BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73211)
(Xem: 62209)
(Xem: 39386)
(Xem: 31146)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tháng Tư Kinh Hoàng

05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 1899)
Tháng Tư Kinh Hoàng
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
(trích trong Hồi Ký Cùng Nhau Trôi Nổi)

...Trong giai đoạn này, tình hình Việt Nam trở nên rối rắm. Đầu năm 1975 anh Ruyệt nói có tin miền Nam có thể bị chia làm hai. Miền Cao nguyên phải dành cho Việt Cộng. Tới mồng 10 tháng 3, chúng ta mất Ban Mê Thuột. Ngày 15 tháng 3, tổng thống Thiệu ra lệnh rút quân khỏi Cao nguyên. Cuộc rút quân thê thảm đã đi qua Phú Bổn, nơi có lần tôi đã ở ba tháng khi anh Ruyệt bắt đầu nhận việc. Thế rồi ngày 19 tháng 3 Cộng sản ngang nhiên đưa xe tăng từ miền Bắc vào chiếm Quảng Trị. Tiếp đến là ngày 23 tháng 3 Huế cũng bị mất và Đà Nẵng bị đe dọa. Anh Ruyệt lúc này luôn vắng nhà. Lực Lượng Dân Tộc Việt (LLDTV) đã cử anh Châu Sơn Nguyễn Văn Thuận và anh Nguyễn Liệu trách nhiệm tỗ chức dân chúng chống lại việc chia đất cho Việt cộng. Lúc đó Đà Nẵng đang bị đe dọa, anh Ruyệt theo phái đoàn LLDTV tới hoạt động ở vùng đông tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Khi Tổng thống Thiệu sắp từ chức, nhà tôi cho biết LLDTV quyết định tổ chức một chính phủ kháng chiến, mời ông Trần Văn Tuyên làm Thủ tướng và ông Nguyễn Cao Kỳ làm Tổng tư lệnh. Lực lượng dự định lấy vùng Hậu giang làm hậu cứ, vì Hậu giang là cứ sở của Phật Giáo Hòa Hảo, có những tướng giỏi như tướng Nguyễn Khoa Nam.



 

 






Khi được tin ông Thái Lăng Nghiêm bị tổng thống Thiệu ra lệnh bắt, anh Ruyệt vì có liên hệ, lại càng hay vắng nhà hơn. Sau anh cho biết chính phủ kháng chiến không thành hình vì Phật giáo lúc ấy quá tin vào chính phủ Hòa hợp hòa giải sẽ ra đời nên không ủng hộ. Thêm vào đó các ông Trần Văn Tuyên và Nguyễn Cao Kỳ không nhận lời.( bỏ một đoạn) Khoảng một tháng sau, chính phủ ra lệnh thiết quân luật nên tôi không đi thăm cha mẹ được nữa. Anh Ruyệt có giấy phép đi trong giờ giới nghiêm nên có thể đi ra ngoài. Tôi đành ngồi nhà nghe tin tức qua đài phát thanh. Anh Ruyệt về nhà có vẻ bực dọc. Quen với tính anh rồi, khi không vui tôi sợ chàng nổi nóng. Nhưng lần này tôi không nhịn được nữa mới hỏi:


_ Bết quá rồi anh hả?
Anh trả lời:
_ Vừa nói chuyện với Lý Quí Chung xong. Hắn nói đánh mà không biết ra sao.


Thật sự trong giờ phút đó chẳng ai biết ra sao, nếu có tại sao có nhiều người đã ra đi, trong khi có nhiều nhân vật cao cấp còn kẹt lại. Anh Ruyệt được cơ quan DAO cho di tản ba người, anh dẫn Lạc Long và Phong Châu đi. Khi chia tay chồng con, lòng tôi đứt đoạn, nước mắt trào ra như không còn giữ lâu hơn nữa. Biết chồng chẳng có một đô la nào trong túi, tôi rút chiếc nhẫn cưới đưa anh, phòng khi hoạn nạn có tiền nuôi con. Khi đến phi trường, anh thương nhớ vợ con nên đổi ý trở về. Chiều ngày 28 tháng tư, anh Ruyệt và anh Lý Đại Nguyên chở nhau vào Tân Sơn Nhất gặp ông Nguyễn Cao Kỳ để thăm hỏi tình hình. Khi các anh ra khỏi cửa thì phi trường bị ném bom. Tình hình lúc bấy giờ thật căng thẳng, tôi bồn chồn không biết làm gì và sửa soạn cái gì. Đã mấy hôm tôi không đi chợ vì thiết quân luật, thức ăn đã gần cạn nên cả nhà chỉ ăn uống dè xẻn những thức ăn dự trữ mấy ngày hôm trước. Cũng may còn một tạ gạo và mấy chai nước mắm nên chắc gia đình tôi không đến nỗi bị đói.


Tôi mở máy truyền thanh và truyền hình liên tục cả ngày. Bỗng trên tuyền tôi thấy chỉ có nghệ sĩ Trần Văn Trạch đọc bản tin, còn các xướng ngôn viên khác không thấy đâu nữa. Linh tính cho tôi thấy tình hình miền Nam chẳng còn hy vọng gì. Mà quả vậy, sự sụp đổ quá lẹ làng làm quân đội hỗn loạn, dân chúng bàng hoàng. Gia đình tôi cũng vậy. Mấy ngày sau cùng của miền Nam, Việt Cộng phóng hỏa tiễn liên miên vào Sàigon và vùng phụ cận. Sáng nào cũng có tin người chết vì trúng đạn Việt cộng.


Vào ngày 29 tháng 4, hai vợ chồng tôi và bẩy đứa con sống trong tình trạng kinh hãi tột độ. Ban ngày tôi đốt tài liệu mà không biết là có nhiều người nằm vùng theo dõi. Ban đêm cả nhà chui xuống gầm giường nằm để tránh pháo kích. Thật ra, nếu may mắn thì cũng chỉ tránh được mảnh đạn văng tới thôi chứ thoát chết sao được khi đạn pháo trúng nhà mình. Chín mạng người ôm cứng lấy nhau như một khối mà tôi vẫn lạnh run cầm cập. Sau một đêm như vậy, thấy ánh nắng mặt trời, vợ chồng con cái nhìn nhau mừng rỡ vì vẫn còn nguyên vẹn. Rạng ngày 30 tháng 4, tin tức loan truyền Việt cộng đã vào sát thành phố. Chúng tôi cuống cuồng tìm đường rời bỏ Việt Nam.



 







Trong lúc cuống quýt tôi không còn biết chọn lựa mang theo cái gì. Nhà tôi có rất nhiều sách vở như cái thư viện. Anh Ruyệt quí sách vô cùng nhất là mấy cuốn về Duy Dân. Anh vơ mấy cuốn sách đó bỏ vào một cái túi. Tôi ôm nắm quấn áo bỏ vào một cái túi khác, rồi bình thủy nước sôi và mấy hộp sữa cho con. Thấy mấy cuốn album để gần đó, tôi xé ra một số hình nhưng mới được có một ít thì nhà tôi dục ra xe nên tôi đành phải bỏ lại.


Anh Ruyệt biết anh Đinh Trịnh Chính có chiếc thuyền đánh cá để ở sông Sàigon vì khi mua hai anh đi cùng với nhau. Anh Chính còn mua một chiếc tàu lớn nữa, dự trù cho nhóm báo Sóng Thần và chiến hữu, nếu mỗi người góp hai trăm ngàn VN. Nhưng mấy người làm báo tiền không đủ ăn, làm sao có tiền để vượt biển, dù số tiền này chỉ tượng trưng thôi chứ thấm thía gì với giá chiếc tàu 60 triệu bạc (tiền VN).


Chồng tôi chở hết vợ con trên chiếc xe La Dalat tới nhà anh Chính. Đi xe hơi cũng rất nguy hiểm trong lúc đó nhưng là phương tiện duy nhất để chuyên chở được cả nhà. Thật ra, chúng tôi chỉ cầu may chứ không hy vọng anh Chính còn kẹt lại. Cũng may khi tới, anh Chính vẫn còn ở nhà. Nhà tôi hỏi anh Chính cho gia đình tôi xuống thuyền và thú thật trong túi chỉ còn có vài chục ngàn bạc VN. Anh Chính la lên:


_ Giờ này còn tiền bạc gì nữa. Thuyền vẫn ở chỗ cũ. Chú mà ra chậm, tôi không đợi đâu.


Anh Ruyệt đã biết chỗ thuyền đậu nên trực chỉ tới bến tàu. Ngồi trên xe, tôi đưa mắt nhìn quanh. Cảnh tượng hoang tàn, chiến binh thất thểu trên hè phố, đồ trận đã cởi ra, chỉ còn độc quần đùi và áo thung. Thật là khó tin. Quân đội miền Nam là một đoàn quân thiện chiến, đầy can đảm. Một quân đội đã chiến đấu vì lý tưởng quốc gia chân chính. Một quân đội mang lại nhiều chiến thắng chống xâm lăng lẫy lừng, đem lại yên ấm của toàn dân. Thế mà sao đoàn quân tinh nhuệ này lại tan rã nhanh chóng như thế? Ai có trách nhiệm làm sụp đổ quân đội hùng mạnh này? Tôi khổ tâm nhìn những chiến sĩ anh hùng bị các vị chỉ huy cao cấp bỏ rơi dù lòng tôi cũng đang tan tác trên đườøng chạy giặc. Chắc những người chiến sĩ miền Nam này không có bà con xa gần ở Saigon. Nghĩ đến em tôi, Chiểu, tôi không gặp cậu ấy khi đến thăm cha mẹ lần cuối cùng. Chắc Chiểu cũng đang lê lết ở một thành phố xa xôi nào đó. Chúng tôi đi ngang nhiều chỗ quân đội Cộng hòa còn canh giữ. Anh Ruyệt có giấy phép đi trong giờ giới nghiêm nên qua được các trạm gác. Mặc dù trong tình trạng khẩn cấp, nhà tôi vẫn không quên bạn. Anh dừng lại kiếm điện thoại công cộng, gọi các anh Lý Đại Nguyên và Uyên Thao. Gặp được anh Nguyên ở trụ sở Vovinam nhưng anh Ruyệt không thể tới đón nên nhờ anh Trần Huy Phong chở anh Nguyên. Cuối cùng, anh Phong cũng không đưa anh Nguyên ra sông Saigon được, anh Ruyệt đành phải đi thẳng tới bến tàu.


Cầu Tân Thuận đã bị rào kẽm gai đóng lại và vẫn có lính gác. Nhà tôi đưa giấy xin qua cầu và tìm thấy thuyền ngay sau đó. Chúng tôi bước lên thuyền, bên tai văng vẳng tiếng súng. Chắc các anh lính Cộng hòa không cản nổi làn sóng người chạy giặc nên nổ súng chỉ thiên hay vì kho gạo Khánh Hội đang bị dân chúng phá lấy gạo. Anh Chính và bốn cháu đi xe gắn máy nên đến sau. Vì anh Chính không mang giấy tờ nên không qua cầu được bèn sai con bơi sang lấy thuyền. Trong khi ấy chẳng may cái bình thủy nước sôi của con bị bể, anh Ruyệt nhảy lên bờ, đi tìm mua cái khác.


Khi gia đình anh Chính xuống thuyền, hàng trăm người cùng nhào xuống. Con thuyền bé nhỏ như không chịu đựng được khối trọng tải của nhóm người nên tròng trành, ì ạch muốn chìm. Anh Ruyệt vẫn ở bên bờ bên kia, tìm mua bình sữa cho con và đi gửi xe cho người anh họ ở cư xá Ngân hàng nên không xuống kịp khi thuyền nhổ neo. Anh Chính bảo tôi:


_ Nếu chú ấy mà không tới kịp, tôi không đợi đâu, tôi mang cô và mấy đứa nhỏ đi luôn.


Tôi lo lắng. Nếu chồng tôi kẹt lại thì tôi đi làm gì. Nhưng may sao khi thuyền ra khỏi bờ thì anh Ruyệt tới. Anh gọi anh Chính và trả tiền cho một chiếc ghe nhỏ để họ chở tới thuyền. Vì thuyền chở quá nhiều người nên đi xa không được, cứ loanh quanh mãi ở vùng sông Sàigon. Tuy đã ngồi trên thuyền và dự định ra khơi nhưng tôi vẫn có cảm giác là mình chỉ đi lánh nạn ít lâu thôi. Nhưng khi nghe đài phát thanh loan tin tổûng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng, nước mắt tôi dàn dụa. Thôi thế là vĩnh biệt Sàigon, vĩnh biệt người thân, vĩnh biệt khung trời kỷ niệm của những ngày yêu dấu tuổi học trò... để đi đến một phương trời xa lạ mà mình chưa bao giờ biết đến. Không dự trù đi xa, thuyền chỉ trang bị vài ba ngày lương thực, nước uống và dầu nhớt. Nhưng với hàng trăm hành khách, số dự trù này chắc chắn chỉ được một ngày. Trọng tải quá sức nên chiếc thuyền di chuyện chậm chạp như sắp chìm. Co thuyền đang lết như thế thì chúng tôi bị Việt cộng pháo kích. Tàu Việt Nam Thương Tín bị trúng đạn và nhiều người nói nhà văn Chu Tử là người duy nhất bị tử thương vì viên đạn đó.


Ra khỏi Vũng Tàu, mọi người chỉ còn hy vọng được hạm đội thứ 7 của Mỹ vớt. Nhưng chẳng thấy hạm đội đâu, anh Chính thấy tình trạng vô cùng nguy ngập nên bàn với anh Ruyệt:


_ Chú ra nói với họ đi, không ai chịu lên bờ là chết hết. Thuyền sắp chìm rồi.


Anh Ruyệt bèn cho thuyền đậu cạnh một thuyền đánh cá khác rồi ra trước mui thuyền thông báo tình trạng khẩn trương. Anh nói thuyền đi một lúc nữa, sóng to sẽ chìm. Gia đình anh và gia đình anh Chính có chết vẫn đi. Ai có nhiều tiền, ai muốn sống thì điều đình với thuyền bên cạnh đi về, hoặc kiếm thuyền an toàn khác mà đi. Nhiều người cũng nhận thấy sự nguy hiểm nên lục đục kéo sang thuyền bên cạnh. Cuối cùng thuyền còn lại ba mươi hai người nên di chuyển bớt nặng nề hơn. Tất cả hành khách ra khơi hầu hết là gia đình các quân nhân cấp úy, cấp tá trừ gia đình anh Đinh Trịnh Chính và gia đình tôi.


Chúng tôi đã thấy hạm đội thứ 7 đèn sáng choang ở đàng xa. Trong lòng đầy hy vọng, tài công cứ nhắm đó mà đi tới. Thấy có một chiếc thuyền khác đi song song ra đèn hiệu, thuyền chúng tôi đáp lễ, ngỡ rằng tàu Mỹ tới hướng dẫn mình. Mãi đến khi đi sát vào nhau mới biết cả hai đều là thuyền tị nạn. Tới qúa nửa đêm thuyền chúng tôi tới được gần hạm đội 7. Thủy thủ Mỹ bảo đợi đến sáng sẽ vớt. Mọi người mừng rỡ, cho rằng đã thoát hiểm. Vì mỏi mệt cả ngày và cũng vì yên tâm nên hành khách dựa vào nhau ngủ ngon lành. Sáng tỉnh dậy chẳng còn ai thấy hạm đội đâu nữa. Chung quanh chỉ thấy hai chiếc thuyền, một cái chứa đầy quân nhân và chiếc kia có các linh mục và giáo dân. Anh Chính ra lệnh đậu thuyền lại để chờ, không biết chờ cái gì. Đến chiều, có nhiều thuyền trong bờ kéo ra. Anh Chính bảo tài công chạy theo họ. Được một lúc quả có một tàu Mỹ ở xa xa. Tàu này thấy thuyền tị nạn thì nhổ neo bỏ chạy. Một số thuyền tiếp tục đuổi theo, một số dừng lại trong số đó có thuyền của chúng tôi. Anh Chính điều đình mua dầu nhớt, thực phẩm, nước uống của những chiếc thuyền quay trở về rồi tiếp tục cho thuyền chạy về hướng Thái Lan. Thuyền chạy được một lúc nữa, một hiện tượng làm mọi người trố mắt. Mấy chiếc thuyền mà chúng tôi đã thấy lúc trước đang nổ máy chạy vòng vòng mà chẳng còn người nào cả. Họ đã được hạm đội Mỹ vớt rồi. Đến nước đó chẳng còn sự lựa chọn nào ngoài chuyện cứ đi, tới đâu thì tới. Anh Chính và anh Ruyệt nhẩy sang mấy chiếc thuyền trống, lấy thêm lương thực và dầu nhớt. Và cũng lấy thêm hai chiếc thuyền nữa để chứa thực phẩm và chia người cho đỡ nặng. Lúc đó chúng tôi có ba chiếc thuyền. Chiếc thuyền của anh Chính là cái số một có gia đình anh Chính và mẹ con tôi. Một số gia đình khác chuyển qua cái thứ hai. Anh Ruyệt và mấy người nưã lo cái thứ ba. Nhưng chạy được một lúc thì chiếc này hư máy nên anh Ruyệt phải chuyển qua cái thứ hai. Như vậy là chỉ còn lại hai chếc. Thuyền anh Chính và thuyền anh Ruyệt thỉnh thoảng lại sáp vào nhau để bàn tính và để anh Ruyệt săn sóc vợ con. Sau khi bị vớt hụt, chúng tôi chỉ còn hy vọng được các tàu của các quốc gia khác cứu theo như luật hàng hải. Tôi và các con chưa bao giờ đi biển nên đã bắt đầu ói mửa. Với tôi, nhiều lần trong đời đã ói nhưng chưa bao giờ khủng khiếp như vậy. Tôi bò lê bò càng, không ngồi được nữa chứ nói gì đến đứng dậy.


Trong cơn tuyệt vọng, tôi trăn trối với nhà tôi:


_ Chắc em chết quá, anh săn sóc các con nghe anh.


Chồng tôi hét lên:


_ Đừng có nói nhảm.


Thấy chỗ lái tàu, dưới chân anh Chính có một chỗ có thể nằm co được, tôi bò tới rồi gục xuống. Anh Chính thấy thế hoảng hốt gọi anh Ruyệt:


_ Mang cô ấy ra chỗ khác đi, nằm chỗ này một lúc nữa là cô ấy chết đó.


Trong tàu thì làm gì có chỗ nằm, anh Ruyệt bèn kéo tôi lên mui thuyền. Tôi nằm đó đến khi tỉnh dậy thấy có ly sữa trong tay. Tôi giữ cái ly mà không đưa vào miệng được. Conø đương lừng chừng, anh Chính thò tay qua cửa sổ buồng lái, cầm ly sữa hớp một ngụm rồi trả vào tay tôi. Tôi vồ lấy uống một hơi không còn một giọt. Thấy tôi uống hết ly sữa, anh Ruyệt nói:


_ Tốt. Thế là sống rồi.


Nói xong anh xuống săn sóc các con. Khi tôi đã tỉnh, nhà tôi mang cả gia đình sang chiếc thuyền thứ hai nên tôi có một chỗ nằm gần các con. Vào ngày thứ ba, thấy có cái gì đè nặng, tôi mở mắt ra, cu Quốc đã trèo lên mình. Bàn tay bé nhỏ lần vào vú mẹ, tay kia bỏ vào miệng mút chùn chụt. Tôi biết con tôi thèm sửa vì mấy ngày bé phải ăn thức ăn như người lớn. Bên cạnh, Phong Châu cũng gối đầu lên tay mẹ mút ngón tay. Hai đứa bé này chưa bỏ sữa khi còn ở nhà. Chung quanh, mấy đứa lớn nằm như bất động. Tôi muốn nói với các con vài câu an ủi nhưng sức đã kiệt, lời nói không ra được khỏi miệng. Tôi nhìn chúng cố mỉm cười. Lạc Long nhìn tôi thì thào:


_ Mẹ ơi đừng khóc.


Thật là nụ cười của kẻ khốn cùng cũng chẳng khác gì khi mếu máo đau thương.


Vào ngày thứ tư, một tàu hàng Nhật đi ngang. Đàn ông cởi áo thung trắng ra viết S.O.S! S.O.S! rồi vẫy rối rít. Nhưng chiếc tầu nhẫn tâm đi qua, không cứu vớt. Cùng ngày, chiếc thuyền thứ hai hỏng máy. Có thể khi bỏ lại trên biển, chủ nhân của nó đã phá hủy nên không dùng được lâu. Sóng bắt đầu lớn, nước đã bắt đầu tràn vào khoang tàu. Tôi có cảm tưởng thuyền sắp chìm. Tất cả đàn ông thay nhau múc nước ngày đêm không nghỉ. Nguy hiểm hơn nữa, chiếc thuyền nhỏ bé của anh Chính không có đèn, phải kéo cái thuyền hư hỏng này vì bên trong chứa lương thực, nên ban đêm phải neo lại đợi sáng. Thuyền đã chạy năm, sáu ngày mà vẫn chưa thấy bến, thấy bơ.ø Chung quanh toàn là nước biển. Sóng thật lớn. Thuyền nhấp nhô, mỗi lần thụp xuống như mất hút dưới đáy biển, rồi lại trồi lên. Tôi chẳng có ý niệm nào trong đầu là bao nhiêu ngày nữa tới Thái Lan. Có một điều chắc chắn là chúng tôi khó có thể sống sót qua
một cơn bão dữ. Nhìn chung quanh, chồng tôi đang đứng như một pho tượng, nhìn ra biển cả. Không biết anh đang nghĩ gì? Bất chợt anh quay sang vợ con. Buồn rầu anh bước lại gần tôi, ngồi xuống bên cạnh, xoa đầu từng đứa con. Sau một lúc anh nói:


_ Anh không sống với Cộng sản được. Họ sẽ giết anh. Anh phải đi. Anh nghĩ mình sống chết có nhau nên anh đã mang mẹ con em vào chỗ chết này. Bây giờ anh hối hận lắm. Tình trạng này, chúng ta khó mà sống được.


Anh im lặng một lúc rồi ngập ngừng:


_ Anh không muốn em và các con phải chết như thế này. Mình đang ở hải phận quốc tế, có mấy thuyền đánh cá người Việt còn đây, anh sẽ thuê họ đưa mẹ con em về Saigon. Anh phải đi.


Đây là lần đầu tiên kể từ khi xuống tàu chúng tôi nói chuyện dài như vậy. Tôi đưa cặp mắt thất thần nhìn anh rồi nhìn con, lòng đau như cắt. Những đứa trẻ này có tội tình gì mà bắt chúng chết với mình. Tôi đã quyết định. Cắn mạnh vào môi như rướm máu, tôi gật đầu.


Anh Ruyệt ra bàn với anh Chính thì bị phản ứng mạnh. Anh Chính hét lên:


_ Ngu xuẩn! Con cô chú chết bộ con tôi không chết sao? Bộ mọi người không chết sao? Tên đã bắn. Đi! Đi!


Thấy anh Chính cương quyết như thế nên chúng tôi đổi ý tiếp tục ra đi. Cũng nhờ anh Đinh Trịnh Chính mà gia đình chúng tôi mới được đoàn tụ trên đất Mỹ.


Tới ngày thứ mười, trời u ám báo hiệu một cơn bão sắp tới. Như một phép lạ, có mấy tàu đánh cá Thái Lan tới gần. Anh Chính trước làm Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Thái Lan nên nói được tiếng Thái. Anh nhờ họ giúp đỡ. Mấy ngư phủ này nói họ sẽ trở lại sau khi đánh cá xong vì là nghề sinh sống của họ. Đã bị hạm đội thứ 7 bỏ rơi nên chúng tôi đều mất tin tưởng, không hy vọng những người đánh cá này sẽ trở lại. Trong lòng ai nấy đều nghĩ đêm hôm đó là đêm cuối cùng. Nhưng thật ngạc nhiên, mấy ngư phủ Thái đã trở lại như đã hứa. Chúng tôi cho họ chiếc thuyền hỏng máy và di chuyển sang thuyền của họ. Tàu anh Chính được họ kéo theo sau. May mắn thay, mọi người vừa sang được thuyền đánh cá Thái Lan để vào bờ biển Song La thì bão tố nổi lên. Nếu không được vớt kịp, chắc chắn không còn ai sống sót. Khi vào đất liền, chúng tôi không còn gì ngoài bộ quần áo bẩn thỉu đang mặc đầy nước biển. Vài ngày sau đó, vợ ông trung tá không quân hạ sinh một bé gái kháu khỉnh đặt lên là Song La.


Phạm Thị Quang Ninh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn