BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Từ Nhập Ngũ Đến Trung Úy

05 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 2407)
Từ Nhập Ngũ Đến Trung Úy
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Giữa năm 1953, cuộc chiến tranh Việt-Pháp ngày càng khốc liệt. Pháp đã phải rút lui khỏi mấy địa điểm chiến lược quan trọng như Na sản, Hoà bình và sắp sửa bị nguy khốn tại Điện biên phủ. Từ hai năm trước, chính phủ Bảo Đại đã thi hành chính sách động viên, nhằm đào tạo một quân đội quốc gia thuần túy Việt nam.

Tôi đang trọ học ở Hà nội. Một buổi chiều đi học về, ông chủ nhà tươi cười nói với tôi:

-Cậu sắp thành sĩ quan rồi.

Ông đưa cho tôi tờ bià vàng với hàng chữ lớn “Giấy gọi nhập ngủ dưới cờ”. Tôi sẽ phải trình diện để khám sức khoẻ rồi theo học trường Sĩ quan Trừ bị Thủ đức. Tôi vẫn nghĩ thế nào cũng bị kêu nhập ngũ nhưng không ngờ chóng thế.Hơi choáng váng, tôi hiểu cuộc đời mình sắp đi vào một khúc quanh quan trọng.

Ít ngày sau, tôi đến khám sức khoẻ ở nhà thương Võ Tánh, đường Hàm Nghi, Hà nội. Rồi trình diện trại Ngọc Hà để hôm sau, cùng mấy chục người khác, xuống phi trường Cát Bi (Hải phòng) đi Sài Gòn bằng máy bay Air Việt nam.

Xe GMC nhà binh chở chúng tôi đến Thủ Đức vào giờ cơm chiều. Tôi được chia vào trung đội 30, đại độ 9 (đại đội pháo binh). Khơi khơi vậy thôi, không có trắc nghiệm, không có phỏng vấn, không được hỏi ý kiến gì cả. Kể từ nay tôi là EOR (Élève Officier de Réserve) hoặc gọi theo tiếng Việt là sinh viên sĩ quan trừ bị. Trung úy Hoà tạm thời phụ trách đại đội 9 tập họp những người mới tới, nói:

-Phát cho mỗi người một đôi đũa, một cái ly, đánh bể ly phải thường.

Trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức (03/1969)


Ly thì hiểu. Cái cốc chứ gì. Nhưng đánh bể phải thường thì chịu, không hiểu nổi. Ngày hôm sau lãnh quân trang. Quần áo người thì chật ních, người rộng thùng thình, cứ mặc thử rồi đổi cho nhau. Lần đầu đi đôi giầy săng-đá nó nặng làm sao! Và lớp đinh dưới đế kêu vang nhà dưới bước chân đi. Phải dùng nửa hộp xi mới biến được lớp da nâu sù sì thành mầu đen. Một anh bạn ở phòng bên cạnh thấy thiên hạ đánh giầy cũng nhanh nhẩu đánh giầy. Hì hục cả tiếng đồng hồ, đôi giầy đen nhẫy, bóng loáng. Đâu ngờ anh thuộc đại đội khác, đại đội truyền tin. Và đại đội truyền tin mang giầy đỏ. Đỏ đánh thành đen thì dễ ợt nhưng đen thành đỏ, chắc không ổn. Cả buổi tối hôm ấy, anh đi hết bâtiment (dãy nhà) này đến bâtiment kia, kiếm những người mang giầy cùng số mà chưa đánh xi, năn nỉ chật vật–và các cả hộp xi-mới đổi được.

Tôi tập làm quen với lối sống mới. Sáng ra làm giường xong, đi đánh răng rửa mặt ở khu nhà tắm công cộng cuối bâtiment, phải vừa chạy vừa mặc quần áo cho kịp giờ, kêu bằng xách quần mà chạy. Đi đâu cũng xếp hàng, đi đều bước. Ngủ giường đôi, mỗi phòng 24 người. Lúc nào cũng bận rộn, đi đâu cũng vội vàng. Đến bữa ăn, bước vào phòng ăn gần như phải dội ra vì mùi hôi nước mắm. Phòng ăn không chứa đủ 1200 khóa sinh, một số phải ăn ngoài hàng hiên, không có lưới chắn ruồi. Trước bữa ăn, ruồi bâu kín mấy đĩa cơm nên phải dùng thià moi cơm ở giữa ra như đào hầm.

Chưa phát súng, mỗi người chúng tôi có một chiếc sẻng cá nhân có thể gấp lại được. Đi tập ngoài bãi, lúc nào cũng kè kè cái xẻng ngang hông. Tập di chuyển trong vùng sình lầy, chúng tôi chạy trên một bãi hoang sũng nước rồi lội qua một con rạch. Mỗi trung đội di chuyển cách nhau 15 phút. Rạch không rộng lắm, hai bên bờ um tùm đủ loại cây. Cây mọc lấn cả ra giữa rạch. Gọi là rạch thì không đúng lắm vì nước tù, không chảy, lưu cữu từ bao đời, đen ngòm. Những trung đội đi trước lội qua, quậy lên cơ man nào lá mục, vụn cành khô, đất bùn. Bọt nước ùn ùn chồi lên nghe rõ tiếng bọt nước vỡ rào rào. Chúng tôi lội ào xuống, nước ngang ngực, lạnh lẽo đến rợn người. Mùi tanh nồng bốc lên. Trong khi mọi người ráng qua càng nhanh càng tốt, một anh bạn tôi, anh Gi, Trần đình Gi, khựng lại giữa dòng, mặc cho người khác xô đẩy. Anh đánh rớt chiếc sẻng, đang quơ chân kiếm. Đôi giầy săng-đá to, nặng, đế cứng như gỗ đóng đầy đinh, làm sao nhận biết, làm sao cảm được cái sẻng lẫn trong đám củi mục dầy đặc. Cả trung đội đã qua bờ bên kia, anh vẫn còn đứng đấy. Thấp thoáng phiá xa, trung đội kế đang tiến tới. Họ mà rần rần kéo qua, chiếc sẻng sẽ bị đạp sâu xuống dưới lớp bùn không chừng. Điều đáng sợ là mất xẻng còn bị Tây phạt, ảnh hưởng tới điểm thi ra trường. Một tay bóp mũi, để nguyên mũ đi rừng (chapeau de brousse) trên đầu, anh lặn hụp xuống. Không thấy sẻng, anh chồi lên. Há lớn miệng, anh táp một hơi dài không khí lẫn với chất nước dơ bẩn đáng sợ quanh miệng. Hụp xuống nữa. Lần này thành công. Anh chồi lên, nở nụ cười méo xẹo. Vuốt mặt lên bờ, anh chạy theo chúng tôi. Cái mũ rừng rộng vành của anh đen sì. Mặt mũi anh vốn đã đen càng đen thêm,đen sì. Nước tuôn lai láng từ cổ áo, ngực áo, chảy thành dòng, đen sì. Chúng tôi ái ngại cho anh nhưng không thể nhịn cười.

Sau khi lãnh súng, khổ vì súng. Ra bãi tập phải lăm lăm cầm khẩu súng trong tay. Trong trường, phải vác súng trên vai mỗi khi di chuyển. Đó là khẩu Garand M1 (người Pháp viết là Garant) cuả Mỹ, vừa dài vừa nặng chình chịch. Dù nắng hay mưa, phải giữ lòng súng bóng loáng, không rỉ sét. Lòng súng một khi đã rỉ sét, khó lau chùi cho nhẵn bóng lại và mỗi khi có khám súng là bị rầy rà. Những ngày bắn bia là những ngày vất vả. Chiều hôm trước phải chùi súng. Ngày bắn bia đứng giãi nắng hàng giờ trên xạ trường không một bóng cây, khám súng lần cuối, điều chỉnh bộ phận nhắm, tập hô theo huấn luyện viên, tập thủ thế. Phải thận trọng vì bắn đạn thật.

Khi lên thềm bắn, người đã mệt, khát nước, lại thêm cái nắng chói chang làm hoa mắt. Trong kỳ thi bắn giai đoạn 1, một anh nhắm ngay bia người bên cạnh nã cả 10 phát đạn của mình. Lúc lên ghi điểm, một tấm bia còn nguyên vẹn, một tấm mang 20 lỗ hổng. Số điểm của anh bắn lộn là tổng số điểm của 10 phát đạn ở xa điểm đen, những điểm thấp nhất. Một anh khác (anh Bửu, sau ra trung sĩ) trong một lần bắn tập trước đó, chỉ nhắm qua lỗ chiếu môn mà không nhắm qua đầu ruồi nên nòng súng khi lệch qua phải khi lệch qua trái, lúc ngỏng lên lúc chúc xuống. Thấy vậy, viên thiếu úy huấn luyện viên người Pháp bực quá, muốn trút nỗi giận lên người anh nhưng không làm sao được vì anh đang ở thế bắn nằm, người dán sát xuống mặt đất. Mất vài giây suy nghĩ, viên thiếu úy nắm nịt quần anh, kéo mông chổng lên cao khỏi mặt đất để đá vào đít. Rồi ném ịch xuống.

Trung đội tôi có một anh, anh Lang, không bao giờ đi đều bước được. Những khi trung đội đi đều bước, anh thường lẩn vào giữa trung đội để huấn luyện viên không nhận ra vì người anh thấp. Nhưng khi trung đội di chuyển với súng vác vai, nòng súng cả trung đội trồi lên sụt xuống nhịp nhàng theo bước chân đi thì anh bị lộ liền. Khi 35 nòng súng trồi lên thì riêng nòng súng của anh sụt xuống. Khi 35 nòng súng sụt xuống thì nòng súng của anh trồi lên. Huấn luyện viên đi ngoài hàng thấy liền. Sau nhiều lần tập cho anh, huấn luyện viên đành chịu và đánh rớt anh.

Giai đoạn 1 kéo dài hai tháng, không được đi phép. Chủ nhật, khoá sinh từ miền Trung và miền Bắc ngồi nói chuyện gẫu. Khoá sinh miền Nam có người nhà đến thăm. Chung quanh câu lạc bộ nhà trường dập dìu tài tử giai nhân như ngày hội từ sáng đến chiều.

Cuối giai đoạn 1, những khoá sinh đủ điểm sát hạch tiếp tục học và lương tăng từ cấp hạ sĩ lên trung sĩ. Một trong những môn thi là tháo ráp vũ khí. Từng trung đội thi ở phòng vũ khí, mỗi người tháo ráp một khẩu súng trường Garand M1, một khẩu trung liên Pháp 24/29 và một khẩu tiểu liên Pháp MAT49. Mỗi khi tháo xong một khẩu, khoá sinh giơ cao cái cơ bẩm, miệng nói lớn “cơ bẩm” rồi ráp lại trước khi tháo ráp khẩu khác. Anh Doanh, cùng trung đội tôi, tháo ráp xong với thời gian chỉ bằng nửa thời gian trung bình, nhanh đến nỗi sĩ quan giám khảo không tin, bắt làm lại. Anh làm lại, thời gian có lâu hơn trước nhưng vẫn là thời gian kỷ lục. Một tuần sau, phòng vũ khí treo một bảng danh dự lồng kính với danh sách 10 người có điểm cao nhất trong tổng số 1200 khoá sinh. Anh Doanh đứng đầu danh sách. Tôi xếp hạng thứ 5, thứ 6 hay thứ 7 gì đó.

Sang giai đoạn 2, đại đội bắt đầu học chuyên môn pháo binh. Và được đi phép, làm quen với Sài Gòn, hai tuần một lần, từ trưa thứ bảy đến chiều chủ nhật. Mỗi người được may một bộ quần áo viá bốn túi màu vàng. Xưởng may cắt quân đội đo may hẳn hoi. Hôm mặc thử, có một thiếu tá quân nhu Pháp đứng ngắm từng người, chỉ cho thợ đánh dấu những chỗ cần sửa.

Quần áo, chúng tôi thuê lính nhà trường -phần lớn người Miên- giặt. Một tối, một người lính mang lên cho anh bạn nằm kế tôi, anh Trần Duy Lượng, bộ đồ viá giặt ủi rồi. Tôi nghe cuộc đối thoại giữa hai người:

-Đồ thày giặt rồi đây.

-Tốt quá. Nhưng còn bộ cúc đâu?

Bộ cúc áo viá bằng đồng nên phải tháo ra trước khi giặt để khỏi ố. Anh lính đứng ngớ ra, lắc đầu:

-Thày đâu có đưa cho tui.

-Có mà. Tôi đi phép về, đâu có tháo cúc ra làm gì.

-Tui nói thiệt mà, thày không đưa cho tui.

-Tôi chắc chắn tôi đưa cho anh cái áo có cúc.

Cuộc đối thoại bắt đầu gay cấn. Anh em trong phòng xúm lại theo dõi. Anh Lượng nhăn nhó:

-Chết cha, anh đưa tôi cái áo không có cúc, làm sao kỳ tới tôi đi phép.

Người ngoài cuộc chúng tôi nhìn nhau ái ngại cho anh. Làm thế nào kiếm ra bộ cúc khác để đi phép. Người lính Miên với cái vốn tiếng Việt hạn hẹp không biết nói gì thêm, móc trong túi ra một gói nhỏ bọc giấy đưa cho anh Lượng rồi quay gót bỏ đi. Anh Lượng mở ra: gói cúc óng ánh vàng. Anh gọi giật anh lính Miên lại:

-Cúc đây, sao anh bảo là không có?

-Đây là nút mà.

Cả phòng được trận cười vô tiền khoáng hậu. Ngôn ngữ bất đồng, người Bắc gọi là cúc, người Nam kêu bằng nút.

Có một người Bắc khoảng trên 40 tuổi, ở trong Nam đã từ lâu, không rõ là quân nhân hay cựu quân nhân, cấp bậc gì, lâu lâu từ trại gia binh đến chuyện trò với người đồng hương, người ngoài ta. Gặp những khoá sinh miền Bắc ý hợp tâm đầu, ông ta gọi là ông một mặc dầu chúng tôi mới chỉ được gắn phù hiệu Alpha. Hai trong số ông một được chúng tôi nhớ nhiều nhất ở đại đội là ông một Giong và ông một Gi.

Tập tành ngoài trời bớt đi, các giờ học lý thuyết tăng lên. Mười giờ tối tắt đèn điện, muốn học thêm hay ôn bài phải thắp đèn cầy. Riêng có một anh không hề bận tâm đến giờ giấc hoặc chuyện học hành. Có người cắc cớ hỏi, anh chià tấm thẻ động viên (Giấy Gọi Nhập Ngủ Dưới Cờ) ra, trả lời:

-Kêu tôi vô đây ngủ mà.

Tấm thẻ động viên chắc hẳn in trong Nam. Rồi anh tiếp tục ngủ như đã từng ngủ từ đầu khoá.

Trung đội tôi có một anh bị động viên khi đang học ở chủng viện Công giáo. Tối tối, anh thả mùng ngồi ôn bài trên giường, ít trò chuyện với người khác. Một số anh em thường rủ nhau đến giường kế bên kể chuyện bù khú, chuyện tiếu lâm để trêu chọc. Anh chủng sinh đỏ mặt lên nhưng vẫn chăm chú nhìn vào sách. Ít lâu sau, có lẽ theo lời yêu cầu của anh, anh được đổi sang đại đội quân nhu hay quân cụ. Không hiểu anh có thoát được cái cảnh bị trêu chọc không vì ngành nào cũng vậy thôi.

Một tuần kia tôi làm khoá sinh trực trong tuần (élève de semaine) cuả đại đội. Một buổi sáng tôi đến đồn canh gần cổng trường, ngay cạnh tư thất của Đại tá Chỉ huy trưởng Phạm văn Cảm (chúng tôi gọi là cụ Cảm) để đôn đốc toán khoá sinh gác làm lễ chào cờ. Trưởng toán là một anh bạn lớn tuổi, cùng trung đội, mà tôi không nhớ tên. Anh hô “súng lên vai” khá lớn nhưng tiếng“bắt” lại rất nhỏ. Anh hô “đàng trước” khá lớn nhưng tiếng “bước” lại rất nhỏ. Chẳng dè Đại tá Cảm ở tư dinh bước ra lúc nào không hay, thấy vậy lớn tiếng xài xể váng cả sân cờ. Đúng lúc đó có một sĩ quan huấn luyện viên Pháp đi ngang qua, cụ bắt ông này lấy tên anh khoá sinh trưởng toán. Cuối khoá anh ra Trung sĩ.

Tôi là một đấu thủ bóng chuyền của đại đội 9, đại đội pháo binh. Chúng tôi thắng các trận đấu ở vòng loại, vào chung kết. Đội chúng tôi chỉ có hai người đập banh là anh Nguyễn tấn Bạch và anh Vũ văn Ngân. Bốn người còn lại là các anh Ngô văn Hoanh, Vũ mạnh Cường, tôi và một anh tôi không nhớ tên. Thẳng thắn mà nói, tài nghệ của chúng tôi nói chung không bằng địch thủ nhưng không hiểu chương trình giao đấu trục trặc ở chỗ nào, địch thủ của chúng tôi phải đấu một trận vào buổi sáng và dự trận chung kết vào buổi chiều. Gặp một đội bóng mệt mỏi, chúng tôi trở thành vô địch.

Sau kỳ sát hạch cuối khoá, ngày 1 tháng 6 năm 1954, khoá 4 Thủ Đức mãn khoá, được đặt tên là khoá Cương Quyết, nghe kỳ kỳ. Cương quyết cái gì, cương quyết làm chuyện tốt hay cương quyết làm điều xấu? Sau lễ mãn khoá có duyệt binh tổ chức tại đường Nguyễn Huệ, Saigòn, chúng tôi trở thành thiếu úy, đi thực tập hai tháng tại Trung tâm Huấn luyện Pháo binh Đông dương của quân đội Pháp ở Phú lợi, Thủ đầu một (thời gian này chưa có tên Bình dương). Cuộc sống thoải mái hơn vì chế độ ẩm thực tốt hơn và không phải lo sát hạch, không sợ bị thi rớt.

Đầu năm 1954, trận Điện Biên Phủ bắt đầu và bây giờ đã ngã ngũ: quân đồn trú Pháp đầu hàng. Cuộc hoà đàm ở Genève với nhiều nước tham dự đang trong thời kỳ tranh cãi gay go nhưng chiến tranh sắp chấm dứt. Báo chí đã công bố các điều khoản của hiệp định, sự phân chia thành hai miền Bắc-Nam, việc tiếp thu đất đai, thời hạn tiếp thu v.v. . . Tuy thế chúng tôi không mấy quan tâm đến chuyện ấy mà chỉ mong chóng đến ngày mãn khoá để về thăm nhà. nhất là các tân sĩ quan quê quán ở miền Trung hay miền Bắc.

Khoá thực tập chấm dứt, chúng tôi được xe đưa thẳng tới Bộ Tổng tham mưu ở đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, để nhận giấy đi phép 2 tuần trước khi ra đơn vị. Người người hớn hở, vui hơn Tết. Xe đổ chúng tôi xuống sân Bộ TTM. Một thiếu tá ra cho biết:

-Vì tình hình chiến sự đặc biệt, những người miền Trung ở phía Nam vĩ tuyến 17 và những người ở miền Nam sẽ có giấy phép về thăm nhà 2 tuần. Anh em từ vĩ tuyến 17 trở ra ngoài Bắc chỉ có 3 giấy phép, cấp theo lối bốc thăm. Ai cần nhắn gia đình điều gì thì nhờ ba anh em này.

Nhờ ba anh em này? Rõ là hài hước! Bộ ba anh em này sẽ đi hết miền Bắc và phía Bắc miền Trung để nhắn tin hộ hay sao! Nhiều tiếng xì xào phản đối. Không đi đến đâu. Một chiếc mũ được lật ngửa ra. Một nắm giấy xé nhỏ vứt vô. Chiếc thăm của tôi là mảnh giấy trắng. Tôi đi phép ở. . . Sài Gòn. Ba người may mắn là anh Nguyễn văn Tuấn, anh Trần Duy Lượng và một anh nữa.

Hết phép, tôi đáo nhậm đơn vị ở Huế. Phi cơ đáp xuống sân bay Phú bài một ngày nắng gắt. Phi trường chỉ có một dãy nhà tôn, hành khách tránh nắng phiá ngoài để tránh cái nóng hừng hực bên trong. Lần đầu tôi làm quen với tiếng Huế. Một bà mẹ gọi con:

-Tâm ơơ…i.

-Dạ.

-Mi mô?

Chịu, không hiểu bà muốn nói gì.

Đơn vị tôi là Pháo đoàn 22. Trên danh nghiã đây là một tiểu đoàn pháo binh thuộc Quân đội Quốc gia Việt nam nhưng do sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp chỉ huy hoặc giữ các chức vụ then chốt. Đơn vị đóng trong thành Mang cá.

Hiệp định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954. Chiến tranh đã chấm dứt. Lúc tôi cùng một số anh em đáo nhậm pháo đoàn thì đơn vị đang bồi dưỡng tại bãi biển Lăng cô, phiá Bắc chân đèo Hải vân. Tôi được đưa xuống Pháo đội 2, có sẵn một sĩ quan người Việt là Thiếu úy Nguyễn Đức Đệ.

Ngày hôm sau, để dần dà làm quen với sinh hoạt của pháo đội, tôi được chỉ định khám súng cá nhân của hạ sĩ quan và binh sĩ. Trời lác đác mưa nên khám trong một chiếc lều vải lớn. Tôi đến cửa lều, ngập ngừng không dám bước vào. Khi tôi bước vào, liệu có ai hô “phắc” để mọi người đứng nghiêm đón tôi không? Giả thử có anh lính ba đá nào đó cưỡng lại những chỉ trích, nhận xét của tôi hoặc một hạ sĩ quan tỏ ý khinh nhờn, tôi sẽ phải phản ứng ra sao? Ngập ngừng, nhưng không có cách nào khác, tôi thẳng người đi vô. May thay mọi sự đều tốt đẹp!

Thời gian này, phe cộng sản đang lo tập kết, đưa cán bộ và binh lính ra Bắc; phe quốc gia chuẩn bị chuyển các cơ cấu hành chánh, quân sự vào Nam cùng với chừng một triệu người di cư và tiếp thu những vùng cộng sản rút đi.

Pháo đoàn 22 trở thành một bộ phận của Chiến đoàn 22 tiếp thu Nam-Ngãi (Quảng nam-Quảng ngãi). Chúng tôi từ Huế di chuyển vào Hà Lam thuộc tỉnh Quảng Nam. Dân chúng lam lũ, rách rưới, nhìn chúng tôi với con mắt khinh nhờn. Một vài người lấy đá gõ vào xe bọc sắt xem có đúng bằng sắt hay chỉ là chiếc xe bọc gỗ bên ngoài. Chợ buá mua bán vẫn còn tiêu tiền Hồ Chí Minh. Mang tiền Đông (Đông dương) vào đổi ra tiền Hồ Chí Minh tiêu thả cửa.

Một chiếc xe hơi chở hành khách từ Hà lam vào sâu trong núi. Đó là chiếc xe không biết do hãng nào chế tạo, chỉ còn đầu máy gắn trơ trọi trên khung xe, không ca-pô, không vè chắn bùn, không kính chắn gió. Tất cả những gì bằng sắt đều đã rỉ sét, đen kịt một mầu. Bốn góc khung xe là bốn cột gỗ trên lợp mái rạ, không vách, trên sàn không có ghế ngồi. Cuối xe là thùng đốt than chạy máy thay cho xăng. Dầu máy là dầu dừa. Tôi không nhớ bánh xe bằng gì, tình trạng như thế nào. Chắc chắn không có bánh xe nào tồn tại sau 8 năm (1946-54) lăn trên đường núi an toàn khu. Khi chiếc xe lăn bánh, cả căn nhà mái rạ,và hành khách, và hàng hoá lắc lư, đong đưa qua lại nhưng với tốc độ trung bình 7, 8 cây số một giờ, tai nạn có xảy ra chắc cũng chẳng chết ai.

Tôi có dịp theo Đại úy Barry (Pháo đội trưởng) thăm mỏ vàng Bồng Miêu sau khi kiếm trên bản đồ. Từ Hà Lam lái xe theo hướng Tây, đi vào miền núi. Đường nhỏ hẹp, chông chênh, gập ghềnh, khúc khuỷu. Giữa đường gặp một cái chòi nhỏ nằm lẻ loi dưới bờ suối, xuống coi thấy vài vỏ lựu đạn nội hoá và mấy dụng cụ thô sơ vứt chỏng chơ. Chắc là công binh xưởng cộng sản. Đi một quãng nữa gặp một rừng chuối chín vàng đẹp mắt, nghe nói là chuối dại, người ăn không được. Một đàn khỉ chuyền từ cây này qua cây khác, gọi nhau tíu tít. Kế đó, giữa một nương luá, lẫn với những thân cây cháy đen là một cây ba chạc đã chặt hết cành lá, trên có một cái chòi của chủ nhân chắc hẳn là người Thượng. Chòi làm trên cao để tránh thú rừng. Cảnh tượng hoang dã như thời thượng cổ.

Mỏ Bồng Miêu đã khai thác hết vàng, bỏ hoang từ lâu. Trên một sườn đồi còn sót lại một nền nhà lớn có lẽ trước đây là dinh thự của chủ mỏ. Chân đồi có những hố sâu lớn với những lớp đất mầu vàng tươi và mầu cam xếp chồng lên nhau trông rất đẹp mắt. Chắc chắn nơi đây đã có một thời nhộn nhịp, sung túc, ngày nay hoang phế đến rợn người.

Chiến đoàn 22 mở cuộc hành quân tiếp thu vùng Tiên Phước, tôi đi theo làm tiền sát viên, cuốc bộ vừa đi vừa về chừng 5, 6 cây số. Đấy là lần đầu và lần cuối tôi làm tiền sát viên pháo binh, lại cũng là lần đầu và lần cuối tôi lội bộ hành quân.

Chừng hơn một tháng sau, đơn vị tôi về Huế lại. Tôi có dịp đi thăm những thắng cảnh Huế. Còn trẻ, chẳng mấy quan tâm đến quá khứ, tôi không thấy cái đẹp của Huế, không hứng thú lắm khi thăm những di tích lịch sử quí báu. Mãi sau này, ở Huế hơn một năm, tôi mới nhận thức được, cảm được, thấm được cái trân trọng đằm thắm đáng nâng niu của Huế. Từ cột cờ sừng sững uy nghi đến đồi Vọng Cảnh bao quát một vùng phong cảnh đẹp, từ bến đò Thừa Phủ thơ mộng đến các lăng tẩm kiến trúc công phu, từ Thành nội u tịch đến cầu Tràng tiền phất phơ những tà áo trắng, cái gì cũng gợi lên những cảm hoài thiết tha cho dù không sinh trưởng ở Huế.

Lúc mãn khoá ở Phú Lợi, đơn vị tôi chọn là Pháo đoàn 33 ở ngoài Bắc. Vì lực lượng quốc gia đang rút vào Nam , tôi được thuyên chuyển tạm thời về Pháo đoàn 22. Pháo đoàn 33 giải tán, tôi được thuyên chuyển về Pháo đoàn 34, bấy giờ đã rút vào Mỹ Tho, đóng dọc theo con đường ra Bến tắm ngựa. Tôi nhận lệnh đáo nhậm đơn vị mới (Pháo đoàn 34) nhưng trước khi lên đường, tôi làm giấy hoán chuyển với anh Trương Như Nguyên: anh vô Nam, tôi ra Huế lại. Thế là chỉ mấy tháng sau, tôi trở lại Huế, đúng vào ngày, tháng, năm toàn số 5: ngày 5 tháng 5 năm (19)55. Hình như chính vào lúc này, các pháo đoàn đổi thành tiểu đoàn pháo binh và Tiểu đoàn 22 Pháo binh-đơn vị tôi trở lại- đã cải danh thành Tiểu đoàn 26 Pháo binh đóng tại dốc Nam giao (tuy nhiên 3 pháo đội tác xạ vẫn là các pháo đội 1, 2, 3 chứ chưa đổi thành A, B, C).

Đại úy Phan Thông Tràng, Tiểu đoàn trưởng, là một người rất nghiêm và “réglo”(tôn trọng kỷ luật). Trước giờ ăn 15 phút, Đại úy Tràng đã ngồi tại phòng ăn. Các sĩ quan lần lượt từng người vào, đi đến giữa phòng phải đập gót giầy, đứng nghiêm chào, giở mũ trước khi ngồi vào bàn. Mới đáo nhậm đơn vị, tôi biết nhưng thấy vô lý nên coi như không biết, chỉ vừa đi vừa chào rồi vào chỗ ngồi chứ không đập gót giầy đứng lại. Đại úy Tràng gườm gườm nhìn tôi không nói gì, song chắc chắn là không hài lòng vì tôi đã phá lệ. Cuối tuần, nhân Trung úy Lê Hán Vỹ, PĐT/PĐ1 bị đau, Đại úy Tràng chỉ định tôi điều khiển Pháo đội 1 trong buổi lề chào cờ hàng tuần vào sáng thứ bẩy. Nghe tôi oang oang hô khẩu lệnh, ngay buổi chiều hôm ấy, Đại úy Tràng ra nội lệnh chỉ định tôi làm Pháo đội trưởng Pháo đội 3. Làm PĐT chỉ vì có tiếng hô lớn là điều chẳng đáng hãnh diện cho lắm, tôi biết. Để dễ dàng chỉ huy, tháng 8 năm ấy tôi nhận giấy phép của Đệ nhị Quân khu cho mang cấp bậc trung úy giả định rồi công văn của Bộ Quốc phòng cho mang cấp trung úy chỉ huy (giống như giả định, đeo cấp hiệu trung úy, ăn lương thiếu úy). Ngày 26/5/1956, tôi thăng cấp trung úy trừ bị tạm thời để rồi bốn ngày sau thăng cấp trung úy thực thụ. Như vậy tôi thăng cấp trung úy cả thẩy bốn lần. Thời chữ Hán, đậu tú tài một lần gọi là tú đơn, hai lần là tú kép, ba lần là tú đụp, bốn lần hình như là tú đùm. Vậy nên nói theo thi cử thời xưa thì tôi đã chấm dứt thời thiếu úy để trở thành trung úy đùm.

Kiên An
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn