắt sài lang soi nát cả linh hồn, bảo rằng C. của mẹ con ta không về nữa, nó chết ở Quảng Trị. Mẹ đã xin phép bố mẹ con, con cứ đi lấy chồng...



Tháng Tư năm ấy đến nay là 36 năm, chàng đi theo nước.

Lời ước nguyện ... chàng đi theo nước, thiếp theo chàng... không giữ trọn. C. ơi, tha thứ cho em. Bên chiếc cầu chia ly định mệnh, em là người đã lỗi hẹn muôn đời.

Nhớ nhung từ đây.

Chiều Sài Gòn nặng nề âm u, những tiếng nổ ì ầm quanh thành phố, những cụm khói đen, 29 tháng Tư thê lương. Con sóng hoảng loạn đưa ta ra bến Bạch Đằng, xuống tàu và gặp mặt biển khơi.
Chiến Hạm 502 nhổ neo, lặc lè chuyển bến trong bầu trời tối sẫm. Ta ngồi bó chân tê dại ù lì ở một góc trên bong tàu. Đêm Sài Gòn lửa cháy và ta thì thầm cầu nguyện mong mỏi sự bình an đến với người thân, C. ơi, em sẽ về và chúng mình sẽ gặp lại, chắc chắn là như thế.

Đêm Sài Gòn mịt mùng tơi tả, chỉ có những cụm lửa đỏ hừng hực một góc trời, quê nhà đang bốc cháy và chung quanh ta những hàng lệ chảy nghẹn ngào. Đài phát thanh hình như tê liệt, không có một bản tin nào chỉ có những điệu nhạc quân hành. Trong bóng tối ta ngồi chờ sáng. Bóng đêm lùi dần, mặt trời hừng đông, lửa cháy thâu đêm, Sài Gòn đắm chìm trong những cuộn khói đen, tang thương đổ vỡ.

Ta theo dòng người chuyển tàu, tàu 474. Vài tiếng sau, chuyển sang chiến hạm HQ17. Vào lúc ấy, 10 giờ sáng ngày 30 tháng Tư, đài phát thanh Saigon ban hành lệnh buông súng của ông DVM. Chung quanh là tiếng nấc nghẹn, tiếng khóc hực lên như không thể kìm giữ và nhiều đôi mắt đỏ ngầu, những hàng lệ uất hờn đau đớn. Rồi "Nối Vòng Tay Lớn" của TCS vang ra từ radio, có tiếng la "đồ chó đẻ". Tiếng rơi của đồ vật chạm mặt nước và tiếng radio tắt ngấm.

Ba ngàn con người ngồi bó gối, bàng hoàng tê điếng vì cuộc đổi đời bất ngờ. Quê hương bỏ lại. Người thân yêu và anh, có bao giờ còn nhìn thấy nhau? Trước mặt mênh mông sóng nước, đại dương bao la, đằng sau Sài Gòn lửa cháy đắm chìm. Cánh quạt trực thăng rền rĩ cấp bách, máy bay đáp vội trên bong tàu, chiếc máy bay trống bị đẩy xuống biển lấy chỗ cho những chiếc máy bay khác. Một chiếc L19 không thể đáp trên bong tàu đành bay xa xa và phi đoàn nhảy dù xuống biển, người nhái bơi theo vớt về tàu. Trong cơn khốn cùng, con người giang tay cứu vớt nhau. Tàu lênh đênh như những con người trốn tránh chiến tranh, lìa bỏ quê hương nhuộm đỏ. Ta chưa có nơi đến nhưng cũng không còn chốn trở về, C. ơi, anh ở đâu?

Ngày 2 tháng Năm, trên bong tàu cử hành lễ hạ cờ, quốc ca Việt Nam được cất lên lần chót trên tàu HQ 17. Chiến hạm được trao trả cho Hải Quân Hoa Kỳ. Những giòng nước mắt uất nghẹn tủi nhục thi nhau chảy, cầu vai, lon lá được tháo bỏ... Một cuộc thuỷ táng không xếp đặt, những quân nhân trên tàu ném xuống biển vũ khí cá nhân, vùi chôn cuộc đời quân ngũ của mình, anh H. quăng theo khẩu súng lục, mắt anh đỏ ngầu.

Những ngày bềnh bồng trên sóng nước. Biển cả bao la kỳ bí và đầy những đe dọa. Ta ngất ngư bệ rạc trong những cơn sóng nhồi. Hình ảnh C. chập chờn trong giây phút tuyệt vọng... tìm anh em biết tìm đâu bây giờ... Có đêm biển động dữ dội, bão đi qua, như những con người ngồi co ro trên sàn tàu, lạnh run ướt đẫm, ta âm thầm với những đau đớn tê dại. C. ơi, những lúc cùng quẫn tai ương là những lúc em nghĩ đến anh nhiều nhất, thăm thẳm vô cùng. Em nhớ anh và em nhớ Sài Gòn buổi sáng, buổi chiều, buổi tối, những kỷ niệm vội vàng tội nghiệp như cuộc nhân duyên của chúng mình. Kỷ niệm không bao giờ chết, phải không C.?
Rồi tàu cặp bến sau 2 tuần lễ bập bềnh, ta mòn mỏi lá trôi trong cơn sóng dữ. Guam mùa hè nắng đỏ và thành phố lều Orote Point.

Ngày ngày xếp hàng chầu cơm như mơ... Cơn mộng dữ vừa dứt, mở mắt ta nhìn cuộc đời xoay chuyển, gia đình, trường học người yêu dấu biến mất trong 15 ngày. Giấc mộng hãi hùng. Đời sống mới bắt đầu tạm bợ, những buổi tối ngồi nhớ nhà, ta học bói những que diêm nhỏ, thì thầm lời ước nguyện sẽ gặp lại nhau.

Orote Point là chuỗi ngày hoảng loạn, đối diện với những mất mát và hoang mang trước tương lai vô định, đời sống ta không có hướng đi.

Trần Lý Lê

Theo http://www.trenews.net/Article.aspx?id=5930
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn